Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ hai, 4/8/2014, 14:18 (GMT+7)

Doanh nhân Nhật Bản biểu diễn võ Sumo ở Bình Định

Tối 3/8, các doanh nhân Nhật Bản từng là võ sư, võ sĩ biểu diễn, giao lưu môn võ truyền thống Sumo nổi tiếng ở " xứ sở hoa anh đào".

Trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần 5, tối 3/8, ba đoàn võ thuật Nhật Bản gồm Sumo, Battoudo và Karatedo đã biểu diễn, giao lưu cùng các võ sinh và du khách ở TP Quy Nhơn (Bình Định). Mở màn biểu diễn môn võ Sumo, các võ sư khởi động bằng cách xoạc chân theo phương thẳng đứng. 

Màn chào khán giả độc đáo của các võ sư Sumo. Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, ba đoàn võ thuật gồm 25 lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản từng là võ sư, võ sĩ đến đây giao lưu, biểu diễn các môn võ truyền thống kết hợp khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là những doanh nghiệp ở tỉnh Osaka có thế mạnh chế biến thủy sản xuất khẩu, kinh doanh vận tải và công nghiệp phụ trợ. 

Các vận động viên biểu diễn võ Sumo là các võ sư, võ sĩ đẳng cấp 3 đai, 4 đai từng vô địch Vô địch giải Sumo toàn Nhật Bản. Những vận động viên thuộc Tập đoàn Maguchi chuyên đánh bắt, chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Sumo ra đời ở Nhật Bản cách đây 1.500 năm trên tinh thần là một môn đấu vật thể hiện sức mạnh. Sau đó, người ta dùng nó trong các nghi thức bói toán để dự đoán xem mùa vụ có bội thu hay không. Đến thế kỷ 18, Sumo phát triển thành một hình thức giải trí quần chúng rất được yêu thích. Ngày nay, Sumo không chỉ gói gọn trong các cuộc tranh tài dành cho những võ sĩ chuyên nghiệp mà còn được xem như môn thể thao. 

Pha nhào lộn độc đáo các võ sư, võ sĩ Sumo tạo cảm giác thú vị cho khán giả. Bà Trần Thị Hà, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn (Bình Định) bộc bạch, xem võ Sumo trên tivi thì nhiều nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến tận mắt các võ sư, võ sĩ biểu diễn môn võ nổi tiếng của đất nước "Mặt trời mọc" ngay tại quê hương mình. " Tôi rất thích môn võ Sumo này vì nó mang tính nhân văn, tinh thần thượng võ hàm chứa tinh hoa của võ học truyền thống của Nhật Bản", bà Hà thổ lộ. 

Một võ sĩ Sumo bị đối thủ nhấc bổng trong vòng tròn thi đấu. Sumo vốn được xem là môn võ giàu truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản, cũng như là một  nghi lễ tôn giáo (Thần đạo – Shinto). Các võ sĩ Sumo đều có tầm vóc khổng lồ, đồ sộ nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn trên sàn đấu.

Trong thi đấu Sumo, không cho phép dùng đòn đá, đòn cùi chỏ, không được nắm tóc, không được đấm, không được xia vào mắt hoặc tấn công hạ bộ nhưng được húc vào người đối thủ, được ngáng chân thậm chí được tát vào mặt đối thủ. Sumo thi đấu không phân biệt theo hạng cân, do đó khán rất thích thù khi xem trận đấu giữa một võ sĩ nhẹ cân hơn, thấp hơn đấu với võ sĩ to hơn và không phải lúc nào kẻ to lớn hơn cũng thắng.

Võ sư Sumo giao lưu với trẻ em Bình Định. Theo quy định, hai võ sĩ Sumo thi đấu trong một vòng tròn, ai đẩy được đối thủ ra khỏi vòng hoặc quật ngã, làm cho bất kỳ bộ phận trên người đối thủ , trừ lòng bàn chân chạm đất sẽ giành chiến thắng.

Trẻ em Bình Định dùng sức mạnh tập thể đẩy các võ sĩ Sumo ra khỏi vòng tròn giành chiến thắng. Bé Nguyễn Thị Anh (12 tuổi, TP Quy Nhơn) phấn khởi nói, lần đầu tiên cháu được chạm tay vào võ sĩ Sumo to lớn cảm thấy rất vui như bước ra từ câu chuyện bé tý hon bên cạnh anh chàng "khổng lồ".  

Các võ sĩ Sumo mặc trang phục truyền thống Kesho-mawashi, một chiếc tạp dề được trang trí công phu bằng các hình thêu với đường viền bằng vàng và một Yokozuna thực hiện các nghi thức hướng tới thần linh, xua đuổi ma quỷ khỏi sân đấu bằng muối trước trận đấu. 

Trí Tín