Hủy
Hành trình khởi nghiệp Chủ nhật, 5/7/2015, 10:23 (GMT+7)

Chàng trai Việt tạo dựng thương hiệu bánh mì trên đất Mỹ

Thương hiệu Dot Saigon của chàng trai sinh năm 1989 - Hoàng Đình Soái (Troy Hoàng) đang dần được khẳng định tại Mỹ, sau bao thử thách và nhiều lần muốn bỏ cuộc giữa chừng.

Sinh ra tại thành phố Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk và đến Mỹ du học với chuyên ngành kế toán từ năm 18 tuổi khi tiếng Anh chỉ biết được vài từ, Troy Hoàng dần thích nghi với văn hóa, giáo dục tại mảnh đất California. Chàng trai trẻ đã chứng minh năng lực khi nhận được lời mời làm việc từ một công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte ngay năm thứ 3 đại học.

Cơ hội lớn nhưng niềm đam mê kinh doanh vẫn đau đáu trong anh. Do đó, Troy Hoàng đã nhận lời mời của công ty này với yêu cầu phải làm kiểm toán khách hàng có liên quan đến nhà hàng, sản xuất cà phê để có cơ hội học hỏi thêm ngành dịch vụ bánh mì và cà phê.

hoang1-4983-1436065824.jpg

Troy Hoàng và người bạn đứng cạnh chiếc xe bán bánh mì Dot Saigon.

Hai năm làm việc tại Deloitte, học tập được nhiều, công ty trọng dụng nhưng chưa bao giờ Hoàng cảm thấy công việc này có ý nghĩa đối với bản thân. Bánh mì và cà phê vẫn quẩn quanh suy nghĩ của chàng trai trẻ. Thật may mắn cho Troy Hoàng khi người bạn Ellise Nguyen cũng không cảm thấy thỏa mãn với việc học MBA tại Mỹ. Mỗi lần gặp gỡ, cả hai đều kể cho nhau nghe những câu chuyện về bánh mì và nhiều lần Hoàng hay đùa, bảo Ellise Nguyen: "Nếu em về Việt Nam học làm bánh mì, anh sẽ nghỉ làm ở Deloitte để đi bán bánh mì với em".

Nói là làm, ngay lập tức Ellise Nguyen về Việt Nam học làm bánh mì còn anh quyết định nghỉ việc để bắt đầu giấc mơ lớn mang tên Dot Saigon vào tháng 11/2014. Ngày quyết định đi theo con đường của mình, Hoàng đã gặp phải nhiều sự phản đối của gia đình và người thân. Bố anh cho rằng, nếu đi bán bánh mì thì cần gì phải học hành, còn mẹ anh thì lặng im. Nhưng với quyết tâm cao, Hoàng cho rằng nếu không phải thời điểm này thì đến bao giờ mới bắt đầu xây dựng ước mơ cho riêng mình. "Có thất bại bây giờ cũng là cơ hội tốt để học, nếu sau này thất bại lấy sức đâu bắt đầu lại từ đầu” anh đã tự dặn lòng như thế để khởi nghiệp.

Quyết định mở Dot Saigon là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Hoàng. Chiếc xe tải là tất cả những gì anh có lúc đó. Mặc dù rất tin vào sản phẩm của mình nhưng cũng có thời điểm cậu rất hoang mang và lo sợ vì không biết bánh mì khi ra thị trường có được khách hàng đón nhận hay không? "Những ngày đầu khi chưa có kinh nghiệm lựa chọn địa điểm cho xe, có những nơi mang xe tới không có khách, bánh mì thừa phải mang đi cho nhiều lần. Nhìn cảnh ấy, tôi buồn và muốn chảy nước mắt", anh tâm sự.

hoang-2-4752-1436065824.jpg

Chiếc bánh mì Việt của Hoàng được đầu bếp nổi tiếng Paula Deen đến xe ăn thử và khen ngon.

