Hủy
Xu hướng Thứ sáu, 11/7/2014, 09:00 (GMT+7)

Agribank tiếp sức cho cây cà phê làm giàu ở Sơn La

Nhờ tiếp cận nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank, nhiều mô hình trồng cây cà phê đã phát huy hiệu quả trên mảnh đất Mai Sơn.

Giữa một vườn cà phê bạt ngàn, xanh mướt, khách tham quan không khỏi trầm trồ, thán phục. 10 năm trước, không ai nghĩ được những gia đình như ông Lèo Văn Hặc ở bản Nong Nưa, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vốn là cựu chiến binh chiến đấu ở Lào từ chỗ chật vật với mấy nương sắn chỉ đủ cái ăn, cái mặc, lại có thể trở thành một “triệu phú cà phê” trên mảnh đất vốn được coi là xứ sở của cây ngô.

Mảnh đất Chiềng Ban có đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây cà phê, đặc biệt là với giống Arabica được đánh giá là có giá trị kinh tế lớn trong các loài cây cà phê. Hiện nay, diện tích cà phê của gia đình ông Lèo Văn Hặc khoảng 4 ha, trừ các loại chi phí, thu nhập ổn định hàng năm từ 120 đến 130 triệu đồng. Bên cạnh việc tham gia phát triển kinh tế cho gia đình, với cương vị là Bí thư chi bộ bản Nong Nưa, ông Lèo Văn Hặc đã giúp đỡ bà con và những cựu chiến binh trên địa bàn huyện làm ăn thoát nghèo bằng chính kinh nghiệm trồng cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình mình.

Anh-1-done.jpg

Nhờ tiếp cận nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank, nhiều mô hình trồng cây cà phê đã phát huy hiệu quả trên mảnh đất Mai Sơn.

Năm 2006, khi tham gia Ban chấp hành Hội cựu chiến binh, ông Lèo Văn Hặc may mắn gặp lại người đồng đội năm xưa cùng mình gắn bó suốt những năm tháng xông pha trận mạc. Ông Nguyễn Văn Đích, người lính cùng đơn vị năm xưa là Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Mai Sơn. Rời quân ngũ, ông Đích trở về quê hương và bắt tay làm kinh tế bằng cây cà phê. Họ lại giúp nhau làm giàu bằng chính kinh nghiệm làm kinh tế đã tích lũy trong suốt những năm tháng từ khi rời quân ngũ. Nghe lời khuyên của ông Đích, ông Hặc về bảo ban các con trồng cà phê thay vì trồng ngô, sắn.

Thời gian đầu, trồng diện tích nhỏ cho thu hoạch không lớn nhưng nhận thấy việc tiêu thụ thuận lợi, gia đình ông tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cà phê trong vườn nhà và thêm 2 vườn nữa ngoài ruộng. Một số mô hình trồng cây cà phê hiệu quả tại huyện Mai Sơn đã góp phần thúc đẩy nhu cầu nhân rộng diện tích trên địa bàn huyện. Nắm bắt xu hướng này, năm 2007 - 2008, ông Đích bày cho ông Hặc lên bản Chăm Biên, xã Chiềng Rong thuê đất để trồng cà phê, năm đầu chỉ với 20.000 cây, từ năm thứ hai trở đi nhân lên thành 30.000 - 40.000 cây. Số cây giống này, ông Hặc bán cho người dân có nhu cầu trồng cà phê tại xã Chiềng Rong, xã Chiềng Chung và nhiều anh em cựu chiến binh trong huyện.

Từ ông Đích, ông Hặc, nhiều cựu chiến binh tại huyện Mai Sơn đã triển khai trồng cà phê với diện tích ngày càng mở rộng và tạo thu nhập hàng năm ổn định. Họ chia sẻ với nhau cách thức làm ăn bài bản, từ cây giống, trồng trọt, chăm sóc đến việc thu hái, tiêu thụ. Chính mô hình liên kết chặt chẽ giữa các cựu chiến binh trên địa bàn huyện Mai Sơn đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều gia đình nông dân thoát nghèo. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, tiện nghi đã xuất hiện ngày một nhiều ở các bản làng nghèo khó trước kia. Những con đường liên thôn, liên xã dần được bê tông hóa kèm theo sự xuất hiện những chiếc ô tô của các ông chủ vườn cà phê. Ông Lèo Văn Hặc chia sẻ: “Trước đây trồng sắn của cải chẳng có gì, từ khi chuyển sang trồng cây cà phê gia đình mới có của ăn của để, con cái trưởng thành có nghề nghiệp ổn định. Hiện nay,  nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ giống cây này”.

