Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ năm, 11/5/2017, 06:00 (GMT+7)

Canh bạc kinh doanh snack dế của chàng trai xứ Quảng

Từ một học sinh cá biệt, chàng trai 8x nhận mình giờ đã là "Chương Dế", người theo đuổi con đường làm snack côn trùng đầy tiềm năng. 

Cuối năm 2009, Chương thử nuôi dế theo kiểu "thích thì làm" vì chán ngán với ý nghĩ cả đời sẽ dán chặt mình với phòng thí nghiệm. Chàng sinh viên năm 3 trường Đại học Công nghiệp cất giấu bí mật ấy vào những chiếc thùng xốp trong căn phòng trọ bé nhỏ. 3 tháng ròng rã nuôi nấng nhưng vì không có kinh nghiệm, anh nhanh chóng nhận trái đắng thất bại. 

Chính Chương cũng không hiểu vì lý do gì mình lại tiếp tục đi theo tiếng gọi của những chú dế. Thay vì nuôi, anh chàng chuyển sang bán ... dế chiên dạo. Trong 4 tháng, căn phòng trọ của anh vương đủ mùi dầu mỡ pha lẫn gia vị. Chương nói "bán được" nhưng chẳng biết lời lãi vì không làm dữ liệu và tự nhận việc kinh doanh là "không thành công" vì mô hình không thể mở rộng. 

Từ năm 2012-2014, chàng trai gốc Quảng Nam trở thành nhà cung cấp dế nguyên liệu cho các quán ăn và nhà hàng. Vài tháng đầu, Chương đồng thời bán bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ vào mỗi buổi sáng đúng lúc trào lưu món ăn này rộ lên tại Việt Nam. Sau đó, anh chàng chuyển sang làm sữa bắp và sữa đậu nành cùng một số người bạn, song song với cung cấp dế để đa dạng nguồn thu và gia tăng thu nhập. 

Cũng trong thời gian này, Chương sang Thái Lan và được biết về sự phát triển rầm rộ của mặt hàng snack làm từ côn trùng. Anh nhận thấy đây là con đường của mình và là lựa chọn trùng khớp với ý nghĩ mà bao lâu nay anh vẫn loay hoay tìm hướng đi. 

Ban đầu, chàng trai có ý định trở thành nhà phân phối, nhập sản phẩm từ Thái Lan vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thấy chi phí quá cao và cách vận chuyển không dễ dàng, anh chọn cách tự làm. Chương bắt đầu mày mò vào các trang web để tìm công thức, "luyện" các video chiên dế trên mạng và hình ảnh những chú dế dường như chạy nhảy khắp trong đầu óc anh.

Kinh nghiệm sản xuất và hiểu biết về máy móc chỉ là con số 0, nhưng điều này không đáng lo bằng việc làm sao để có thành phẩm đạt tiêu chí trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. "Làm thế nào để chiên cho dế khô cũng là một bài toán mà tôi giải hoài không ra. Ngày nào tôi cũng chiên và sấy đủ các kiểu nhưng vẫn ra sản phẩm rất yểu và không giòn. Trong khi đó, tìm một công ty làm việc này cũng không được nốt", Chương tâm sự.

canh-bac-kinh-doanh-snack-de-cua-chang-trai-xu-quang

Chương Dế - chàng trai phát triển sản phẩm snack dế. 

Những khó khăn chất chồng khi thời gian cứ trôi đi mà dự án vẫn không tiến triển khiến có lúc ý nghĩ từ bỏ xuất hiện trong đầu anh. Song một khi cố gắng, bằng cách này hay cách khác sẽ tìm được con đường. Chương tin là thế và đúng là "thánh nhân đãi kẻ khù khờ", anh chàng như bắt được vàng khi nhận được lời khuyên từ một giảng viên tại ĐH Công nghiệp. 

