Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 6/8/2013, 11:40 (GMT+7)

Tình hình kinh doanh của 10 công ty Việt 'tốt nhất châu Á'

Cả 10 đơn vị này đều báo lãi suốt 5 năm qua và có kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm nay.

Khoáng sản Bình Định

Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (Mã CK: BMC) thành lập từ năm 1985, vốn điều lệ hiện thời gần 124 tỷ đồng, trong đó 25% là sở hữu của Nhà nước. Niêm yết trên sàn từ năm 2006, công ty có hơn 12,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Khoáng sản Bình Định giảm hơn 20% so với cùng kỳ, còn 42 tỷ đồng. Lợi nhuận cơ bản trên một cổ phiếu BMC theo đó cũng hạ trên 2.000 đồng, chỉ đạt 3.448 đồng.

Đến ngày 30/6, Khoáng sản Bình Định có hơn 80 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng hơn 5 lần so với hồi đầu năm. Nợ ngắn hạn chỉ chiếm 19% trên tổng vốn chủ sở hữu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/8, thị giá BMC tăng 500 đồng, đạt 53.000 đồng một cổ phiếu.

Cảng Đình Vũ

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (Mã CK: DVP) có đơn vị sáng lập là Cảng Hải Phòng – trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam và chịu sự quản lý của Cục Hàng hải Việt Nam. Vốn điều lệ khi mới thành lập của Cảng Đình Vũ là 100 tỷ đồng. Một số ngành nghề chính của doanh nghiệp gồm dịch vụ kho bãi, kinh doanh vận tải xăng dầu, bất động sản và vật tư khai thác cảng.

6 tháng đầu năm, lãi sau thuế Cảng Đình Vũ tăng nhẹ 2%, đạt gần 104 tỷ đồng. Lợi nhuận cơ bản trên một cổ phiếu theo đó cũng tăng từ 5.070 đồng lên 5.171 đồng. Hiện công ty có gần 131 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, nợ ngắn hạn giảm 3 tỷ so với hồi đầu năm, chỉ còn hơn 120 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% vốn chủ sở hữu. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DVP hiện dao động quanh mốc 73.500 đồng.

Sách Giáo dục Hà Nội

Công ty cổ phần Sách Giáo dục Hà Nội (Mã CK: EBS) kinh doanh trong lĩnh vực sách giáo dục, tạp chí, bản đồ, văn phòng phẩm và đồ dùng cá nhân, gia đình. Tháng 12/2006, công ty niêm yết cổ phiếu EBS lên sàn Hà Nội, vốn điều lệ khi đó là 10 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu cổ đông nhà nước là 51%.

Quý II vừa qua, doanh nghiệp giảm lãi 25% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,8 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng thấp hơn gần 11%, chỉ đạt khoảng 36 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6, nợ ngắn hạn công ty giảm gần 11 tỷ, xuống còn 25,7 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải trả người bán. Công ty không có khoản vay nợ ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu của Sách giáo dục Hà Nội đạt khoảng 21,8%.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/8, giá EBS đạt 7.800 đồng một cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức 80.000 đồng trong phiên giao dịch đầu tiên hồi tháng 12/2006. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh thêm các yếu tố gây pha loãng giá cổ phiếu như thưởng cổ tức, tăng vốn điều lệ, giá EBS vẫn tăng khoảng 9,8% sau gần 8 năm trên sàn. Khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần nhất đạt hơn 17.700 cổ phiếu.

Giống cây trồng Trung ương

Niêm yết từ năm 2006, hiện Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung Ương (Mã CK: NSC) có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng, hơn 11% vốn do cổ đông nhà nước sở hữu. Ngoài các lĩnh vực kinh doanh chính như sản xuất giống cây trồng, nông – lâm nghiệp, thiết bị vật tư nông nghiệp, công ty còn lấn sân sang kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế và buôn bán xăng dầu.

5 năm gần đây (2008-2012), lợi nhuận sau thuế công ty liên tiếp tăng từ 28 tỷ đồng (2008) lên 77,6 tỷ đồng (2012). 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế Công ty Giống cây trồng Trung Ương tiếp tục tăng 14,6% so với cùng kỳ, đạt 54 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6, nợ ngắn hạn công ty đạt 103 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với hồi đầu năm, chủ yếu là các khoản phải trả người bán và cán bộ, nhân viên. Khoản vay ngân hàng chỉ khoảng 93 triệu đồng. Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu của Giống cây trồng Trung Ương là 34%, nằm trong phạm vi cho phép của Forbes (dưới 75%)

Lãi cơ bản trên một cổ phiếu NSC theo đó cũng tăng từ 4.713 đồng lên 5.399 đồng. Trên sàn chứng khoán, giá một cổ phiếu NSC đang ở mức 75.000 đồng (phiên ngày 2/8), tăng 64% so với hồi đầu năm. Đến ngày 30/6, công ty có vốn chủ sở hữu hơn 300 tỷ đồng.

Đường Ninh Hòa

Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa ra đời từ năm 1996, tiền thân là Nhà máy đường Ninh Hòa, trực thuộc Công ty Đường Khánh Hòa. Năm 2010, công ty niêm yết trên sàn TP HCM với mã chứng khoán NHS.
5 năm qua, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Đường Ninh Hòa hầu hết đạt trên 80 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng từ hơn 104 tỷ đồng (2008) lên 544 tỷ đồng (2012).

