Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 14/9/2013, 11:53 (GMT+7)

Cuộc sống sau 5 năm của các tội đồ khủng hoảng

Cựu CEO Lehman Brothers - Dick Fuld hiện làm cố vấn cho một công ty năng lượng. Giám đốc Tài chính ngân hàng này đang thất nghiệp, còn CEO Merrill Lych về làm cho một nhà băng hạng trung, sau khi bị "đá" khỏi Bank of America.

1. Dick Fuld

2008: CEO kiêm Chủ tịch Lehman Brothers

Fuld là CEO Lehman Brothers từ năm 1994 cho đến khi ngân hàng này sụp đổ năm 2008. Ông đã trở thành biểu tượng của văn hóa liều lĩnh quá đà tại Lehman, cũng như nhiều công ty khác ở Wall Street, khiến tài chính toàn cầu lao đao. Thu nhập của Fuld năm 2007 là 34 triệu USD, chỉ sau CEO Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Hiện tại:

Tháng 8/2011, ông và các lãnh đạo cấp cao khác tại Lehman đã phải trả trên 90 triệu USD bồi thường cho các cổ đông. Ông cũng từng thành lập một công ty tư vấn tài chính, nhưng được cho là hoạt động rất khó khăn. Hiện làm Fuld làm cố vấn cho công ty năng lượng xanh GlyEco.

2. Erin Callan

2008: Giám đốc Tài chính Lehman Brothers

Callan được bổ nhiệm vào chức vụ này cuối năm 2007, ngay trước khi các vấn đề của ngân hàng bị phanh phui. Bà từ chức tháng 6/2008 khi Lehman công bố lỗ 4 tỷ USD quý II và được chuyển đến bộ phận ngân hàng đầu tư.

Hiện tại: Thất nghiệp

Callan gia nhập Credit Suisse một thời gian ngắn năm 2009 với vai trò cố vấn quỹ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi bà rời tập đoàn này năm 2010, cái tên Erin Callan gần như không được ai nhắc đến.

3. Vikram Pandit

2008: CEO Citigroup

Pandit làm CEO Citigroup từ đầu năm 2008, ngay trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Citigroup được coi là một trong những nhà băng lớn yếu kém nhất sau vụ sụp đổ của Lehman và cũng là định chế FED phải bơm tiền nhiều nhất.

Hiện tại: Nhà đầu tư, thành viên HĐQT

Pandit từ chức CEO cuối năm 2012 và nhảy vào lĩnh vực cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending). Ông gần đây cũng đầu tư vào một doanh nghiệp có tên CommonBond, giúp các sinh viên kinh tế tìm nhà đầu tư để bảo đảm cho các khoản vay của mình. Pandit cũng mua cổ phần trong một công ty tài chính Ấn Độ có tên JM Financial.

4. Tim Geithner

2008: Chủ tịch FED tại New York

Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ năm 2009, nhưng trước đó, Geithner cũng đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải cứu các ngân hàng sau vụ sụp đổ của Lehman. Là Chủ tịch FED New York, Geithner cùng Ben Bernanke, Hank Paulson (Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó) và những người khác đã thuyết phục được các giám đốc ngân hàng chấp nhận Chương trình Giải cứu tài sản xấu (TARP), đồng thời hỗ trợ sáp nhập một số nhà băng lớn để tránh phá sản.

Hiện tại: Sau khi rời Bộ Tài chính đầu năm 2013, Geithner gia nhập Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR). Ông rất tích cực diễn thuyết và xuất bản các cuốn hồi ký về khủng hoảng tài chính.

5. Lloyd Blankfein

2008: CEO Goldman Sachs

Cho đến trước khủng hoảng, Blankfein vẫn là giám đốc ngân hàng được trả lương cao nhất ngành. Ông kiếm được 95 triệu USD năm 2007 và 2008. Goldman Sachs cũng là nhà băng hoạt động tốt nhất trong khủng hoảng 2008, khi hầu hết các đại gia khác tại Mỹ đứng trên bờ vực sụp đổ. Berkshire Hathaway, công ty đầu tư của tỷ phú Warren Buffett, từng chi 5 tỷ USD mua cổ phần tại Goldman.

Hiện tại: Vẫn là CEO Goldman Sachs

Cùng Jamie Dimon của JPMorgan Chase, Blankfein là một trong hai CEO ngân hàng còn giữ được ghế sau khủng hoảng tài chính. Tuy vậy, Goldman cũng có quãng thời gian rất khó khăn, nhất là từ sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) kết tội lừa đảo bán các chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn năm 2010. Cuối cùng, Goldman phải chấp nhận nộp phạt 550 triệu USD.

