Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ năm, 7/8/2014, 20:09 (GMT+7)

Đánh bắt thành công cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản

Sau 20 ngày đánh bắt thí điểm bằng thiết bị, công nghệ Nhật, 5 tàu cá ngư dân Bình Định đạt kết quả khá tốt, trong đó có 9 con cá ngừ được các chuyên gia đánh giá đạt chất lượng, có thể chế biến món sasimi nổi tiếng.

Chuyến đánh bắt thí điểm của 5 tàu cá ngư dân xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cập cảng Quy Nhơn ngày 5/8 với 54 con cá ngừ đại dương sau 20 ngày ra khơi. Trung bình mỗi con nặng khoảng 40-50 kg, có con nặng đến 65 kg.
Thuyền trưởng Nguyễn Huê (xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) cho biết, trước đây ra khơi suốt cả tháng, cá ngừ đại dương mang về chất lượng kém, phụ thuộc nhiều "đầu nậu" nên giá bán quá thấp. Giờ đây, đánh bắt loài cá này theo thiết bị, công nghệ bảo quản của Nhật Bản, chuyến biển lại ngắn ngày vừa tiết kiệm công sức, lại giúp tiết kiệm nhiều chi phí, đạt hiệu quả kinh tế gấp ba lần so với trước. Tiêu chuẩn đánh bắt cá ngừ thông thường của Nhật Bản chỉ kéo dài 15-20 ngày, trong đó thời gian tính từ lúc cá được đánh bắt đến khi đưa vào bờ là 7 ngày.

Chiều 6/8, các chuyên gia thủy sản Nhật Bản đến cảng Quy Nhơn để kiểm tra chuyến hàng cá ngừ đại dương đầu tiên của ngư dân Bình Định. Ông Kato Hitoshi, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt Sankai tại Osaka cho biết, các chuyên gia ra tận tàu kiểm tra chất lượng, phân loại và đóng thùng xuất khẩu sang Nhật Bản trong sáng 7/8.

“Nguyện vọng lớn nhất của Hội là làm sao đưa cá ngừ đại dương của Bình Định trở thành một thương hiệu đặc trưng trên thị trường Nhật Bản. Hiện nay mới chỉ có 5 tàu thí điểm, nếu dự án này thành công hi vọng tất cả tàu cá ở Bình Định đều sử dụng kỹ thuật và trang thiết bị mới”, ông Kato Hitoshi chia sẻ

Theo ông Kato Hitoshi, với người Nhật Bản, ấn tượng đầu tiên đặc biệt quan trọng, tác động đến lòng tin lâu dài của họ. Để nâng cao giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương, có bốn yếu tố quan trọng nhất gồm khâu đánh bắt thủy sản, đóng gói kiểm hàng, phiên chợ đấu giá bán như thế nào và tìm kiếm mở rộng thị trường.  

Hội hữu nghị Nhật-Việt Sankai (Osaka) cam kết với Bình Định, sau chuyến đi này sẽ báo cáo Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ, giúp ngư dân Việt Nam đưa dự án thí điểm đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp hiện đại tiến xa hơn nữa.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định cho hay, doanh nghiệp đã mua toàn bộ số cá nói trên của bà con ngư dân với giá cao hơn 20% so với thị trường hiện nay. Sau đó bốc dỡ, đưa về Công ty để bảo quản, đóng gói vận chuyển bằng đường hàng không sang Nhật Bản.

Trong lô hàng cá ngừ đại dương đầu tiên xuất sang Nhật Bản, có 9 con (tương đương 450 kg) được các chuyên gia đánh giá đảm bảo chất lượng cao có thể chế biến món sasimi (tươi sống). Giá thu mua cá ngừ đạt tiêu chuẩn làm sasimi của Nhật tối thiểu là 9 USD, cao nhất tới 30 USD, trong khi giá cá ngừ tại Việt Nam hiện chỉ khoảng 2-3 USD. Năm 2013, tỉnh Bình Định đã từng chọn ra 3 con cá ngừ thuộc loại tốt nhất đánh bắt được để gửi qua Nhật Bản, nhưng tất cả đều bị trả về vì không đủ tiêu chuẩn chế biến sasimi.

Các chuyên gia Nhật cắt ở phía dưới đuôi mỗi con cá ngừ một miếng thịt để kiểm tra màu sắc cũng như độ mềm. Tùy theo chất lượng tươi sống mà mỗi con cá ngừ được gắn thẻ có mã số khác nhau. Hiện tại, Công ty Thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General ở TP Osaka, Nhật Bản đã ký kết hợp đồng kinh doanh đại lý độc quyền.

Kato sẽ là đại diện hợp pháp của Bidifisco tại Nhật để đưa cá ngừ đại dương vào bán tại các trung tâm đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản thuộc đối tác của Kato ở Nhật Bản. 


 

Đây là một trong những hoạt động nằm trong thỏa thuận xây dựng mô hình liên kết sản xuất cá ngừ theo chuỗi của các bên gồm: Nhóm ngư dân khai thác, doanh nghiệp Bình Định thu mua xuất khẩu và đại lý độc quyền của Bidifisco tại Nhật. 

Hằng năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài, nhưng chỉ có 100.000 tấn là cá tươi, 200.000 tấn đông lạnh. Các nước xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật đã có tới 80% ngư dân sử dụng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản.

Dù lượng cá ngừ đánh bắt được lần này chỉ đạt 30%, nhưng do đây là cuối vụ, lại mùa gió nam, nước biển nóng hơn nên sản lượng cá ngừ thấp. Nếu chính vụ, sản lượng sẽ cao hơn nhiều.

Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá, thành công của chuyến đánh bắt thí điểm lần này là ngư dân Bình Định đã đánh bắt được nhiều cá ngừ đại dương đạt chất lượng tươi sống, hứa hẹn mang lại thành công trong thời gian tới. Sau chuyến biển đầu tiên, ngư dân có thể rút ra nhiều kinh nghiệm, sử dụng thiết bị, công nghệ bảo quản của Nhật Bản thành thạo có thể đánh bắt cá ngừ đại dương đạt chất lượng, có giá trị xuất khẩu ngày càng cao. Tỉnh Bình Định đang khuyến khích, hỗ trợ ngư dân trên địa bàn nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. 

Trí Tín