Thứ sáu, 19/4/2024
Chủ nhật, 3/7/2016, 02:37 (GMT+7)

Những người ăn theo mùa vải

Thu hái, tuyển lựa, cân vải đóng gói, bốc xếp hàng... là những công việc thời vụ cực nhọc song mang lại thu nhập đáng kể cho người lao động vào mùa vải thiều Bắc Giang.

Bẻ và bó vải vẫn là công việc phổ biến, thu hút nhiều lao động nhất khi vào vụ. "Mùa thu hoạch vải diễn ra trong vòng một tháng. Vào chính vụ, gia đình phải thuê thêm 10 nhân công đến từ các huyện và tỉnh vùng ven. Mỗi người được trả 200.000 đồng một ngày sau khi trừ ăn ở", bà Trương Thị Bảy (thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết.

Trong khi đó, chỉ vải (tuyển lựa nhanh các lô vải đạt chuẩn cho điểm cân, thương lái) lại là công việc đòi hỏi kinh nghiệm. Người chỉ vải phải có con mắt nhanh nhạy, những quả vải mọng, không sâu đầu, vỏ sần, bóng, màu sắc đẹp, quả đều, thịt ngọt là tiêu chuẩn để đánh giá lô vải. Tại huyện Lục Ngạn, chỉ vải hầu hết là người Việt làm thuê cho thương lái Trung Quốc.

Mỗi ngày thu nhận khoảng 100 sọt hàng, tương đương một tấn quả, công việc của người chỉ vải đòi hỏi phải đứng phơi nắng phơi mưa từ sáng sớm. Trung bình một ngày làm việc từ 12 đến 15 tiếng, người chỉ vải được thương lái trả công một triệu đồng.

Người cân vải và ghi chép thu chi là cánh tay phải của thương lái, đóng góp phần lớn cho khoản lỗ lãi sau vụ mùa. Công việc hằng ngày bắt đầu từ 5h và kết thúc vào 23h. Những người trực tiếp đứng cân được chủ đại lý rất tin tưởng và trả công xứng đáng.

Để vận chuyển những quả vải đi khắp cả nước hoặc đi nước ngoài chỉ có cách duy nhất là rửa và ướp vải vào đá lạnh. Dịch vụ bán đá xuất hiện ngay bên cạnh những đại lý thu mua vải. Một vụ vải xưởng sản xuất có thể tiêu thụ lên đến cả triệu cây đá, mỗi cây dài hơn một mét giá 20.000 đồng.

Tại vùng vải, không ít gia đình kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ cho thuê địa điểm thu mua. Với diện tích khoảng gần 50m2, mỗi hộ có thể kiếm từ 2,5 đến 3 triệu đồng một ngày.

Chọn lọc và tuyển lựa từng trái vải là khâu cực kỳ quan trọng, quyết định tới chất lượng lô vải xuất đi bởi phần lớn lượng vải nhập đều là mua xô, hàng trăm kg một lúc. 

Vải sau khi được thu mua, tuyển lọc, sẽ ngâm trong nước lạnh và rửa nước đá để giữ quả vải tươi. "Tay tôi lúc nào cũng sưng phồng như vỏ quả vải chín bởi làm việc trong thời tiết nắng nóng nhưng liên tục phải ngâm tay trong đá lạnh, bù lại thu nhập cũng khá, chỉ tiếc là mùa vải diễn ra ngắn quá", anh Tùng ở xã Giáp Sơn hào hứng nói.

Lực lượng đông đảo là những người xếp vải vào thùng xốp, đóng gói, dán băng dính. Công việc luôn tay không nghỉ đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, dẻo dai. Tùy lượng vải đóng được mà thù lao thay đổi theo ngày từ 200.000 đến 800.000 đồng.

Mỗi đại lý luôn có một kế toán thu chi, người này ngồi trực tiếp tại lối ra, thường là người quen, người thân của đại lý. Công việc mang lại thu nhập khoảng 700.000 đồng một ngày.

Công việc bốc xếp vải lên thùng xe tưởng chỉ dành cho cánh người đàn ông khỏe mạnh nhưng vẫn có sự đóng góp của những giọt mồ hôi và bàn tay của phụ nữ.

Ngọc Thành