Hủy
Ý tưởng mới Thứ sáu, 14/3/2014, 15:38 (GMT+7)

Kinh doanh thanh long sấy xuất khẩu

Quyết định bỏ gần 10 tỷ đồng làm thanh long sấy chân không cấp đông dù sản phẩm này vẫn còn mới với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, chị Lê Thị Tú Anh ở TP HCM đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Cách đây 3 năm, một người bạn bên Mỹ về nước đề nghị chị Tú Anh làm đại lý độc quyền phân bón hữu cơ sau khi thấy một số nhà vườn trồng thanh long sử dụng thuốc trừ sâu khá nhiều khiến đất dễ bị thoái hóa. Cũng vào thời gian đó, ngành cơ điện lạnh chị gắn bó gần 20 năm đang chững lại, nên Tú Anh quyết định nhận lời tham gia dự án này.

Chị bắt đầu lao vào tìm hiểu, khảo nghiệm và nhanh chóng đam mê lĩnh vực mới này. Dự án đầu tiên, chị trồng thanh long hữu cơ 100% trên diện tích 7.000 m2 ở Long An và Tiền Giang vào tháng 2 năm 2012. Kết quả, lô hàng thanh long tươi 8 tấn đã xuất thành công sang Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình xuất khẩu chị nhận thấy xuất dưới dạng thanh long tươi còn gặp nhiều rủi ro như vấn đề chiếu xạ, hư hỏng khi vận chuyển đường xa… Ngoài ra, công ty gặp phải sự cạnh tranh của các công ty khác chấp nhận bán giá thấp để lấy thị phần.

thanhlong1-O-1982-1394758831.jpg

Thanh long sấy Việt được bán tại các cửa hàng ở Mỹ.

Trong bối cảnh này, chị Tú Anh cùng cộng sự tiếp tục tìm hiểu phương thức chế biến và thấy rằng chỉ thanh long khô mới bảo quản được lâu. Ý tưởng sử dụng phương pháp sấy thăng hoa hay còn gọi là sấy chân không cấp đông bắt đầu từ đó. “Tôi cùng những người bạn phải tự tìm kiếm thông tin từ sách vở, hỏi các chuyên gia, thực hiện các chuyến khảo sát trong và ngoài nước vì lúc đó thị trường chưa có công ty nào nghiên cứu loại sản phẩm thanh long này”, chị nhớ lại.

Sau nhiều nỗ lực, vào cuối năm 2012, ba container thanh long sấy khô được xuất sang Mỹ, dùng công nghệ sấy theo quy trình của Nhật Bản. Quá trình cho ra thành phẩm phải kỹ lưỡng từng công đoạn với nguyên liệu ban đầu thu mua ở Long An, Tiền Giang, có kỹ sư nông nghiệp giám sát. Sau đó, trái thanh long tươi được trụng qua nước sôi để diệt vi sinh, rồi lột vỏ, cắt lát trần qua nước sôi lần nữa. Kế đến, thanh long được xếp lên khay, đưa vào máy cấp đông để rút nước ra từ từ, nhiệt độ từ 60 đến 80 độ C cho đến khi khô hẳn, không có chất bảo quản, không thêm đường. Theo chị Tú Anh, phương pháp sấy này giúp miếng thanh long giữ được nguyên vị, không bị biến dạng so với các phương pháp sấy khác, lưu giữ được 24 tháng.

Kể từ lúc bắt tay vào kinh doanh tới nay, chị Tú Anh huy động nguồn vốn từ cá nhân, ngân hàng, các nhà đầu tư bên ngoài gần chục tỷ đồng để trang trải cho các chi phí lưu kho, tồn kho, thu mua của nông dân... Chị cho hay, thanh long sấy chân không cấp đông rất tốn kém vì 1 kg thành phẩm sấy gia công tương đương 11 USD, 12 kg thanh long tươi mới ra được một kg khô. “Có lúc, tôi rơi vào tâm trạng lo lắng và nản vì không biết đầu ra sản phẩm như thế nào, chưa tiêu thụ được nhiều như kỳ vọng, nhưng đã dấn thân thì phải làm cho hết sức”, chị chia sẻ.

Tại thị trường trong nước, thanh long sấy có giá khoảng 40.000 đồng một gói, nhưng người tiêu dùng Việt ít biết đến và chưa tiếp cận nhiều với sản phẩm này. Chị Anh đang giới thiệu sản phẩm trên website, các mạng xã hội, nhờ người quen, bạn bè giới thiệu sản phẩm tới những ai quan tâm, nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. “Khách hàng có thể xem thanh long sấy là món ăn chơi, nhưng thực ra nó còn có tác dụng làm đẹp da, nhuận trường…, thích hợp cho những người ăn kiêng”, chị cho hay.

Tuy nhiên, theo chị Tú Anh, vào đầu năm 2013, tiến độ thanh long sấy được tiêu thụ khá chậm ở Mỹ do người dùng nơi đây chưa quen ăn sản phẩm này. Chị đang tính cách mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm những đơn vị có thị trường xuất khẩu để đưa hàng vào siêu thị ở Trung Quốc, Dubai hoặc châu Âu.

Chị Anh vừa ký đơn hàng gửi hàng mẫu đầu tiên với số lượng 5.000 gói sang Nhật và đang chào sản phẩm cho một số đối tác ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nauy...

Mai Phương