Hủy
Ý tưởng mới Thứ bảy, 13/2/2016, 17:24 (GMT+7)

Kiếm tiền tỷ từ giống táo Xuân

Với gần 1.000 gốc táo dày công trồng trọt ven sông Cầu, ông Vũ Ngọc Nhân (sinh năm 1949) thu nhập một tỷ đồng mỗi năm và trở thành một trong những ông “vua làm vườn” của Thái Nguyên.

Ở xóm Đá Gân, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, ông Nhân nức tiếng với nghề trồng cây ăn quả, đặc biệt là táo Xuân. Hơn 10 năm qua, ông liên tục được nhận bằng khen của Chủ tịch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ về thành tích sản xuất giỏi. Với kỹ thuật ghép cây giống, ông vừa được công nhận là nông dân sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên.

Trước khi đến với nghề làm vườn, cũng như bao gia đình ở xóm Đá Gân, xã Đồng Liên, ông Vũ Ngọc Nhân là dân vùng lụt, toàn bộ vốn liếng ban đầu gồm gần một mẫu đất trũng đất bãi ven sông Cầu. "Bản thân tôi sức khỏe không tốt, việc đồng áng phó mặc cho vợ yếu con thơ nên quanh năm thiếu thốn. Đói thì đầu gối phải bò nên tôi luôn nung nấu ý định tìm hướng phát triển kinh tế gia đình", ông nhớ lại.

Cuối năm 1993, huyện Phú Bình thành lập Hội Làm vườn, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập mô hình trồng cây ăn quả ở Bắc Giang, Hưng Yên. Ông phấn khởi bắt tay vào trồng cây vải theo trào lưu, đến các vườn từng tham quan để xin học nghề chiết cành, ươm cây và xin cây giống về trồng.

Khởi nghiệp với 7 cây vải đầu tiên, cả gia đình đã phải "tổng động viên" gánh đất bãi về đổ tôn nền đất vườn, mỗi gốc cây phải đổ đến vài chục gánh đất mới trồng được. Túc tắc vừa làm vừa mày mò, ông có khoản thu đầu tiên từ tiền bán cây giống vải, rồi dần chuyển sang làm thêm một số loại giống cây khác. Nhưng cũng phải đến năm 2001, nhờ dày công nghiên cứu trồng giống táo Xuân 21, gia đình ông mới được đổi đời.

Vô tình đọc được một bài báo giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo Xuân 21 cho hiệu quả kinh tế cao, ông Nhân tự tìm đường đến Viện Nghiên cứu rau quả, nơi có giống táo mới lai tạo để tìm hiểu kỹ lưỡng về loại cây này.

Sau khi trao đổi với các chuyên gia, được giải thích giống táo này dễ trồng, hợp đất phù sa ven sông như diện tích gia đình đang canh tác, ông tràn đầy niềm hy vọng, quyết định bỏ tiền mua 5 cây về trồng thử và đầu tư nhiều công sức vào loại cây ăn quả này. Nhờ thích ứng được với điều kiện địa hình thấp, úng lụt, sinh trưởng rất nhanh, ngay vụ táo đầu đã sai trĩu quả.

lao-nong-kiem-bac-ty-tu-cay-tao

Ở tuổi 67, ông Vũ Ngọc Nhân (áo màu ghi bên trái) nức tiếng khắp vùng với biệt danh vua táo, thu nhập một tỷ mỗi năm từ loại cây ăn quả này. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Năm đầu tiên ông thu hoạch được khoảng một tạ táo, bán rất dễ bởi quả to, màu sáng đẹp, vị ngọt đậm và giòn, khác hẳn với các giống táo đang trồng tại địa phương. Đặc biệt là táo chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên càng dễ tiêu thụ. Cứ thế hơn mười năm nay, hàng năm gia đình ông đều dành tiền lãi từ bán hoa quả để mua thêm đất bãi, đầu tư phát triển thêm. Đến nay, gia đình đã có khoảng 3 ha cây ăn quả, trong đó có gần 1.000 gốc táo, mỗi năm cho thu hàng trăm triệu đồng từ bán quả và cây giống.

