Hủy
Ý tưởng mới Thứ sáu, 3/4/2015, 11:41 (GMT+7)

Chuyên viên ngân hàng ngoại bỏ việc vì mật ong

Được khách hàng VIP tín nhiệm, mức lương hấp dẫn nhưng Lê Ngọc Thu Trang vẫn từ bỏ công việc hấp dẫn để dồn sức cho niềm đam mê với mật ong.

Từng là nhân viên chăm sóc khách hàng cao cấp của một ngân hàng ngoại tại Việt Nam với mức lương hấp dẫn, nhưng từ khi "xuất giá" về nhà chồng, thấy được công việc nuôi ong và sản xuất mật của gia đình tại Bảo Lộc quá thú vị, Lê Ngọc Thu Trang (TP HCM) nhanh chóng bị cuốn hút và bén duyên từ đó.

Cô cho biết đã đọc rất nhiều tài liệu cả trong lẫn ngoài nước về tác dụng của mật ong và thấy cực kỳ giá trị. Bản thân cô đã đi khám phá nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở châu Âu sử dụng nguồn mật sạch, đầy đủ dưỡng chất. Trong khi đó, tại Việt Nam, Trang nhận  thấy sản phẩm sạch đạt chất lượng hầu hết được đưa đi xuất khẩu, còn người Việt chỉ sử dụng những sản phẩm không rõ chất lượng, điều này càng khiến cô kiên trì theo đuổi.

“Thay vì xuất khẩu hàng nghìn tấn mỗi năm sang thị trường châu Âu như gia đình chồng, tôi quyết định lựa chọn loại mật ngon nhất và sản xuất theo quy trình riêng của mình chỉ để cung cấp thị trường nội địa”, Trang nói.

IMG-7215-JPG-1748-1428027352.jpg

Phòng nghiên cứu sản phẩm của gia đình Trang tại Bình Dương.

Với số vốn ban đầu hơn một tỷ đồng, Trang thuê cửa hàng riêng và đặt tên cho thương hiệu mật ong của cô là Tracybee, đồng thời tự thay thiết kế mẫu mã bao bì và tuyển khoảng 4-5 nhân viên làm theo ca.

“Vì gia đình chồng có truyền thống làm mật ong hơn 20 năm nay nên tôi có thuận lợi là có sẵn nguồn nguyên liệu, chỉ cần tốn công sức cho việc chọn lựa loại mật và cách chế biến. Tuy nhiên, thời gian đầu khá khó khăn về việc tìm khách hàng cũng như tạo độ tin cậy với người tiêu dùng", Trang nói.

Để có mật ong ngon, Trang chia sẻ phải biết chọn thời điểm lấy mật, cách nhận diện loại mật đảm bảo chất lượng, sau đó đem về giảm độ nước để mật sánh đặc. Tiếp đến là trộn đều chúng với nhau và mang đi kiểm nghiệm ở phòng nghiên cứu sản phẩm của gia đình tại Bình Dương. Nếu đảm bảo độ sạch và nguồn dinh dưỡng cân bằng, cô mới cho nhập sản phẩm về kho. Sau đó, để đánh giá công tâm và độ chính xác của phòng nghiên cứu trên, Trang tiếp tục trích lọc mẫu thử và gửi đi kiểm nghiệm ở một viện nghiên cứu của Đức để kiểm tra chất lượng mật ong với 27 chỉ tiêu.

Còn về marketing sản phẩm, thay vì chào bán ở các đại lý, Trang chọn phương án cùng nhân viên mang sản phẩm giới thiệu đến tận nhà người tiêu dùng, giải thích cho khách hàng hiểu mình đang làm gì cho họ và khuyến khích họ dùng thử.

Tháng đầu tiên, Trang chỉ bán được khoảng vài trăm chai với giá 210.000 đồng mỗi chai loại 600ml (tương đương 1kg mật). Nhưng đến tháng thứ 5, số lượng bán ra tăng gấp 2-3 lần so với thời kỳ đầu. Năm 2013, Trang bán ra thị trường trong nước tổng cộng gần 3 tấn mật, và chỉ qua năm sau số lượng tăng 10 lần. Riêng về lợi nhuận, Trang cho hay mức sinh lời của mặt hàng này chiếm 20-30% tổng doanh thu. Năm nay cô kỳ vọng sản lượng bán ra sẽ tiếp tục tăng gấp 2-3 lần so với 2014.

Chia sẻ thêm về chặng đường khởi nghiệp với mật ong, Trang cho rằng, trước tiên phải có đam mê. Bởi lẽ, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn, nguyên liệu và khách hàng. Đối với mô hình này, thông thường để lấy lại vốn cũng phải mất 2-3 năm. Do vậy, nếu không kiên trì rất dễ chán nản và bỏ cuộc giữa chừng.

"Riêng tôi, may mắn vì có nguồn nguyên liệu sẵn từ gia đình, cộng với đam mê nên chỉ hơn một năm là có khả năng hòa vốn. Thời gian đầu cũng chênh vênh và vất vả vì khách không có, nhưng với suy nghĩ phải nỗ lực hết mình thì sẽ thành công, nên cứ thế tiến tới dù thời gian đầu chịu lỗ", Trang chia sẻ.

Ngoài ra, Trang cho biết, hiện nay quy định kinh doanh còn lỏng lẻo, việc vi phạm bản quyền, cạnh tranh trong kinh doanh là khó trách khỏi, thậm chí bị đối thủ nhái hàng, nên để cạnh tranh được thì sản phẩm phải luôn có đặc trưng riêng, chăm sóc khách hàng chu đáo và chất lượng tốt.

Thi Hà