Hủy
Ý tưởng mới Thứ hai, 8/2/2016, 12:30 (GMT+7)

Khởi nghiệp từ sản vật đồng quê

Nhờ biết tìm hướng làm mới, việc nuôi dế, trùn, trồng cỏ... đang giúp nhiều cá nhân khởi nghiệp kiếm được hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.

1. Nuôi dế

Là loại côn trùng sống nhiều ở đồng quê, giờ đây dế trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng, đã giúp khá nhiều đơn vị giàu lên nhờ kinh doanh đặc sản này.

Anh Lê Thanh Tùng, ở Củ Chi (TP HCM) cho biết, cơ duyên khiến anh khởi nghiệp với nghề nuôi dế là nhờ xem truyền hình nước ngoài khi thấy họ giới thiệu các món ăn làm từ dế, một loài côn trùng quá thân thuộc ở Việt Nam nên anh nảy ra ý định bắt dế ngoài đồng về nuôi. Thời gian đầu thiếu kinh nghiệm, những con dế đầu tiên anh nuôi đã chết. Không chán nản, anh nuôi mộng vươn lên bởi dế ở Việt Nam rất nhiều, nếu không thử tiếp thì sẽ chẳng có công việc gì thành công.

Sau nhiều lần thất bại, anh đã đúc kết và đưa ra quy trình: Đầu tiên nuôi một cặp dế bố mẹ đẻ ra trứng rồi đem trứng đi ấp, sau khi ấp 9 ngày sinh ra dế con. Nuôi dế con khoảng 20 ngày tuổi thì chuyển sang nuôi dế thịt.

Những ngày đầu khi trại dế hình thành, anh tập trung nuôi dế ta, sau do nhu cầu thị trường anh đã tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm dế cơm và dế sữa. Để tiết kiệm chi phí, anh và người thân trong gia đình đi bắt dế về tự nghiên cứu, rồi phối giống. Dế nuôi được khoảng 2 tháng rưỡi là có thể bán được với giá khoảng 300.000 đồng mỗi kg. Giá bán lẻ mỗi con dế sữa là 850 đồng, dế cơm là 250 đồng. Hiện anh có tới 800.000 con dế giống, 20.000 con bò cạp. Hầu như ngày nào anh cũng có sản phẩm cung ứng ra thị trường và các nhà hàng tại TP HCM. Một tháng, ít nhất anh cũng thu về 10 triệu đồng.

Không chỉ anh Tùng mà Anh Nguyễn Hữu Phương và Nguyễn Quang Huy (Lâm Đồng) từ hai bàn tay trắng đã xây dựng nên được những trang trại dế lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

khoi-nghiep-tu-san-vat-dong-que

2. Nuôi trùn

Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Nông lâm TP HCM, sau một năm không tìm được việc làm, Nguyễn Văn Sang tự mày mò nuôi và khởi nghiệp với trùn quế. 

Chàng sinh viên sinh năm 1990 cho biết, thời gian đầu khi tập dượt Sang trải qua rất nhiều khó khăn. Ban đầu là hợp tác với người nông dân cung cấp trùn quê rồi lập website quảng bá. Tuy nhiên, vì thiếu định hướng, đầu tư không đúng chỗ nên khách hàng dùng thử và không quay lại mua sản phẩm nữa. 

Không có khách, Sang xoay xở nhận phân phối lại sản phẩm cho một công ty. Cũng vì thiếu kinh nghiệm về pháp lý, anh đã dán nhãn của mình đính kèm vào sản phẩm của doanh nghiệp để quảng cáo với hy vọng tìm kiếm thêm khách hàng. Công ty mẹ phát hiện và không cho phép anh quảng cáo đính kèm nữa. 

Sau khi suy tính, Sang quyết định chỉ tập trung vào phân khúc cung cấp sản phẩm cho người trồng rau sạch. “Trong trùn quế có nguồn vi sinh vật tự nhiên rất có lợi, vơi nhiều axit amin kích thích tăng trưởng và tăng sức đề kháng, đặc biệt là cho rau sạch”, Sang nói và cho biết thêm, ngoài sản phẩm từ phân trùn quế anh còn phát triển mảng trùn giống. Hiện mỗi tháng công ty cung cấp 100 tấn phân bón cho thị trường sỉ và lẻ, thu về hơn 100 triệu đồng.