Từ thành công của mô hình làm vườn cây ăn quả của ông Nhân, nhiều gia đình đã học tập và nhanh chóng thoát nghèo. Đây là một sự chuyển đổi mạnh mẽ của địa phương thuần nông vốn nổi tiếng với "lúa, lang, lạc, lợn".

Nói về kỹ thuật trồng và chăm sóc táo, ông Nhân chia sẻ: "Tôi không được đào tạo qua trường lớp, chỉ tự học là chính nên luôn tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật theo hướng dẫn từ sách, báo và các chương trình khuyến nông".

Ông quy hoạch diện tích cho từng giống táo, từng mục đích khai thác, như táo Xuân 21 lấy quả riêng một khu, táo Đại một khu, táo trồng lấy mắt ghép một khu khác, nhằm tránh bị tạp giao hoặc lẫn giống, ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng. Chăm sóc cây táo rất dễ, ít phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ông không phun thuốc trong thời điểm táo gần đến ngày được thu hái. Thậm chí táo đầu mùa rất hiếm, bán được giá nhưng gia đình cũng không muốn bán vì khi đó táo còn xanh, chưa đạt chất lượng tốt.

Táo quả của gia đình ông Nhân được thương lái đặt bao tiêu toàn bộ tại vườn, giá đầu mùa khoảng 25 nghìn đồng/kg, giữa mùa cũng ổn định ở mức trên dưới 20 nghìn đồng. Táo rất dễ thu hái do được trồng hàng cách hàng 4m, cây cách cây 2,5m.

Ông cho biết nếu chăm sóc tốt, quả táo to, mọng, đạt trọng lượng tới 10 quả/kg, từ khi táo đậu quả đến lúc thu hoạch hầu như ngày nào cũng phải tưới nước để giữ độ ẩm cho đất. Vì vậy, gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống mương máng bao quanh, hệ thống tưới tự động và nhiều loại máy móc thiết bị.

Nhờ luôn đảm bảo chất lượng, sản phẩm đầu ra không phải lo tiêu thụ nên chỉ với 2 lao động chính của gia đình, từ mô hình trồng trọt này, hàng năm ông Nhân thu trên một tỷ đồng. Ông còn tạo công ăn việc làm cho 7-15 lao động trong xã có thu nhập ổn định. Trực tiếp thực hiện những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao, ông Nhân luôn chân thành chỉ bảo, dạy nghề cho bà con có nhu cầu. Cây táo giống chủ yếu ghép mắt táo Xuân 21 trên gốc táo ta. Từ khi gieo hạt đến khoảng 6 tháng là cây có thể ghép được, sau khi ghép 2 - 3 tháng là có thể mang trồng, thu hoạch ngay trong năm đầu tiên.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên, Nguyễn Văn Hữu cho biết, với cách trồng, chăm sóc và thu hái như tại vườn của gia đình ông Nhân và các vườn trên địa bàn xã thì táo Xuân 21 là loại quả "siêu sạch" không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Ông Hữu cho hay, hàng năm ông Nhân sản xuất và cung cấp khoảng 10 vạn cây giống các loại, chất lượng đảm bảo, giá bán lại rẻ hơn so với các nơi khác từ 10 - 15%. Chỉ nói riêng về cây táo Xuân 21, cả xã có trên 25 hộ nhờ ông Nhân giúp đỡ về cây giống và kỹ thuật. Thu nhập từ cây táo lên tới 15 triệu đồng/sào đã giúp nhiều hộ trở nên khá giả. Chính vì thế mà ông rất có uy tín với bà con, nhất là trong việc vận động sản xuất sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe nhân dân đồng thời khẳng định thương hiệu của nhà vườn.

Đến nay, có gần 20 hộ được ông Nhân cho vay vốn sản xuất không tính lãi; gần 100 hộ được hướng dẫn kinh nghiệm trồng cây ăn quả và làm cây giống. Ngoài ra, ông đã hiến 2.000 m2 đất làm đường giao thông và nhà văn hóa xóm, tặng 2 vườn cây tình nghĩa cho hộ chính sách.

Theo Nông nghiệp Việt Nam