Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 26/8/2015, 09:50 (GMT+7)

Mất vốn, gia đình ly tán, tôi đã khởi nghiệp lại như thế nào

Sau thất bại ngay từ lần kinh doanh đầu tiên khiến gia đình trục trặc, anh Thành quyết định đi làm thuê 6 năm để tích góp tiền thực hiện ý tưởng  mới.

Dưới đây là kinh nghiệm khởi nghiệp được anh Nguyễn Trung Thành (sinh năm 1978) quê Hải Dương chia sẻ với độc giả VnExpress.

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, tôi đã trải qua nhiều vị trí công việc từ nhân viên phòng nhân sự, chuyên viên, phó phòng dự án đầu tư, trưởng phòng rồi giám đốc nhân sự tại một số công ty nhà nước lẫn 100% vốn nước ngoài.

Tháng 7 vừa qua, tôi từ bỏ vị trí giám đốc nhân sự với mức lương 2.000 USD mỗi tháng để bắt tay vào khởi nghiệp với dự án ngân hàng hồ sơ ứng tuyển. Đây không phải là lần kinh doanh đầu tiên của tôi. 8 năm trước, tôi đã từng start-up thất bại với mô hình trồng rau an toàn tại Đồng Tháp.

Đầu năm 2007, khi đang là nhân viên một công ty xây dựng tại Tây Nam bộ, nhận thấy nhu cầu về rau an toàn bắt đầu manh nha trên thị trường, tôi đã nghỉ việc để chuyên tâm sản xuất kinh doanh. Dùng toàn bộ 200 triệu đồng tích cóp của hai vợ chồng và một phần vốn vay từ người thân, tôi thuê 4,5 ha đất và đầu tư quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Mọi thứ đã diễn ra rất suôn sẻ, sau gần 2 năm hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, bắt đầu cho lợi nhuận.

Nhưng chỉ sau một đêm lũ tràn về, toàn bộ khu trồng rau bị ngập trắng. Khác với lũ miền Bắc rút nhanh, lũ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ phải mất 2-3 tháng mới cạn nước. Tâm huyết, tiền bạc, công sức không cứu vãn được gì ngoài một phần diện tích trồng rau mầm không bị ngập, tôi chỉ còn biết trông chờ doanh thu vào số lượng rau ít ỏi của phần diện tích này.

Thực tế khi đó, nhiều người chưa quen sử dụng rau mầm nên sức tiêu trên thị trường khá hạn chế. Để cơ sở có thể cầm cự, tôi tìm cách mở rộng thị trường rau mầm ra Hà Nội. Để lại vợ con trong Nam, một mình tôi ra Bắc dò dẫm tìm kiếm thị trường, vừa sản xuất, kinh doanh. Cũng may được gia đình tại quê nhà hỗ trợ nhân công cắt rau, đóng hộp, vận chuyển đến các chợ đầu mối, nên tôi cũng đỡ vất vả phần nào. Song với chi phí đầu tư hạn hẹp, sản phẩm rau mầm không được quảng bá rộng rãi, nên dù chất lượng tốt rau vