Thứ tư, 17/4/2024
Thứ sáu, 31/1/2014, 10:33 (GMT+7)

Những cuộc đối đầu nảy lửa trên thương trường 2013

Sony và Microsoft cùng tranh giành thị phần máy chơi game cầm tay, Microsoft 'đá đểu' Apple bằng một loạt quảng cáo, và cuộc chiến sở hữu Dell cũng trở nên rất ác liệt trong năm 2013.

1. Carl Icahn và Bill Ackman

Tháng 1 năm ngoái, hai nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ là Bill Ackman và Carl Icahn đã lên CNBC đấu khẩu kịch liệt về hãng bán hàng đa cấp Herbalife. Icahn dành cả nửa tiếng để gọi Ackman là “đứa trẻ hay ăn vạ”, “kẻ thua cuộc” và “người thích ra vẻ nhất tôi từng gặp trong đời”. Còn Ackman cho biết Icahn là chỉ kẻ nói dối.

Khi ấy, Ackman viện dẫn một loạt chứng cứ cho rằng mô hình bán hàng của Herbalife là lừa đảo. Còn Icahn – vốn đã có hiềm kích lâu năm với Ackman, quyết định nhân cơ hội này mua thêm cổ phiếu Herbalife để trả đũa. Ông còn tuyên bố Herbalife rất có triển vọng. Năm ngoái, cổ phiếu Herbalife thực sự đã tăng vọt, do nhiều người cũng nối gót Icahn mua vào.Việc này đã khiến quỹ đầu tư của Ackman mất 500 triệu USD vì trước đó đã bán khống cổ phiếu Herbalife.

2. Dan Loeb và George Clooney - Sony

Tháng 7 năm ngoái, nhà sáng lập kiêm CEO quỹ đầu tư Third Point – Dan Loeb đã chỉ trích ban lãnh đạo của Sony. Ông cho rằng mảng sản xuất phim của hãng này làm ăn thất bát và nên bị tách ra. Chỉ vài ngày sau, diễn viên gạo cội George Clooney đã lên tiếng bảo vệ Sony, do hãng phim đang hỗ trợ công ty của ông. Clooney cho biết Sony có nhiều bom tấn năm qua và Loeb là “người có ít tư cách phán xét nhất”. Loeb sau đó đề nghị gặp Clooney để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tin tức nào về việc cả hai có gặp nhau hay không.

3. Sony và Microsoft

Năm 2013 được dự kiến có sự cạnh tranh gay gắt giữa Sony và Microsoft khi cả hai công ty đều có kế hoạch ra mắt máy chơi game mới – PlayStation 4 và Xbox One. Tuy nhiên, khi ngày phát hành còn chưa tới, cuộc đấu khẩu giữa hai đại gia công nghệ đã bùng nổ. Tháng 8, Giám đốc mảng thiết bị giải trí của Sony đề nghị Microsoft dừng việc liên tục công bố thông tin về Xbox mới. Còn Microsoft thì phản pháo họ là công ty luôn lắng nghe người tiêu dùng. Đó là lý do họ có nhiều thay đổi. Đến nay, nhiều báo cáo cho thấy PlayStation 4 đang bán chạy hơn Xbox. Nhưng kẻ thắng trong cuộc chiến này vẫn rất khó nói trước.

4. Microsoft và Apple

Tháng 5 năm ngoái, Microsoft đăng tải quảng cáo chế giễu Siri – tính năng hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói của iPhone. Trong đó, Siri liên tục xin lỗi vì không thể làm được việc mà máy tính bảng dùng Windows có thể làm: “Tôi xin lỗi, tôi chỉ có thể làm một việc một lúc thôi”.

Sau đó, đến tháng 9, Microsoft tiếp tục ra mắt một video chế nhạo buổi họp chiến lược của Apple. Trong đó, các nhà phát triển phần mềm của Apple đến muộn vì đồng hồ iWatch bị hỏng. Ý tưởng của quảng cáo này là sản phẩm Apple chỉ được vẻ bề ngoài. Rất nhanh sau đó, Microsoft đã rút video này xuống và cho biết họ chỉ muốn đùa mà thôi.

Apple sau đó đáp trả bằng doanh số 9 triệu điện thoại bán ra trong tuần đầu tiên ra mắt iPhone 5S và 5C hồi tháng 9.

5. Apple và Dell

Bất chấp tất cả lời ra tiếng vào, Dell từ lâu vẫn trên cơ Apple trong mảng máy tính để bàn. Nguyên nhân là phần lớn máy tính cá nhân trên thế giới chạy hệ điều hành Windows, mà đó lại là loại máy Dell đang sản xuất. Nhưng từ năm 2013, tình hình có vẻ đang biến chuyển. Một khảo sát cuối năm ngoái cho thấy lần đầu tiên kể từ khi máy MAC của Apple ra mắt, người dùng lên kế hoạch nếu mua máy mới thì sẽ lấy của Apple thay vì Dell.

6. Dell và Carl Icahn

Chỉ gần một tháng sau khi CEO kiêm nhà sáng lập Dell thông báo muốn cùng quỹ đầu tư Silver Lake mua lại toàn bộ cổ phần hãng máy tính Dell do mình sáng lập, Icahn đã nhảy vào phá bĩnh. Nhà đầu tư này tuyên bố sẽ mua cổ phiếu Dell với giá cao. Và sau khi thâu tóm được hãng máy tính, ông sẽ sa thải toàn bộ ban lãnh đạo, kể cả Michael Dell.

Tuy nhiên, cuối cùng, Icahn cũng không thực hiện được kế hoạch trên. Các cổ đông Dell đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch mua lại của nhóm Michael Dell hồi tháng 10, chấm dứt thương vụ gây tranh cãi nhất năm. Ngoài Icahn, Blackstone cũng "nhảy vào" trận chiến khi cử tỷ phú gốc Việt – Chinh Chu đạo diễn thương vụ này, nhưng sau đó ít tháng họ đã rút lui do lo ngại triển vọng máy tính để bàn toàn cầu.

Hà Thu (theo CNN)