Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 10/3/2014, 16:43 (GMT+7)

Những nữ doanh nhân 'ngược sóng'

Sơn, thép, điện lạnh, vật liệu xây dựng… vốn là những lĩnh vực mà phái mạnh chiếm ưu thế trên thương trường, nhưng vẫn có những nữ doanh nhân dám "ngược sóng" đương đầu với thử thách và đã thành công.

PGS-TS Nguyễn Thị Hòe: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova

Người phụ nữ từng có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử nhận giải Nobel năm 2005 vẫn miệt mài ở cả hai lĩnh vực nghiên cứu khoa học và quản lý doanh nghiệp.

Cách đây 18 năm khi sang Mỹ công tác, bà Hòe được một số nhà khoa học Mỹ đưa đến Trung tâm vũ trụ Nasa. Họ đề nghị bà nghiên cứu một sản phẩm sơn nhẹ, không bị gỉ. Từ lúc này, bà Hòe đã ấp ủ nghiên cứu dòng sơn nano và đã thành công với sản phẩm sơn Nano Epoxy. Để kiểm nghiệm, bà dùng đèn khò 1.300 độ C trong 4 giờ vào sơn mà không bị gì.

Giữa năm 2013, trong buổi ra mắt sản phẩm sơn nano sản xuất từ vỏ trấu lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới với tính năng chống cháy, kháng khuẩn và chống gỉ, bà Hòe gây bất ngờ khi giới thiệu sản phẩm sơn chống đạn.

Bên cạnh thị trường trong nước, KOVA rất thành công ở thị trường nước ngoài. Tại Singapore, sau 7 năm chinh phục, Kova đã đi vào gần hết các công trình lớn như: siêu thị, chung cư, sân bay... Riêng năm 2013, KOVA trúng thầu một vài công trình hệ thống tàu điện ngầm MRT của Singapore và khoảng hơn 5.000 căn hộ chung cư. Trong 2014, KOVA sẽ hoàn thành nhà máy sơn tại Malaysia, nâng tổng số 7 nhà máy trong và ngoài nước.

 “Đối với tôi, tiền bây giờ không còn quá quan trọng, bởi bản thân tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Ăn thì ăn kiêng, du lịch không thích vì chỉ thấy phòng thí nghiệm là đẹp nhất”, bà Hòe bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE

Khởi đầu với vị trí là một kỹ sư vào năm 1982, giờ đây, bà Mai Thanh trở thành một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam. Bà vừa được Forbes vinh danh

Ông Nguyễn Thanh Vân, cựu Giám đốc Xí nghiệp Cơ điện lạnh (tiền thân của REE), người đã cất nhắc bà Mai Thanh lên vị trí lãnh đạo, nhớ lại: “Cô ấy là một nhân viên xuất sắc, không bao giờ thỏa mãn với thành quả hiện tại mà luôn cố gắng. Cô ấy làm việc cật lực như những đồng nghiệp nam”.

Bà Thanh tham gia Xí nghiệp Cơ điện lạnh từ năm 1982, trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE sau đó 10 năm. REE dưới sự dẫn dắt của bà đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá 200 triệu USD. REE được biết đến là công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi... Nguyễn Thị Mai Thanh là phụ nữ duy nhất trong một ban lãnh đạo toàn nam giới, bà cũng thừa nhận ở REE công việc khá nặng nhọc và nhiều việc thích hợp cho nam.

Bà Mai Thanh và gia đình hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu REE trị giá hơn 900 tỷ đồng, trong đó cá nhân bà nắm giữ khoảng 300 tỷ đồng.

Ninh Thị Bích Thùy: Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép TVP

44 tuổi, điều hành 4 công ty cùng 20ha nhà xưởng sản xuất, Ninh Thị Bích Thùy được coi là nữ doanh nhân hiếm hoi thành công trong ngành thép.

Thùy là con thứ trong gia đình có tới tám anh chị em ở TP HCM. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, đang học năm thứ nhất đại học, chị phải nghỉ ngang, mượn 5 chỉ vàng tích cóp của mẹ để mở cửa hàng sắt thép.

Sau hai năm làm ăn ổn định, chị Thùy quyết định quay lại Đại học Kinh tế TP HCM  hoàn tất việc học. Năm 1993, chị thành lập công ty riêng.

Chị Thùy cho biết, hiện đang mở rộng nhà máy thêm 12ha, nâng tổng công suất lên 30.000 tấn mỗi tháng. Bởi từ đầu năm đến nay, TVP nhận thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân, theo chị là do 2 năm quá khó khăn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thép đã không trụ nổi.

Ngoài thép, đầu tư lớn nhất mà chị Thùy tiến hành là khu công nghiệp Phúc Long rộng 80ha nằm ngay cạnh Nhà máy TVP, đi vào hoạt động từ tháng 4/2012. Đến nay, khu công nghiệp đã cho thuê được hơn 30% diện tích, giá giao động 70-90 USD/m2.

Nguyễn Thị Ngọc Loan: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường

Từ chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, sau hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan đã gầy dựng nên công ty Vĩnh Tường chiếm gần 60% thị phần vật liệu trần vách nhẹ của Việt Nam.

Bà bắt đầu với một cửa hàng vật liệu xây dựng nhỏ. Ban đầu bà mua lẻ, sau đó mua cả đoàn tàu gạch men của thủy thủ về bán. Khi ngành xây dựng chuyển sang dùng tấm trần, bà nhập hàng Hồng Kông, Thái Lan về bán.

Năm 1997, từ đồng vốn gom góp, nhà máy đầu tiên của Vĩnh Tường trên diện tích 1.500m2 ra đời. Năm 2006, Vĩnh Tường khai trương tổ hợp nhà máy rộng 5ha, tạo đà chuyển từ công ty gia đình thành công ty cổ phần. Vĩnh Tường cũng đã có một nhà máy tại Campuchia.

Năm 2013, thị trường bất động sản và xây dựng khó khăn, nhưng doanh thu của Vĩnh Tường đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 30%, lợi nhuận trên 75 tỷ, tăng hơn 40% so với 2012. Bà Loan ước tính thị phần ngành vật liệu trần vách nhẹ hiện tại của mình khoảng 53% tại Việt Nam, 38% tại Campuchia và 22% tại Singapore.

“Tôi biết mình già và cũ nên từ năm 2005, việc quản trị dần thay đổi để những người trẻ có trình độ và "đủ lửa" tham gia nhiều hơn”, bà Loan bộc bạch về quyết định chuyển giao vị trí tổng giám đốc cho một người còn khá trẻ.

 

Hồng Châu