Phải mất vài tháng, Hoàng mới bắt đầu tìm được những chỗ đậu xe tốt. Khách hàng dần đông hơn. Nhiều khi phải thức dậy lúc 2-3h sáng, bắt đầu lái xe đi tìm chỗ đậu tốt, có những đêm ngủ ngoài đường dưới cái lạnh 5-6 độ C. Những lúc khó khăn ấy, anh luôn tự hỏi liệu con đường mình đang đi có đúng? Nhưng rồi niềm tin và đam mê về bánh mì đã giúp anh vượt qua tất cả những khó khăn, hoài nghi ấy để tiếp thêm lạc quan hơn về công việc kinh doanh.

Tuy bố mẹ ban đầu không ủng hộ nhưng Hoàng cho biết anh học được rất nhiều từ họ. "Mình nghĩ đến khoảng thời gian khó khăn mà bố mẹ đã trải qua để đến được với thành công, thật sự những thử thách này của mình còn rất nhỏ so với những gì họ vượt qua”, anh nói và tự trấn an bản thân.

Cái tên Dot Saigon được anh đặt với mong muốn liên kết thế giới bằng ẩm thực của quê hương. Mỗi sản phẩm là một dấu chấm liên kết (connecting dot), Saigon là biểu tượng về ẩm thực và văn hóa của Việt Nam. Qua bao khó khăn, Dot Saigon rồi cũng mang đến cho anh những niềm vui nho nhỏ đủ để làm điểm tựa giúp anh tiếp bước với đam mê của mình.

Lần đầu tiên bán hết, khách đứng xếp hàng cả 30 phút để mua chiếc bánh mì. Cảm giác lúc đó khiến anh quên hết mọi mệt nhọc cho việc phải thức dậy sớm, chuẩn bị mọi thứ trước khi lên đường. "Lúc ấy mình cười hoài, vừa lái xe vừa cười mặc kệ người đi đường có nghĩ mình bị khùng hay không", Hoàng chia sẻ.

hoang-3-7494-1436065824.jpg

Đã gần một năm trôi qua, Dot Saigon đang dần chiếm được cảm tình từ khách hàng Mỹ.

Hay trong một lần tình cờ biết Dot Saigon được Los Angeles Times - một trong những tờ báo uy tín nhất nước Mỹ giới thiệu,  anh đã vui mừng khôn tả. "Cầm tờ báo trên tay mình ngỡ như đang cầm một tấm bằng chứng nhận quốc tế cho thương hiệu Việt, cảm giác sung sướng vô cùng", anh nói vẻ đầy tự hào.

Ngoài ra, một lần nọ đầu bếp nổi tiếng Paula Deen đến xe ăn thử món bánh mì thịt kho, bà đã thốt lên: "your pork belly is wonderful - thịt kho của bạn rất ngon". "Với tôi, đó là lời khen ý nghĩa nhất mình từng được nghe", Hoàng nói.

Hiện tại, mỗi chiếc bánh mì Hoàng bán ra với giá 9 USD (khoảng 196.000 đồng) và đã thu hồi được vốn sau 6 tháng kinh doanh. "Từ một tên gọi chưa ai biết đến, đã gần một năm trôi qua, Dot Saigon đang dần chiếm được cảm tình từ khách hàng Mỹ. Tại Việt Nam, có thể bánh mì đã quá quen thuộc nhưng tại đây, bánh mì của tôi tạo được thương hiệu riêng và đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước", anh chia sẻ.

Hoàng cho biết thêm, trong tương lai, sẽ không chỉ một chiếc xe tải bánh mì mà còn nhiều chiếc được dựng lên. Bên cạnh đó, Hoàng đang xây dựng kế hoạch để mở nhà hàng Dot Saigon đầu tiên trên đất Mỹ. Tuổi trẻ và đam mê là hai thứ quan trọng nhất anh may mắn có được trong thời điểm hiện tại. Anh đang cố gắng tận dụng hết mọi nguồn lực mình có để đưa ước mơ tiếp tục nâng bước.

Hồng Hạnh