Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 1/7/2015, 15:47 (GMT+7)

Chặng đường đưa Hy Lạp đến cảnh vỡ nợ

Từ khi gia nhập khu vực đồng tiền chung năm 2001 đến nay, Hy Lạp trải qua rất nhiều biến cố cả về tài chính và chính trị.

2001: Hy Lạp gia nhập eurozone

Hy Lạp được mời vào khu vực đồng tiền chung từ trước đó – tháng 6/2000. Sau khi gia nhập, nước này trở thành thành viên thứ 12 của eurozone, bỏ đồng drachma để dùng euro. Để đạt chuẩn, nước này phải chứng minh có nền kinh tế khỏe mạnh, đạt các tiêu chí về giá cả ổn định và tài chính công. 

2004: Hy Lạp tổ chức Olympic Athens

Giữa năm 2004, Hy Lạp chi tới 9 tỷ euro để tổ chức Olympic, biến Thế vận hồi mùa hè 2004 đã trở thành kỳ Olympic "đắt đỏ nhất" tại thời điểm đó. Tuy nhiên, những công trình được xây dựng cho vận động viên, người hâm mộ và giới truyền thông sau đó lại hầu như không được sử dụng và ngày càng xuống cấp, khiến nước này ngập chìm trong những khoản nợ khổng lồ.

Olympic Athen được coi là nguyên nhân trực tiếp đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài cho đến tận hôm nay. Lạm chi cho Olympic đã làm tăng nợ công và thâm hụt ngân sách của nước này.

2004: Hy Lạp thừa nhận thổi phồng số liệu

Cuối năm 2004, Chính phủ Hy Lạp thừa nhận đã thổi phồng các số liệu điều kiện để gia nhập eurozone, đặc biệt là thâm hụt ngân sách giai đoạn 2000 - 2003.

Điều kiện của eurozone là thâm hụt dưới 3% GDP. Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra của cơ quan thống kê Liên minh châu Âu – Eurostat, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp thừa nhận số liệu này chưa từng dưới 3% từ năm 1999.

2009: Hy Lạp bị hạ xếp hạng tín nhiệm

Tháng 12/2009, hãng đánh giá tín dụng Fitch hạ xếp hạng của Hy Lạp từ A- xuống BBB+. Đây cũng là lần đầu tiên trong một thập kỷ nước này rơi khỏi hạng A.

Động thái này diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp thời đó – ông George Papaconstantinou cảnh báo thâm hụt nước này có thể lên tới 12,5% GDP năm 2009, cao hơn rất nhiều so với dự đoán.

Các tuần sau đó, lần lượt các hãng xếp hạng khác đã hạ bậc tín nhiệm Hy Lạp, do lo ngại nước này đang mất đà phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính.

2010: Hy Lạp chấp nhận thắt lưng buộc bụng

Tháng 3/2010, Chính phủ Hy Lạp thông qua gói chính sách thắt lưng buộc bụng, gồm cắt giảm lương nhân viên nhà nước, ngừng trả lương hưu, tăng thuế với thuốc lá, rượu và xăng dầu. Các công đoàn đã phản ứng rất mạnh với tin tức này và tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên khắp Athens.

2010: Hy Lạp nhận gói cứu trợ đầu tiên

Tháng 5/2010, bộ ba Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp gói cứu trợ đầu tiên cho Hy Lạp trị giá 110 euro, do lo ngại nền kinh tế mong manh của nước này có thể đẩy cả khu vực vào vùng nguy hiểm.

Hy Lạp đã phải chấp nhận thắt chặt hơn nữa để đổi lấy gói cứu trợ, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối. Đến nay, nước này đã nhận 2 gói cứu trợ với tổng trị giá hơn 240 tỷ euro.

2011: Hy Lạp được giảm nợ đáng kể

Tháng 10/2011, sau các cuộc đàm phán xuyên đêm, lãnh đạo các nước châu Âu đã đồng ý giảm nợ cho Hy Lạp do nước này vẫn tiếp tục gặp rắc rối tài chính. Các nhà đầu tư cá nhân sẽ chỉ được nhận 50% giá trị số trái phiếu Hy Lạp họ đang giữ.

