Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 30/9/2013, 14:24 (GMT+7)

Bức tranh kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm

Với nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, hạ lãi suất, giảm thuế, bức tranh kinh tế 9 tháng đã có dấu hiệu sáng dần. Tuy nhiên, tình hình vẫn được đánh giá còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về ngân sách.

'GDP cả năm có thể đạt 5,4-5,5%'

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước, nhỉnh hơn mức tăng 5,1% của 9 tháng đầu năm 2012. Qua từng quý, tốc độ tăng GDP cũng được cải thiện dần.

Khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp chủ yếu chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế với mức tăng 6,25%. Trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vốn được coi là “trụ đỡ hay đệm giảm xóc” cho nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, 9 tháng đầu năm chỉ tăng 2,39% - thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Với nhận định GDP quý IV sẽ tăng cao hơn quý III, trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết GDP năm 2013 có thể đạt mục tiêu đề ra, ở mức 5,4-5,5%.

Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

Sau khi chỉ tăng 4,4% trong tháng 8 - mức tăng thấp nhất kể từ sau Tết Nguyên đán, đến tháng 9 chỉ số sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 9 tháng tăng 5,4%. Trong mức tăng chung từ đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo vẫn tăng 6,8%, song ngành khai khoáng lại giảm do ảnh hưởng của thời tiết.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến sau khi giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm cũng đang nhích dần lên trong hai tháng qua (tại thời điểm 1/9 tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm trước).

Theo chuyên gia trong ngành thống kê, thường những tháng cuối năm sản xuất công nghiệp sẽ tăng lên để chuẩn bị cho dịp Tết, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng có xu hướng "tích hàng" dần.

Sức mua chuyển biến tích cực

Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 9 tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 223.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu năm. Lũy kế 9 tháng, chỉ tiêu này đạt 1.932.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 5,3%).

Như vậy, với các giải pháp kích cầu, hộ trợ thị trường được thực hiện từ đầu năm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng đang hồi phục.

Chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng trở lại

Dù sản xuất công nghiệp, sức mua trong nước có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên Chính phủ nhìn nhận nền kinh tế chưa hồi phục vững chắc, lạm phát được kiềm chế nhưng có nguy cơ tăng cao trở lại. Trong hai tháng vừa qua, với việc giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng mạnh tại hai thành phố lớn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh, gấp 3-4 lần mức tăng tháng trước đó.

Tính từ đầu năm, lạm phát được giữ ở 4,63%. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, nếu coi mục tiêu năm nay là 7% thì mỗi tháng còn lại, dư địa cho lạm phát khoảng 0,8% mỗi tháng. "Theo tính toán những năm trước, năm nay sẽ đạt được chỉ tiêu về lạm phát", người phát ngôn của Chính phủ nói.

Cùng ý kiến trên, bà Trần Thị Hằng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát ở 7%.

Cán cân thương mại cải thiện

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm nay là cán cân thương mại được cải thiện. Từ đầu năm đến nay, nhập siêu của cả nước ước chỉ khoảng 124 triệu USD, bằng 0,1% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều mức 7-8% do Quốc hội giao.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là nhập siêu thấp chủ yếu do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại, khi khối này đang chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, còn các doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu ở mức cao.

Thu ngân sách thấp, bội chi quá kế hoạch

Ba phần tư thời gian đã trôi qua nhưng theo số liệu thống kê, đến nay thu ngân sách mới đạt 62,5% dự toán năm. Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương từng đánh giá "Chưa bao giờ ngân sách khó như hiện nay". Thu ngân sách thấp chủ yếu do doanh nghiệp khó khăn khiến nguồn thu thuế giảm, ngoài ra các chính sách miễn, giãn, giảm thuế cũng khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, dù phấn đấu tiết kiệm nhưng đến nay các khoản chi thường xuyên vẫn ở mức cao, dẫn đến bội chi ngân sách gia tăng.

Tính đến 15/8, bội chi ngân sách lên tới 130.700 tỷ đồng, bằng 5,4% GDP (theo giá hiện hành), cao hơn mức 4,8% được Quốc hội thông qua cho cả năm.

Đề xuất nới bội chi để tăng vốn đầu tư

9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước chỉ bằng 31,2% GDP, thấp nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Vốn đầu tư đột ngột giảm một phần tư xuất phát từ chính sách thắt chặt chi tiêu công để kiểm soát lạm phát đưa ra đầu năm 2011.

Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình cần phải thi công trở lại thì đang ở trong tình thiếu vốn. Mà để đảm bảo mức tăng trưởng 5,5-5,8% cho năm 2014, Chính phủ cần tối thiểu 255.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển. Dựa trên mức này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ đề xuất nâng trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1% GDP, Chính phủ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chững lại

Theo số liệu Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tháng 9 cả nước có khoảng 5.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 18% so với tháng trước. Như vậy, sau khi tăng tốc mạnh trong giữa năm, đến nay số doanh nghiệp "xin khai sinh" có xu hướng chững lại. Bên cạnh đó, với những doanh nghiệp xin thành lập mới năm nay thì quy mô cũng thu hẹp hơn, thể hiện qua tổng vốn đăng ký 9 tháng đạt hơn 281.000 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp và các hiệp hội, dù lãi suất đã giảm xuống nhưng hiện tiếp cận vốn vay vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, đầu ra vẫn chưa cải thiện nên nhiều doanh nghiệp cũng chưa muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Song, bức tranh về doanh nghiệp cũng có tín hiệu đáng mừng khi số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động giảm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lại tăng lên. Theo chuyên gia, các doanh nghiệp yếu kém nhất đã bị "đào thải" trong hai năm trước, do đó những doanh nghiệp hiện nay đều có sức chống cự tốt hơn nên tỷ lệ ngừng hoạt động, giải thể sẽ giảm dần.

Thu hút FDI vượt kế hoạch cả năm

Với việc thu hút được nhiều dự án FDI tỷ đô từ đầu năm, ước 9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lên tới 15 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đã đề ra đầu năm (13-14 tỷ USD).

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cũng lưu ý là bên cạnh dự án lớn thì các dự án quy mô nhỏ cũng xuất hiện nhiều hơn, cho thấy 1 đến 2 năm tới số dự án quy mô vừa giảm dần, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tại thành thị gia tăng

9 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,22%, cao hơn mức 2,06% của cùng kỳ năm ngoài. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị trội hơn khi đạt 3,67%, còn khu vực nông thôn là 1,56%.

"Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Ngược lại tỷ lệ thiếu việc làm của cả nước lại giảm đi, ước 9 tháng đầu năm 2013 đạt 2,66%, thấp hơn mức 2,75% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, "điểm tối" là tỷ lệ thiếu việc làm của khu vực nông thôn giảm, còn thành thị vẫn tăng lên.

9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế dần cải thiện, chấm dứt quá trình đi xuống 2 năm liên tiếp. Sản xuất công nghiệp, sức mua trong nước, thu hút FDI và cán cân thương mại cải thiện cũng góp phần làm nên những gam màu sáng hơn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc, lạm phát dù được kiểm soát nhưng nguy cơ tăng cao vẫn có thể quay trở lại khi sức cầu cải thiện, thu ngân sách cũng được đánh giá khó khăn nhất từ trước đến nay.

Huyền Thư