Hủy
Góc chuyên gia Thứ năm, 14/5/2015, 14:35 (GMT+7)

Giấc mơ Mỹ của vợ chồng tỷ phú Forever 21

Đặt chân đến Mỹ với hai bàn tay trắng, Jin Sook và Do Won Chang đã phải làm đủ nghề để kiếm sống trước khi thành danh với thương hiệu thời trang Forever 21.

Năm 1981, Jin Sook và Do Won Chang di cư từ Hàn Quốc sang Los Angeles (Mỹ) để theo đuổi tham vọng lớn nhất của mọi doanh nhân - Giấc mơ Mỹ. Khi ấy, cả hai vợ chồng mới 26 tuổi, đặt chân tới California với không xu dính túi, nói tiếng Anh bập bõm và cũng chẳng có bằng đại học.

Họ quyết tâm làm giàu trong ngành cà phê. Nhưng ngành này không dễ hốt bạc như cả hai tưởng tượng. Trong 3 năm sau đó, Chang phải làm đủ mọi việc để kiếm sống, từ gác cửa, đến nhân viên trạm xăng và phục vụ trong quán cà phê.

Trong thời gian làm việc tại trạm xăng, Chang nhận thấy "những người lái xe đẹp nhất đều làm trong ngành thời trang", ông cho biết trong một bài phỏng vấn trên LA Times. Sau đó, họ thuê một cửa hàng rộng 83m2 tại Los Angeles năm 1984 và đặt tên là Fashion 21.

jin-2831-1431588300.png

Hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang. Ảnh: Red Kimono

Ban đầu, cả hai bán quần áo giá rẻ với thiết kế được ưa chuộng tại Hàn Quốc, chủ yếu cho người gốc Hàn đang sinh sống tại đây. Không như 3 doanh nghiệp khác từng thất bại khi thuê địa điểm này trước đó, cửa hàng của hai vợ chồng Chang đã đạt doanh thu 700.000 USD ngay trong năm đầu tiên.

Sau thành công ban đầu, họ bắt đầu mở thêm nhiều cửa hàng mới mỗi 6 tháng, và cuối cùng đổi tên công ty thành Forever 21. Ngày nay, Forever 21 bán cả quần áo nam, nữ và phụ kiện thời trang. Các cửa hàng của họ có mặt tại Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Còn trụ sở vẫn nằm tại Los Angeles (California).

Doanh thu từ 600 cửa hàng của chuỗi thời trang này đã lên tới 4,4 tỷ USD. Hai vợ chồng Chang cũng có tài sản ước tính 6,1 tỷ USD, theo Forbes.

Forever-jpeg-6619-1431588301.jpg

Một cửa hàng của Forever 21 tại New York. Ảnh: US News

"Forever 21 cung cấp những sản phẩm bắt kịp xu hướng với giá vừa phải. Khách hàng thích mua sắm tại đây hơn là Wal-Mart, Target hay Kohl's, vì họ có trải nghiệm tốt. Các cửa hàng được thắp đèn khắp nơi, bày đầy sản phẩm và cách bày trí khiến người mua có cảm giác rất trẻ trung, hiện đại", Michael Stone - CEO hãng tư vấn và nhượng quyền thương hiệu Beanstalk nhận xét.

Hiện tại, Forever 21 vẫn là một công ty gia đình. Chang làm CEO, Jin Sook làm Giám đốc Bán hàng. Hai con gái của họ cũng đóng vai trò chủ chốt trong công ty. Người con lớn - Linda làm Giám đốc Marketing, còn Esther quản lý thương hiệu.

"Các con tôi cần phải học được từ những nỗ lực bố mẹ chúng đã bỏ ra để gây dựng công ty. Còn ai có thể trông coi tài sản của anh tốt hơn chính gia đình anh chứ", Chang cho biết.

Dù vậy, con gái của họ không phải những người duy nhất có cảm hứng từ câu chuyện vượt khó của cha mẹ mình. "Forever 21 đã đem hy vọng đến cho những người gần như tay trắng. Đây là phần thưởng dành cho chúng tôi. Những người nhập cư vào Mỹ có thể đến Forever 21 để nhìn thấy rằng nơi này được gây dựng bởi những người có ước mơ như họ", Chang nói.

Hà Thu