2012: Hy Lạp bị coi là vỡ nợ

Đầu tháng 3/2012, các chủ nợ tư nhân đồng ý hoán đổi 85% nợ cho Hy Lạp, giúp cắt giảm khoảng 100 tỷ euro khỏi nghĩa vụ nợ của quốc gia này. Ngay lập tức, ngày 9/3, Fitch và Moody’s đồng loạt hạ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống vỡ nợ. Trước đó, vào ngày 28/2, Athens cũng bị Standard & Poor’s xem là đã vỡ nợ một phần.

2014: Hy Lạp quay lại thị trường trái phiếu

Tháng 4/2014, nhà đầu tư chào mừng Hy Lạp quay lại thị trường trái phiếu sau 4 năm vắng bóng. Nhu cầu trái phiếu kỳ hạn 5 năm của nước này đã khiến nhiều người gọi đây là "điểm bắt đầu của sự kết thúc" cho hoạt động cứu trợ Hy Lạp, dù nhận định đó có vẻ còn quá sớm.

2015: Đảng Syriza thắng cử

Đảng phản đối cứu trợ - Syriza dẫn đầu bởi ông Alexis Tsipras đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hy Lạp tháng 1 năm nay, sau đó liên minh với đảng cánh hữu - Hy Lạp Độc lập. Chính quyền mới cam kết gỡ bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang đè nặng lên Hy Lạp. Nhưng chính điều này lại khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng euro.

2015: Eurozone chấp thuận gia hạn gói giải cứu

Tháng 2/2015, nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone (Eurogroup) đã chấp thuận gia hạn nợ thêm 4 tháng cho Hy Lạp, sau khi Chỉnh phủ mới của nước này nộp đề xuất cải tổ ngay trước hạn chót. Các biện pháp này gồm kiểm soát chi tiêu công, giảm tham nhũng và trốn thuế. Hy Lạp sau đó được yêu cầu thanh toán cho các chủ nợ khác nhau trong giai đoạn tháng 4 - tháng 6/2015. Tuy nhiên, không một hạn chót nào được đáp ứng.

Tháng 6/2015: Hy Lạp tiếp tục đàm phán nợ

Suốt nhiều tuần, Chính phủ Hy Lạp và nhóm chủ nợ liên tục thất bại trong việc đàm phán về các điều kiện cải tổ để nước này được nhận khoản cứu trợ cuối cùng trị giá 7,2 tỷ euro. Mấu chốt nằm ở hệ thống lương hưu và thuế.

Việc này sẽ khiến Athens gặp rắc rối trong việc thanh toán 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/6, và sau đó là ECB vào tháng 7. Nếu không trả nợ đúng hạn, Hy Lạp sẽ bị tuyên bố vỡ nợ và có khả năng rời eurozone.

Bước ngoặt xảy ra khi ngày 27/6, Thủ tướng Tsipras kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý về các biện pháp thắt lưng buộc bụng của nhóm chủ nợ. Sau khi tin tức này phát ra, eurogroup cũng từ chối bản kế hoạch gia hạn gói cứu trợ thêm một tháng mà Athens đề xuất.

Lo ngại hệ thống ngân hàng sụp đổ, người dân nước này đã đổ xô rút tiền. Đầu tuần này, Chính phủ Hy Lạp đã phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, đóng cửa ngân hàng, thị trường chứng khoán, hạn chế rút tiền mặt tại ATM và giao dịch nước ngoài.

30/6/2015: Hy Lạp thách thức châu Âu

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Thủ tướng Alexis Tsipras đã tuyên bố nước này sẽ không trả tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tự tin các lãnh đạo châu Âu sẽ không cương quyết đá Hy Lạp ra khỏi eurozone. 

Tối ngày 30, Hy Lạp cũng gửi kèm một kế hoạch tái cấu trúc nợ, kèm đề xuất chương trình cứu trợ kéo dài 2 năm từ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Đề xuất này sẽ được giới chức châu Âu xem xét hôm nay.

1/7/2015: Hy Lạp bị tuyên bố vỡ nợ

Hôm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát đi thông báo xác nhận Hy Lạp không trả nợ đúng hạn. Điều này cũng có nghĩa Athens chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp bị IMF kết luận như vậy. Với tuyên bố này, Hy Lạp mặc nhiên không được quyền tiếp cận bất cứ khoản vay nào của quỹ cho tới khi thanh toán xong nghĩa vụ nợ cũ. 

Hà Thu (theo CNBC)