Thứ ba, 19/3/2024
Thứ hai, 16/9/2013, 10:14 (GMT+7)

5 năm dư chấn khủng hoảng tài chính thế giới tại Việt Nam

Cuộc khủng hoảng tồi tệ bắt đầu từ năm 2008, làm chao đảo thế giới suốt nửa thập kỷ qua. Bối cảnh này, cộng với những vấn đề nội tại khiến kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn và chưa thể thoát khỏi đáy suy thoái.

Tăng trưởng kinh tế thụt lùi
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đơn vị: %

Giai đoạn 2002 - 2007, Việt Nam luôn được coi một trong những điểm sáng trong bản đồ kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,8%. Với việc gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP lên tới gần 8,5%.

Từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008, Việt Nam chìm trong vòng xoáy tăng trưởng chậm khi các thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng, sức mua trong nước giảm. Cả giai đoạn này, tăng GDP luôn thấp hơn 7% và ngày càng đi xuống, đến năm 2012 chỉ còn 5,03%, chưa bằng hai phần ba so với mức trước khi khủng hoảng.

Chính phủ đã tung ra gói kích cầu một một tỷ USD vào năm 2009 nhưng do những yếu kém nội tại, nền kinh tế chưa thể bứt lên. "Việt Nam chưa thể thoát khỏi khủng hoảng với mức tăng trưởng thấp như trên", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) nhưng tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 5,2 - 5,3%, điều này sẽ dồn gánh nặng cho những năm tới nhằm đạt mục tiêu 7 - 7,5%. Theo bà Lan, cơ hội để Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng vẫn còn nếu quá trình tái cơ cấu được thực hiện quyết liệt, những điểm nghẽn được khắc phục.

Lạm phát nhảy múa
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đơn vị: %

Vấn đề luôn làm đau đầu nhà quản lý 5 năm qua chính là kiểm soát lạm phát, sau giai đoạn quá ưu tiên cho tăng trưởng và tình trạng thâm hụt cán cân thương mại kéo dài. Đỉnh điểm của quá trình này là lạm phát năm 2008 lên tới gần 20% và duy trì ở hai con số năm 2010 và 2011. Giai đoạn này, nhiều tổ chức quốc tế đều bày tỏ mối quan ngại lạm phát cao làm xấu đi môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ảnh hưởng đến giá trị tiền đồng. 

Từ năm 2012, Chính phủ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và luôn đặt mục tiêu này lên hàng đầu. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm về một con số, song kèm theo đó là những hệ quả như tăng trưởng tín dụng thấp, vốn đầu tư toàn xã hội suy giảm. Ngoài ra, một số chuyên gia phân tích, lạm phát thấp thời gian quá chủ yếu do sức cầu kiệt quệ, rủi ro tăng giá vẫn luôn hiện hữu.

Vốn đầu tư toàn xã hội teo tóp
Nguồn: Tổng cục Thống kê

"Đừng hy vọng giảm đầu tư mà vẫn tăng trưởng cao", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức nhận định. Suy thoái kinh tế, thắt chặt đầu tư công để kiểm soát lạm phát dẫn tới tỷ lệ đầu tư trên GDP liên tục suy giảm 3 năm qua, xuống dưới 30% GDP trong nửa đầu năm 2013 so với mức trên 40% GDP trước đó. Thực tế này quá tệ hại với kinh tế Việt Nam vốn nhiều năm chỉ tăng trưởng dựa vào đầu tư.

Trong hoàn cảnh này, để giúp kinh tế thoát khỏi sự phát triển "làng nhàng", nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ nên có gói kích cầu khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhiều lần khẳng định sẽ không có bất kỳ gói kích cầu nào bởi mục tiêu hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Các giải pháp đưa ra thời gian qua như giãn, giảm thuế, cho vay hỗ trợ mua nhà, hay ngay cả chương trình xử lý nợ xấu của Công ty VAMC phần nhiều cũng mang tính chất động viên tinh thần. Do vậy, chưa thể hy vọng sẽ có một sức bật lớn cho nền kinh tế bứt phá lúc này.

Sản xuất công nghiệp lao đao, tồn kho lớn
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đơn vị: %

Từ trước năm 2007, ngành công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh và được coi là trụ đỡ để tiến hành công nghiệp hóa xong vào năm 2020. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, lĩnh vực này đã có sự suy yếu dần do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm. Đến năm 2012, tăng trưởng nhóm ngành công nghiệp ở mức báo động khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dưới 5%.

Nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như khai khoáng, chế tạo sắt thép lao đao, thể hiện qua những con số tồn kho cao của toàn ngành. Từ đó, Chính phủ đã phải đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng như hạ lãi suất, tạo điều kiện giảm hàng tồn kho cho doanh nghiệp... Với hành động này, sản xuất công nghiệp của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2013 đã nhích lên, song vẫn còn ở mức rất thấp.

Sức mua suy yếu, tiêu thụ hàng hóa khó khăn
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trước khủng hoảng kinh tế, tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng tới 31%, song khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, tăng trưởng kinh tế giảm, đời sống người dân khó khăn, tốc độ tăng của chỉ tiêu này liên tục giảm từ năm 2010 đến nay, phản ánh sức cầu ngày càng đi xuống. Tại một báo cáo khảo sát doanh nghiệp gần đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này không còn là lãi suất mà chính là thị trường tiêu thụ.

Số doanh nghiệp 'khai sinh' ngày càng giảm
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Từ năm 2010, số lượng doanh nghiệp thành lập mới lần đầu tiên có xu hướng giảm xuống kể từ khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp rời thị trường cũng chiếm tỷ trọng đáng kể. Theo nhận xét của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong khoảng 600.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, đến nay chỉ còn gần 380.000 đơn vị hoạt động, trong số này có tới 70% "bị thương", tức làm ăn không có lãi.

"Điều này  cho thấy khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn đấy như sự suy giảm của thị trường trong nước, niềm tin giảm xuống do sức mua của nền kinh tế xuống rất thấp", bà Phạm Chi Lan nói.

Thu hút vốn nước ngoài khó khăn
Nguồn: Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Đơn vị: tỷ USD

Khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm kinh tế thế giới biến động đã giảm sút rất rõ rệt. Từ mức gần 72 tỷ USD năm 2008, đến nay trung bình chỉ còn khoảng 13 tỷ USD mỗi năm.

"Việt Nam từng là điểm đầu tư hấp dẫn nhất của Đông Nam Á, nhưng từ năm 2009, đầu tư đã suy giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế toàn cầu", chuyên gia trong ngành kế hoạch đầu tư nhận định. Bên cạnh đó, những trở ngại lớn trong lĩnh vực thu hút đầu cũng ngày càng bộc lộ như chất lượng lao động thấp, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều điểm hạn chế, nạn tham nhũng...

Tăng trưởng GDP chậm nhất 10 năm qua, lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp và dịch vụ ngày càng đi xuống cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ rõ những điểm yếu kém và chỉ khi khắc phục hết những yếu điểm này, Việt Nam mới mong thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng.

Huyền Thư