Nhớ lại quãng thời gian 8 năm từ lúc bắt tay ươm trồng những cây cà phê đầu tiên trong vườn nhà, ông Hặc không khỏi xúc động chia sẻ sự biết ơn đối với Agribank chi nhánh huyện Mai Sơn. Số tiền 30 triệu đồng vốn vay ban đầu năm 2006 đã giúp gia đình ông bắt đầu một sự thử nghiệm mới với đầy mong mỏi, khao khát thoát nghèo. Trồng cà phê là một sự lựa chọn đúng đắn, so với các loại cây trồng phổ biến tại Sơn La, cà phê cho thu nhập cao hơn. Hơn nữa, so với sắn và ngô, cây cà phê không cần đầu tư nhiều. Người nông dân mất một năm trồng đầu tiên, sau đó tập trung vào chăm sóc. Hai loại cây trồng kia hàng năm đều phải tái đầu tư tất cả các khâu. Việc thu hái và tiêu thụ của cây cà phê cũng thuận lợi hơn, trung bình, từ năm thứ 3, thứ 4, mỗi ha cà phê thu hoạch 30 - 40 tấn, năm thứ 5 trở đi sản lượng giảm dần, dao động ở mức 25 - 30 tấn.

Cũng như hộ gia đình ông Lèo Văn Hạc bản Nong Nưa, nhiều hộ nông dân ở xã Chiềng Ban, Chiềng Rong, Chiềng Chung với số vốn vay ban đầu của Agribank là 20 - 30 triệu đồng, họ đã mở rộng diện tích trồng trọt, nâng cao nguồn vốn.

Ông Lèo Văn Hặc cho biết, mùa chăm sóc, do nhu cầu vốn tăng cao, gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng cà phê khác vay tới 500 - 600 triệu đồng. Agribank thông qua chính quyền địa phương, các cấp hội, bằng các kênh chỉ đạo tuyên truyền tới bà con hướng dẫn kỹ thuật phát triển cây cà phê. Đồng thời, ngân hàng còn giới thiệu các công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm có uy tín để bà con tin tưởng lựa chọn. Cách làm này đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người nông dân cũng như các đối tượng vay vốn, vừa tạo được mối quan hệ khép kín từ khâu đầu vào đến tiêu thụ, vừa đảm bảo an toàn vốn tín dụng cho ngân hàng. Cơ chế tạo điều kiện về vốn vay của Agribank đã giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn tiếp cận và phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát nghèo và làm giàu bằng chính sức lao động của bản thân.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng đầu tư theo Nghị định 41 tại Sơn La chủ yếu phục vụ cho vay sản xuất, thu mua, chế biến lương thực, cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản... Dựa trên số liệu về dư nợ cho vay lương thực của Agribank Sơn La, cà phê chưa phải là loại cây trồng chiếm ưu thế so với các loại cây chủ đạo của tỉnh như ngô, chè (cụ thể, cho vay cây cà phê đạt 20 tỷ đồng trong khi cho vay cây ngô chiếm 89% đạt 1.568 tỷ đồng; cho vay cây chè 52 tỷ đồng,…). Tuy nhiên, việc thu mua cà phê đã qua sơ chế dù giá cả có những năm thất thường nhưng so với các loại cây khác vẫn được đánh giá là loại cây trồng cho thu nhập ổn định và cao hơn. Agribank tin tưởng rằng, trong tương lai cây cà phê với những giá trị đã được minh chứng bằng chính thương hiệu “cà phê Chiềng Ban” sẽ trở thành loại cây trồng chủ đạo để làm giàu cho bà con nông dân ở một tỉnh miền núi Tây Bắc còn nhiều tiềm năng phát triển như Sơn La.

(Nguồn: Agribank)