Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 26/4/2014, 14:00 (GMT+7)

Tiếp viên phải giảm cân để tiết giảm chi phí

Buộc ôtô rẽ phải thay vì rẽ trái, khuyến khích tiếp viên nữ giảm cân, hay bỏ quả ô liu trong salad là những cách giúp các công ty tiết kiệm hàng trăm nghìn USD mỗi năm.

1. UPS - Chính sách không rẽ trái

Tập đoàn chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới - UPS, sở hữu 96.000 xe tải và tiêu thụ một lượng lớn nhiên liệu mỗi năm. Khi phân tích cách thức cắt giảm chi phí nhiên liệu, họ phát hiện ra việc xe tải rẽ trái sẽ tốn nhiều nhiên liệu hơn rẽ phải. Vì vậy, năm 2004, họ quyết định thi hành chính sách có tên “Không rẽ trái”. Việc tưởng chừng vô lý này đã giúp họ không chỉ tiết kiệm được gần 38 triệu lít xăng mà còn cắt giảm lượng khí thải tương đương của 53.000 chiếc ôtô mỗi năm.

2. McDonalds - Bớt 1 lát pho mát

Năm 2008, McDonalds đã rất khôn khéo khi bỏ suất burger 2 lát pho mát (Double Cheeseburger) và thay bằng “McDouble”. McDouble gần như giống hệt suất Double Cheeseburger, nhưng chỉ có một lát pho mát thay vì 2. Double Cheeseburger vẫn được phục vụ, nhưng khách hàng phải trả thêm 1 USD so với giá trước kia. Sự tính toán khôn ngoan này đã tiết kiệm cho đại gia đồ ăn nhanh 6 cent một chiếc bánh và 15.000 USD mỗi năm cho mỗi nhà hàng thuộc hệ thống.

3. Bank of America - Thay giấy in biên lai

Từ năm 2000 đến 2004, ngân hàng Bank of America đã giảm đáng kể lượng tiêu thụ giấy thông qua một chiến dịch khuyến khích sử dụng báo cáo trực tuyến, email, photo 2 mặt và các loại giấy khối lượng nhẹ. Với khách hàng, các biên lai giao dịch chẳng là gì, nhưng với các nhà băng, chi phí cho khoản này không hề nhỏ. Bằng việc giảm khối lượng các biên lai ATM từ 9 kg xuống 6,8 kg, Bank of America không chỉ tiết kiệm được một khối lượng lớn giấy mà còn cả chi phí vận chuyển, in ấn và lưu trữ lên tới 500.000 USD.

4. American Airlines - Bỏ quả oliu trong suất salad

Việc Bob Crandall - CEO hãng hàng không American Airlines quyết định bỏ bớt quả oliu trong mỗi suất salad trên chuyến bay đã trở nên rất nổi tiếng tại Mỹ. Một quả oliu chỉ là thay đổi rất nhỏ, nhưng với số lượng bữa ăn hãng này phục vụ mỗi năm, nó đã giúp hãng tiết kiệm được 500.000 USD.

5. Ryanair - Khuyến khích nữ tiếp viên giảm cân

Hãng hàng không châu Âu Ryanair nổi tiếng vì những chiêu cắt giảm chi phí độc đáo. Để giảm tải cho máy bay, họ áp dụng mọi cách, từ giảm lượng đá lạnh đến giảm kích thước tạp chí từ A3 xuống A4. Nhưng nổi tiếng nhất là yêu cầu các nữ tiếp viên giảm cân, với phần thưởng là được lên bìa lịch năm của tập đoàn. Ryanair cũng nổi tiếng là hãng hàng không ủng hộ chính sách “đánh thuế cân nặng” đối với các khách hàng mang quá cân khi lên máy bay.

6. Amazon - 5.000 USD để công nhân nghỉ việc

Đại gia bán lẻ trực tuyến – Amazon mới đây đã thực hiện một chương trình khá đặc biệt: Trả tiền để nhân viên nghỉ việc. Nhân viên Amazon sẽ được trả 5.000 USD người nếu muốn nghỉ làm. Chương trình này được công bố bởi chính giám đốc điều hành Jeff Bezos, nhằm đảm bảo nhân viên có niềm đam mê thật sự với công việc của mình. Theo ông, trong dài hạn, một nhân viên phải làm việc ở nơi họ không thích sẽ chẳng có lợi gì cho cả họ và công ty

7. Cisco - Đóng cửa trong 4 ngày

Năm 2008, Cisco đã đóng cửa hầu hết các văn phòng của mình tại Mỹ và Canada trong 4 ngày nghỉ lễ cuối năm, từ 29/12 đến 2/1. Tất cả các nhân viên đều phải nghỉ làm. Đây là một mẹo kế toán của Cisco và cũng là một phần chương trình cắt giảm chi phí giúp họ tiết kiệm 1 tỷ USD.

8. Trẻ em khuyến khích chính phủ đổi font chữ

Đây không phải chính sách của một doanh nghiệp, nhưng thực sự là một câu chuyện rất thú vị. Suvir Mirchandani (14 tuổi) đã phát hiện ra trường học của mình sẽ tiết kiệm được 21.000 USD mỗi năm tiền giấy và mực in nếu đổi font chữ đang sử dụng sang font Garamond. Ấn tượng với ý tưởng này, thầy giáo cậu bé đã khuyến khích cậu trình đề án lên chính phủ Mỹ. Ước tính, đề án có thể tiết kiệm 136 triệu USD mỗi năm, thậm chí nhiều hơn nếu các bang cùng tham gia. Tuy nhiên, đề án của cậu bé vẫn chưa được phản hồi.

Trần Huyên (theo Oddee)