Hủy
Ý tưởng mới Thứ tư, 13/5/2015, 12:26 (GMT+7)

Kiếm tiền từ dịch vụ team building

Khi còn là sinh viên, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Hà Nội) từng tham gia câu lạc bộ kỹ năng mềm mà không ngờ đây chính là cơ hội khởi nghiệp trong tương lại.

Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, trong thời gian làm nhân viên marketing tại một công ty, có nhiều dịp tham gia ngoại khóa, chị Thủy (sinh năm 1986) nhận thấy nhu cầu của doanh nghiệp về các các hoạt động dã ngoại, kết nối nhân viên (team building) ngày càng gia tăng. Từ trải nghiệm trước đó, chị bắt đầu khảo sát, tìm hiểu thêm thị trường.

team-building-copy.jpg

Thông qua các trò chơi, team building sẽ gắn kết các thành viên tham gia.

"Trong khi nhu cầu về loại hình dịch vụ này rất lớn, tại Hà Nội và TP HCM  không nhiều đơn vị có thể tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp. Sau nhiều lần bàn bạc, mình cùng nhóm bạn quyết định xây dựng một tổ chức chuyên cung cấp các sản phẩm team building đúng nghĩa", chị Thủy kể lại.

Chị nghỉ việc và bắt tay lên kế hoạch xây dựng các trò chơi kỹ năng. Đầu năm 2009, từ hợp đồng giá trị nhỏ, chị và nhóm bạn chính thức bắt đầu con đường kinh doanh.

Chia sẻ thêm về dịch vụ mới này, chị cho biết hầu hết các doanh nghiệp đều có vấn đề riêng về mối quan hệ giữa các nhân viên. Đơn vị nào có nhu cầu team building cao, thì ở đó lãnh đạo công ty có nhiệt huyết và muốn kết nối nội bộ nhằm tăng hiệu quả công việc. Do đó, hoạt động ngoại khóa trở thành một phần chiến lược trong phát triển văn hóa doanh nghiệp.

"Nhu cầu về các hoạt động giao lưu ngoại khóa thông qua các trò chơi kỹ năng không chỉ đến từ các doanh nghiệp mới thành lập, kể cả các công ty tên tuổi, thậm chí lịch sinh hoạt ngoại khóa càng định kỳ hơn", Trưởng nhóm 29 tuổi cho hay.

Điều này cũng đặt ra các tiêu chí khắt khe hơn khi vận dụng các trò phù hợp với từng đối tượng khách hàng cho đơn vị tổ chức như của chị. "Với cả trăm chương trình được tổ chức trong năm, thì việc lặp lại các trò chơi đối với đội ngũ sáng tạo của đơn vị không hề dễ chịu chút nào", chị nói.

Do vậy, luôn tư duy và đổi mới là yêu cầu bắt buộc mà chị đưa ra cho nhân viên của mình. Theo chị, để có được một sản phẩm hoặc chương trình mới, nhóm thường xuyên nghiên cứu nguồn tư liệu nước ngoài, đồng thời vận dụng, phát triển thêm từ các trò chơi dân gian của Việt Nam. Trước khi đưa ra thị trường, các thành viên tự thử nghiệm trước để khi người chơi tiếp nhận, đó là sản phẩm phù hợp.

"Thêm nữa mỗi doanh nghiệp có phong cách cũng như văn hóa riêng biệt, nên khi thiết kế chương trình, mình cũng nghiên cứu để tạo ra sự khác biệt cho các chương trình nhưng vẫn gần gũi với mỗi thành viên tham gia", vị doanh nhân trẻ chia sẻ.

thuy-team.jpg

Nữ giám đốc sinh năm 1986 nhận định, nhu cầu dịch vụ team building còn rất lớn trong thời gian tới.

Bắt đầu từ team building, sau 6 năm, cơ sở của nữ doanh nhân trẻ tuổi đã phát triển thêm 3 lĩnh vực kinh doanh khác gồm đào tạo, tổ chức sự kiện và tour du lịch. Khách hàng của chị đều là các doanh nghiệp khắp cả nước với hàng nghìn chương trình đã được tổ chức.

Với nữ giám đốc trẻ tuổi, thành quả lớn nhất thu nhận được sau mỗi chương trình không chỉ dừng ở việc "tròn vai" của một người tổ chức sự kiện, quan trọng hơn từ trò chơi sẽ kết nối các thành viên, giúp họ rút ngắn mọi rào cản, cùng trao đổi, hợp tác.

"Sau mỗi trò chơi, tính cách cũng như điểm mạnh, điểm yếu của từng thành viên bộc lộ rõ nét. Từ đó giúp lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt và sau này có những điều chỉnh phù hợp trong công việc. Đó mới chính là điều mà chúng tôi cảm thấy hài lòng nhất khi kinh doanh nghề này", chị bộc bạch.

Lúc này, trên thị trường không ít đơn vị kinh doanh cùng ngành, cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Song, đó không phải là điều quá lo ngại đối với người phụ nữ này. Bởi chị cho rằng  sự cạnh tranh của các doanh nghiệp team building nằm ở nhiều yếu tố khác nhau, trong đó cốt lõi  là sáng tạo và khả năng dám trải nghiệm những điều mới mẻ.

"Sáng tạo thì không có biên giới. Dù có công ty đã xây dựng ngân hàng với vài nghìn trò chơi khác nhau, nhưng mình vẫn tìm tòi, nghiên cứu để phát triển các trò chơi mới và chương trình phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nhu cầu xã hội. Đó mới là bí quyết để tồn tại của doanh nghiệp hoạt động trong nghề", chị nói.

Chia sẻ thêm, chị cho biết nếu ai từng tham gia và chiến thắng các trò chơi kỹ năng chắc chắn đều hiểu các yếu tố gồm: đồng đội, hết mình, trách nhiệm, sáng tạo và kỷ luật. " 5 điều này cũng được công ty xem là giá trị cốt lõi trong phát triển thương hiệu. Dịch vụ team building không có sáng tạo là thất bại", chị nói.

Về kế hoạch thời gian tới, chị Thủy nhận định nhu cầu về team building tại Việt Nam không ngừng gia tăng, do vậy, công ty đang hướng mở rộng phạm vi hoạt động và đa dạng hóa các hình thức dịch vụ. Tham vọng của chị không chỉ đưa công ty dẫn đầu trong lĩnh vực tổ chức các hoạt động team building tại Việt Nam mà còn vươn tầm quốc tế. "Mình nghĩ đó không phải là quá điều xa vời nếu doanh nghiệp nỗ lực không ngừng nghỉ", chị cho biết.

Thành Tâm