6 tháng đầu năm, Đường Ninh Hòa giảm 6,5% lãi sau thuế so với cùng kỳ năm trước, đạt 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận cơ bản trên một cổ phiếu giảm mạnh, từ 6.239 đồng xuống còn 1.782 đồng. Đến ngày 30/6, nợ ngắn hạn công ty đạt 625 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với hồi đầu năm và cao hơn vốn chủ sở hữu gần 70 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu NHS hiện dao động quanh mức 12.700 đồng. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt gần 14.000 cổ phiếu.

Pan Pacific

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh công cộng và đang có định hướng chuyển qua lĩnh vực nông nghiệp, Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình (Pan Pacific, Mã CK: PAN) chính thức niêm yết trên sàn TP HCM ngày 15/12/2010, với giá 19.900 đồng.

Trước đó, cổ phiếu PAN niêm yết trên sàn Hà Nội. Giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng ngày 24/11/2012 là 16.500 đồng.

Thời điểm giá cổ phiếu cao nhất trên HOSE đạt 35.000 đồng, thấp nhất 10.200 đồng. Đóng cửa phiên 5/8, giá PAN đạt 31.600 đồng.

5 năm gần nhất, công ty đều lãi. Trong đó, năm 2012, PAN đạt lãi sau thuế cao nhất, với trên 81 tỷ đồng, EPS đạt 7.324 đồng. Nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu là 12,5%.

Chưa có báo cáo quý II, quý I, Pan Pacific đạt doanh thu hơn 74,5 tỷ đồng, tăng 14% so vơi cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế quý I hơn 9 tỷ đồng, tăng khoảng 4,5 tỷ so với cùng kỳ 2012.

Đại lý vận tải SAFI

Tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty cổ phần Đại lý vận tải SAFI cổ phần hóa vào năm 1998. Công ty bắt đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM vào cuối năm 2006, với mã SFI.

Giá đóng của phiên giao dịch đầu tiên của SFI đạt 110.000 đồng, phiên cao nhất là 298.000 đồng, thấp nhất là 10.500 đồng. Kết phiên 5/8, cổ phiếu SFI có giá 20.300 đồng.

Năm 5 gần nhất, SFI đều có lãi. Trong đó, năm 2012, công ty có mức lãi sau thuế cao nhất, đạt gần 44,4 tỷ đồng, EPS là 4.566 đồng. Nợ ngắn hạn gần 247 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu khoảng 17 tỷ đồng.

Chưa công bố báo cáo hợp nhất quý II, quý I, SAFI lãi sau thuế khoảng 7,2 tỷ đồng, giảm khoảng 3 tỷ so với cùng kỳ năm trước.

Giống cây trồng Miền Nam

Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (Mã CK: SSC) giao dịch ngày đầu tiên vào 1/3/2005, với giá đóng cửa phiên đầu tiên 30.800 đồng. Giá đóng cửa cao nhất là 129.000 đồng, thấp nhất là 17.000 đồng. Đóng cửa phiên 5/8, SSC đạt 39.100 đồng.

5 năm gần nhất công ty đều báo lãi. Trong đó, lãi sau thuế cao nhất là năm 2012, đạt hơn 67,8 tỷ đồng, EPS đạt 4.577 đồng. Nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu 58%.

Công ty chưa công bố báo cáo tài chính quý II. Theo báo cáo quý I, công ty lãi 11,2 tỷ đồng, giảm gần 3 tỷ so với cùng kỳ năm 2012.

Bao bì Dầu thực vật

Công ty cổ phần Bao bì Dầu thực vật (Mã CK: VPK) niêm yết trên HOSE vào cuối tháng 12/2006, với giá đóng cửa phiên đầu là 27.500 đồng. Trong suốt quá trình giao dịch, giá đóng cửa cao nhất của VPK đạt 44.500 đồng, thấp nhất là 6.000 đồng. Kết phiên 5/8, VPC có giá 32.200 đồng.

Năm 5 gần nhất, công ty đều báo lãi. Trong đó, năm 2012 lãi sau thuế cao nhất với hơn 48,7 tỷ đồng, EPS là 6.091 đồng, nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu 36%.

6 tháng đầu năm, công ty lãi trên 26 tỷ đồng, hơn khoảng 2 tỷ so với cùng kỳ năm 2012. EPS đạt 3.283 đồng.

Container Việt Nam

Lên sàn HOSE vào ngày 9/1/2008, Công ty cổ phần Container Việt Nam (Mã CK: VSC) có giá đóng cửa phiên đầu tiên đạt 124.000 đồng, mức cao nhất trong suốt quá trình niêm yết. Giá thấp nhất của VSC là 25.100 đồng. Đóng cửa phiên 5/8, cổ phiếu VSC đạt 38.600 đồng.

Năm 2012, công ty lợi nhuận sau thuế khoảng 228 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm lãi liên tục gần nhất, EPS đạt 9.626 đồng. Nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu là 35%.

6 tháng đầu năm, công ty lãi trên 101 tỷ đồng, giảm khoảng 13 tỷ so với cùng kỳ năm 2012.

Theo danh sách 200 công ty quy mô dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á mà Forbes vừa công bố, Việt Nam được vinh danh 10 đại diện. Doanh thu của họ từ 5 triệu USD đến một tỷ USD. có tốc độ tăng trưởng ổn định suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, quý II và 6 tháng đầu năm, một vài công ty đã giảm lãi và có nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu.

Hàn Phi - Tường Vi