6. Ken Lewis

2008: CEO Bank of America

Lewis đứng đầu Bank of America từ năm 2001 đến 2009. Tuy phải nhận cứu trợ của Chính phủ, ngân hàng này vẫn được nhìn nhận là kẻ thắng trong khủng hoảng, do đã mua được Merrill Lynch. Dù vậy, Bank of America vẫn bị cho là đã chi quá nhiều trong các thương vụ thâu tóm, bao gồm cả Merrill và hãng cho vay thế chấp Countrywide. Năm 2007 và 2008, thu nhập của Lewis là 34 triệu USD.

Hiện tại: Nghỉ hưu

Kể từ khi nghỉ hưu cuối năm 2009 do sự giận dữ của các cổ đông, Lewis hầu như không xuất hiện trước công chúng. Gần đây, ông đã gia nhập HĐQT một công ty sản xuất phim.

7. John Thain

2008: CEO Merrill Lynch

Thain làm CEO kiêm Chủ tịch Merrill Lynch năm 2008, sau ba năm làm CEO NYSE. Ngay khi Lehman chuẩn bị sụp đổ, Thain đã tích cực đàm phán bán Merrill Lynch cho Bank of America với giá cao. Tuy nhiên, sau khi thương vụ thành công, Thain không được chào đón ở Bank of America. Ông bị “đá” khỏi đây đầu năm 2009.

Hiện tại: CEO kiêm Chủ tịch CIT Group

Thain gia nhập ngân hàng quy mô vừa CIT đầu năm 2010, ngay sau khi CIT thoát khỏi tình trạng phá sản. Đầu năm nay, FED đã đồng ý cho ngân hàng này mua lại cổ phiếu.

8. John Mack

2008: CEO Morgan Stanley

Mack tiếp nhận vị trí CEO Morgan Stanley năm 2005. Ông là người ham rủi ro đến mức đẩy ngân hàng đến tình trạng gần sụp đổ, nhưng cũng là người giải cứu được Morgan Stanley. Sau khi Lehman phá sản, ông đã giúp ngân hàng có được 9 tỷ USD đầu tư từ nhà băng Nhật Mitsubishi UFJ, bên cạnh khoản cứu trợ của Chính phủ. Cổ phiếu Morgan Stanley đã mất 73% trong nhiệm kỳ của Mack. Đầu năm 2010, ông rời khỏi chức CEO.

Hiện tại:

Mack hiện vẫn là cố vấn cấp cao tại Morgan Stanley và còn làm việc tại Quỹ đầu tư KKR. Ông cũng là thành viên HĐQT tại công ty cho vay ngang hàng Lending Club và hãng khai mỏ Glencore Xstrata.

9. Jamie Dimon

2008: CEO JPMorgan Chase

5 năm trước, Dimon được coi là anh hùng. Trước vụ sụp đổ của Lehman, JPMorgan mua Bear Stearns với số tiền gần 1,5 tỷ USD của Chính phủ. Sau đó, ngân hàng này lại mua Washington Mutual với giá gần 1,9 tỷ USD. Dimon kiếm được 65 triệu USD trong năm 2007 và 2008.

Hiện tại: Vẫn là CEO JPMorgan Chase

Dimon là người sống sót sau khủng hoảng. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa công việc của ông xuôi chèo mát mái. Chính phủ Mỹ đang đòi JPMorgan bồi thường hơn 6 tỷ USD vì đã bán chứng khoán kém chất lượng cho các hãng cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac trước khủng hoảng.

Con số này lớn hơn rất nhiều khoản JPMorgan dự tính phải trả cho scandal giao dịch "Cá voi London" - khiến hãng thiệt hại hơn 6 tỷ USD và khoản phạt vì bị cáo buộc thao túng thị trường hàng hóa.

10. Ben Bernanke

2008: Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã chỉ định Bernanke vào ghế Chủ tịch FED đầu năm 2006. Thời điểm đó, bong bóng nhà đất đã phình to và nền kinh tế bắt đầu mất đà.
Là người nghiên cứu rất kỹ Đại suy thoái, Bernanke đã can thiệp rất mạnh vào lĩnh vực kinh tế tư nhân. Ông là một trong những kiến trúc sư trưởng của kế hoạch TARP, giúp chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng. Bernanke, cùng Geithner và Paulson, cũng đóng vai trò quan trọng giúp các nhà băng sáp nhập để vượt qua khủng hoảng.

2013: Vẫn là Chủ tịch FED

Sau hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch, Bernanke được cho là sẽ từ chức cuối năm nay. Dù bị chỉ trích vì giữ các chính sách tiền tệ lỏng lẻo từ thời khủng hoảng quá lâu, ông vẫn được nhiều nhà đầu tư coi là vị cứu kinh của nền kinh tế.

Thùy Linh (theo CNN)