Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 14/12/2016, 09:00 (GMT+7)

Chi tiết dạng bài tập 'Nhận biết chất vô cơ'

Đề bài: dùng phản ứng hóa học để nhận biết từng kim loại sau: Al, Ca, Mg và Na.

Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin, Phan Quốc Toàn có hơn 10 năm làm kế toán và lập trình viên tự do. Dù có công việc ổn định, anh vẫn mong muốn phát triển và hoàn thiện ứng dụng hỗ trợ học sinh giải bài tập Hóa.

Từ hồi sinh viên, khi được học các môn chuyên ngành như Trí tuệ nhân tạo, Các hệ cơ sở tri thức... và biết đến những ứng dụng về Hệ chuyên gia mà thế giới từng làm thành công, anh nảy sinh ý tưởng tạo nên phần mềm lưu trữ kiến thức của giáo viên truyền đạt. Từ đó, có thể trả lời tự động những câu hỏi, thắc mắc của học sinh, trợ giúp các em trong quá trình tự học.

Lý do cử nhân 7x chọn Hóa học mà không phải Toán hay Vật Lý vì môn học này ít công thức tính toán, các chất hóa học cũng như tính chất của nó dễ dàng cài đặt và lưu trữ trên máy. Với dạng bài tập định lượng, môn Hóa có ít sơ đồ và hình vẽ, dễ triển khai hơn các môn khác.

Quốc Toàn cho biết, phần mềm này dành cho học sinh từ lớp 9 đến 12, đối tượng mà anh hướng đến là những học sinh trung bình khá, dưới mức trung bình hoặc chưa hiểu bài, hỗ trợ các em trong các bài tập về định lượng, cân bằng phản ứng hóa học (phương pháp thăng bằng electron), giải một số bài tập đơn giản...

Khi bắt tay thiết lập ứng dụng, Quốc Toàn gặp không ít khó khăn vì Hóa học không phải sở trường của anh. Anh tự mày mò và không có cộng sự để bàn bạc, góp ý. Trước đó, chưa có phầm mềm nào có chức năng giải bài tập Hóa tương tự, vì vậy, Toàn hầu như không có nguồn để tham khảo.

Vì kiến thức Hóa học còn hạn chế, anh gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển ứng dụng. Dù có sẵn ý tưởng trong đầu, chàng cử nhân công nghệ vẫn không thể hình dung mình phải làm gì, ứng dụng chạy ra sao, quá trình thu nhận dữ liệu và câu hỏi của người dùng diễn ra như thế nào...

Bên cạnh đó, anh còn gặp bất lợi trong việc thiết kế giao diện, hình thức chưa đẹp, phông nền chỉ đơn giản hai màu đen, trắng. Ngoài ra, việc chưa có các biểu tượng và video hướng dẫn sử dụng chưa hấp dẫn khiến phần mềm này kém thu hút học sinh.

Ứng dụng Giải bài tập Hóa có tính cơ động, người dùng chỉ cần tải phần mềm về điện thoại, ipad (áp dụng với hệ điều hành Androi) là có thể dùng mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải kết nối internet. Với chiếc điện thoại thông minh, học sinh không cần phải tốn tiền mua sách tham khảo, hỗ trợ những em chưa hiểu bài hoặc muốn tự học.

Những học sinh rụt rè, ngại hỏi thầy cô khi chưa hiểu bài có thể tham khảo để bổ sung kiến thức. Bên cạnh đó, ứng dụng còn hỗ trợ phụ huynh không giỏi Hóa nhưng muốn trực tiếp dạy con học dễ dàng bởi các bước giải bài tập luôn có lời giải thích rõ ràng, kết quả do đâu mà có, áp dụng công thức, tính chất hay định luật nào...

So với những cách tự học môn Hóa hiện nay, phần mềm có thể xem là cách học ít tốn kém và hiệu quả. Hiện phần mềm nhận hơn 31.000 lượt tải, đồng thời Fanpage Giải bài tập Hóa nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh.

cu-nhan-7x-bo-viec-khoi-nghiep-voi-phan-mem-giai-bai-tap-hoa

Anh Phan Quốc Toàn - người thiết lập phần mềm Giải bài tập Hóa.

Hạn chế của ứng dụng này là quá trình nhập dữ liệu đề bài phải trải qua nhiều bước, tuy không khó nhưng phức tạp, khiến học sinh ngại sử dụng. Bên cạnh đó, các bước hướng dẫn, chất hóa học và bài giải chưa được cụ thể hóa bằng hình ảnh hay lời giảng mà chỉ toàn bằng chữ, chưa dễ hiểu và thu hút các em. Mặt khác, ứng dụng vẫn chưa giải quyết được 100% bài tập bất kỳ.

Trong tương lai, anh mong muốn cải thiện điểm yếu và cập nhật thêm các dạng bài tập về điều chế, tách chất, chuỗi phản ứng... giúp học sinh khá, giỏi nâng cao trình độ. "Tôi hy vọng ứng dụng có thể giải được 90% bài tập phổ thông bất kỳ, trừ những câu hỏi lý thuyết", anh Toàn nói thêm.

Anh cũng hy vọng được cộng tác với các giáo viên Hóa để cố vấn về nội dung chuyên môn cho ứng dụng. Mục tiêu anh hướng tới là phần mềm có thể đưa ra lời giải hợp lý cho từng học sinh, lý thuyết cũng được biên soạn kỹ, công thức hay định luật vận dụng giải bài tập sẽ hiển thị chi tiết, phù hợp.

"Nếu có sự hỗ trợ, cố vấn của giáo viên chuyên ngành Hóa, tôi nghĩ mọi hạn chế sẽ được khắc phục, giúp ứng dụng có ích hơn với người dùng, hỗ trợ các em bổ sung kiến thức khi không có thầy cô và bố mẹ bên cạnh", Phan Quốc Toàn chia sẻ.

Bên cạnh đó, anh kỳ vọng nhận được sự quan tâm, hợp tác của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng di động để thiết kế giao diện sao cho bắt mắt, sinh động hơn, cải tiến quá trình nhập liệu đơn giản hóa và dễ hiểu. Toàn cũng mong nhận được đánh giá về khả năng thương mại hóa của ứng dụng.

Từ kinh nghiệm thiết lập ứng dụng giải bài tập Hóa, anh cũng manh nha và tin tưởng sẽ thành công với những phần mềm về Toán học, Vật Lý - bộ ứng dụng thông minh có thể trợ giúp quá trình học tập của học sinh.

"Nếu điều kiện nhân sự và kiến thức cho phép, tôi sẽ tiến hành tìm hiểu chương trình học Hóa học phổ thông của các quốc gia khác để làm nhiều phiên bản như tiếng Trung, tiếng Hàn...", anh kỳ vọng.

>> Xem chi tiết một dạng bài tập trên ứng dụng

Video: Hướng dẫn sử dụng ứng dụng Giải bài tập Hóa

Ý tưởng phát triển phần mền giải bài tập Hóa
 
 

 Thi Quân