Thứ ba, 16/4/2024
Thứ bảy, 12/12/2015, 04:00 (GMT+7)

Hàng loạt sân bay, nhà máy bị lãng quên ở Hy Lạp

Nhiều nhà máy, sân bay, sân vận động tại Hy Lạp đã phải đóng cửa từ nhiều năm qua, khiến kinh tế nước này tổn thất đáng kể.

Từ sau khi gần như vỡ nợ năm 2010, Hy Lạp đã mất số việc làm khổng lồ, chịu tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục trong nhiều năm, phải cắt giảm thu nhập của người dân và tăng thuế, bất chấp hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, y tế liên tục xuống cấp.

Tại Hy Lạp, rất nhiều nhà máy nhộn nhịp trước đây đã bị bỏ hoang. Hàng thập kỷ qua, chúng từng là nơi hái ra tiền cho những người chủ và đảm bảo kế sinh nhai cho các công nhân. Dù rất nhiều nhà máy gặp trục trặc từ trước khủng hoảng tài chính, diễn biến 5 năm qua đã khiến tình hình này thêm tồi tệ.

Hàng loạt nhà máy bị dỡ bỏ, chỉ còn lại những mảng bê tông và những tấm cửa kính vỡ vụn. Một số vẫn còn công nhân cũ canh chừng, một số đã bị khóa và thi thoảng mở cửa quét dọn. Bên trong nhiều nhà máy vẫn còn tàn tích của hoạt động trước đây - hàng dãy chai rượu, chồng bát đĩa và những chiếc máy bỏ không. Rải rác xung quanh là dấu tích của những người đã từng làm việc, với những đôi ủng, găng tay, hồ sơ cá nhân và những chiếc áo phủ đầy bụi treo trên giá.

Sân bay Quốc tế Athens (Hellinikon) đã đóng cửa từ năm 2001 để nhường chỗ cho cơ sở mới, và giờ chỉ là bãi đất hoang đầy cỏ dại. Sân bay này, cùng rất nhiều cơ sở xây dựng cho Olympics Athens 2004 bị bỏ hoang, là một trong những bất động sản giá trị nhất của Hy Lạp. Nhưng việc bán chúng luôn gây nhiều tranh cãi.

Phần vỏ một chiếc máy bay bị bỏ lại tại Sân bay Quốc tế Athens.

Những chiếc ghế máy bay bỏ không tại đây.

Một văn phòng của Sân bay Quốc tế Athens với tài liệu hướng dẫn an toàn bay và nhiều giấy tờ khác vương vãi bên trong.

Nhà máy sản xuất đồ sứ Hellenic Ceramics bị bỏ không tại thị trấn Halkida - phía bắc Athens.

Một tấm biển bên ngoài nhà máy thịt ở Corinth, bán đảo Peloponnese phía nam Hy Lạp. Nhà máy này bị hỏa hoạn hồi tháng 8/2014 dù trước đó nhiều tháng đã ngừng hoạt động.

Còn đây là một nhà máy khác bỏ hoang gần thành phố cảng Piraeus. Chủ nhà máy này - Công ty Hóa chất và Phân bón thành lập năm 1910, cao điểm có 4.000 nhân viên. Nhưng năm 1999, công ty đã ngừng hoạt động.

Một nhà kính trồng dâu tây bỏ hoang gần làng Manolada, Peloponnese. Sản xuất tại đây bị đình trệ do lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU của Nga năm ngoái.

Một sân vận động cho thi đấu bóng chày trong Olympic 2004 bị bỏ hoang.

Kronos - một nhà máy rượu bỏ hoang ở khu công nghiệp Elefsina, phía Tây thủ đô Athens, từng được coi là biểu tượng của ngành công nghiệp thế kỷ 20 tại đây.

Những máy móc ở phòng điều khiển nằm im lìm trong nhà máy chế tạo ống kim loại Hellenic Pipe Works. Nhà máy này thành lập năm 1967 và xuất khẩu 80% sản phẩm sang Mỹ. Năm 1994, nó được một tập đoàn xây dựng mua lại, và ngừng hoạt động năm 2011. Nhà máy vẫn còn 30 nhân viên, tuần đến một lần để kiểm tra đồ đạc. Họ cho biết đã 4 năm nay chưa được trả lương.

Những chiếc đĩa lăn lóc bên ngoài một nhà máy gốm sứ tại thị trấn Katakolo, phía đông Peloponnese.

Văn phòng ngổn ngang giấy tờ của một nhà máy rượu tại Nemea, Peloponnese. Cơ sở mới của khách sạn này vẫn hoạt động, nhưng sản xuất cũng đang đi xuống. Còn các cơ sở cũ đã bị đóng cửa từ năm 2008.

Hà Thu (theo AP)