"Thầy cho biết có công nghệ có thể làm được việc đó nhưng giá tới vài trăm triệu đồng. Tôi và cộng sự quyết định 'liều" đi vay tiền để mua thiết bị và kết quả hoàn toàn đúng như những gì tôi mong đợi từ chất lượng đến thẩm mỹ", anh hồ hởi kể.

Nhưng tới đây vẫn chỉ là một đáp án cho bài toán đầu. Nếu không có hương vị ngon và độc đáo thì sản phẩm cũng không thể ra mắt thị trường. Lại một lần nữa Chương lấm lem và mốc meo mùi trên cơ thể với những buổi trộn gia vị với nào là ớt, tỏi, bơ... nhưng "không ra hồn, phải nói là dở tệ", anh lắc đầu cười.

Trong lúc tìm hiểu về khởi nghiệp, Chương tham gia một số cộng đồng trên mạng để tìm kiếm, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Một lần đăng tải về vấn đề băn khoăn của mình trên trang của SME Networking, nơi các doanh nhân trẻ kết nối với nhau, Chương nhận được gợi ý về một hội chợ có thể cho anh câu trả lời. Và đúng như vậy, tại đây chàng trai hoàn toàn bất ngờ khi trước mặt là một thế giới hoàn toàn mới mà anh chưa hề biết đến. Ở đó có rất nhiều nhà cung cấp gia vị làm snack. Một tháng sau, Chương chốt hợp đồng với đối tác. 

Anh cũng phải giải quyết vấn đề đóng gói. Ban đầu Chương và cộng sự chọn cách thủ công, trong một buổi chiều chỉ được 200 gói. Tuy nhiên, sau khi đầu tư thiết bị thì chỉ trong 1 phút đã được 40 gói. Mọi thứ từ công nghệ chiên, gia vị đến đóng gói đã ổn. Phần sau cùng là tìm nhà in ấn phù hợp.

Mất một năm 8 tháng ròng rã với những lúc tưởng đi vào ngõ cụt, cuối cùng anh cũng có thể cầm sản phẩm trên tay.

Chương nói, khởi nghiệp là hành trình mà phải làm ra tiền chứ không phải chỉ đi theo đam, mê hão. Và hành trình đó sẽ không bao giờ có hồi kết, chỉ có con người chọn từ bỏ mà thôi. 

"Côn trùng là một tầm nhìn, hướng đi cần có nhiều người theo đuổi, tạo ra giá trị và lợi ích cho tương lai. Tôi cho đây là một cuộc cách mạng vì trên thế giới người ta đã làm và thành công. Đây là những sản phẩm giàu protein có thể tạo một thế giới mới hơn trong tương lai gần", anh chia sẻ. 

Sản phẩm snack dế của Chương hiện có mặt tại các trang bán hàng online, một số hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Anh nói dự án vẫn đang phát triển và tìm kiếm thêm các cộng sự cũng như nhà đầu tư. Đối tượng sản phẩm ban đầu là nam nhưng sẽ được mở rộng khi mọi người có cái nhìn thoáng hơn về sản phẩm và không cảm thấy "ghê rợn" như mường tượng. 

Anh và đội ngũ có một nông trại 110m2 tại Lâm Đồng để nuôi dế trong 18 ô. Mỗi ô cho đến 30-40kg dế để phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm. Tự làm, tự học hỏi, họ tìm được một nhà đầu tư và cũng là mentor sẵn sàng đi cùng trên con đường dài hơi này. Sắp tới đây Chương dự định sẽ mở tour khám phá nông trại dế để mọi người có cơ hội tiếp cận và hiểu thêm về loại côn trùng này.

Kế hoạch của anh chàng 8x sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Chương nhận mình giống chú dế mèn phiêu lưu ký trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài. Tức cảm nghiệm hành trình từ khi còn là một cậu học trò siêu quậy, hay đánh nhau, học không giỏi đến trở thành một người có định hướng, hoài bão. "Trên con đường đó tôi có những cộng sự và người đồng hành tuyệt vời. Cứ đi rồi sẽ đến", anh đúc rút.

Trương Sanh