Từ diện tích 300m2, hiện nay Sang mở rộng ra 1.000m2 để nuôi trùn quế, đồng thời bao tiêu thêm sản phẩm cho một số hộ ở Củ Chi. Quy mô công ty của cựu sinh viên Nông Lâm này hiện có 6 nhân viên kinh doanh, 5-10 công nhân sản xuất bán thời gian, 2 công nhân nuôi trùn. Sang chủ yếu tập trung sử dụng kênh marketing online với 10 website để quảng bá thông tin, hình ảnh cho sản phẩm của trang trại.

Để đẩy mạnh sử dụng sản phẩm, Sang cho biết thời gian tới sẽ cho ra mắt bộ công cụ giúp cho người trồng rau sạch tự sản xuất phân trùn tại nhà với chi phí chỉ tốn vài nghìn đồng cho một lít phân bón lá. 

khoi-nghiep-tu-san-vat-dong-que-1

3. Trồng cỏ

Tốt nghiệp chuyên ngành hóa, Đại học Công nghiệp TP HCM, thời gian đầu chỉ tìm được việc làm trái nghề với mức lương 1,5 triệu đồng, Võ Thành Ngân quyết định về quận 12 phụ người dượng trồng cỏ.

Ban đầu, chàng trai này làm công nhân trồng cỏ để tích lũy vốn, đồng thời tích lũy kinh nghiệm trong công việc từ khâu chăm sóc, đánh cỏ đến khuân vác.

Tháng 3/2012, Ngân mạnh dạn thành lập công ty. Để có vốn hoạt động, anh mượn họ hàng khoảng 50 triệu. Vì vốn hạn hẹp nên Ngân cùng anh rể và bác  hùn vốn thuê một thửa ruộng lớn làm chung giúp tiết kiệm chi phí, vật tư. Nhờ làm tốt nên chỉ 2 đến 3 vụ Ngân trả được hết nợ.

Để tìm kiếm khách hàng, Ngân tự lập website làm kênh quảng bá, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả. Mặc dù website không đẹp, nhưng chàng cử nhân trẻ chú trọng đầu tư nội dung chuyên sâu, phong phú. Hơn 300 bài viết đã được anh chia sẻ về quy trình trồng và cách thức chăm sóc, thi công, bảo trì cỏ. Dẫu vậy, Ngân vẫn gặp khá nhiều khó khăn vì kinh nghiệm còn ít, thuê đất làm nhưng đợt cỏ đầu tiên bị úng và mất trắng 80 triệu đồng. Còn về phía khách hàng, vì tuổi đời còn khá trẻ, hồ sơ năng lực công ty chưa có gì ấn tượng nên lúc đầu khách hàng không mấy tin tưởng. Để tạo niềm tin, Ngân mời đối tác đến vườn để họ tận mắt thấy quy mô vùng trồng cỏ, kỹ thuật làm như thế nào thì mới dễ thuyết phục... Đặc biệt, Ngân tập trung đánh mạnh vào các công trình lớn như: dự án cao tốc  sân bay, resort.

Tập trung chuyên canh cỏ, từ 3.000 m2 ruộng đầu tiên, hiện nay Ngân sở hữu 2 hecta. Ngoài ra anh còn thuê trồng bên ngoài với tổng diện tích 10ha; hợp tác với 7 đối tác ở Đồng Tháp, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương để cung cấp thêm. Tính chung, mỗi năm công ty Ngân cung cấp ra thị trường gần 20 hecta cỏ.

Ngân cho biết, công ty đã hoạt động ổn định và doanh thu tăng theo các năm, hiện tại đạt mức 4 tỷ đồng. Trong thời gian tới, anh muốn chế tạo thêm nhiều máy móc hơn, mở rộng chi nhánh tại ở Đà Nẵng để phát triển lan ra khu vực Tây Nguyên. Ông chủ trẻ cho biết, ngoài những công trình thông dụng, anh đang hướng đến việc chuyên làm sân cỏ thể thao, sân bóng, sân tập golf và đặc biệt là sân thể thao đa năng.

khoi-nghiep-tu-san-vat-dong-que-2

Hồng Châu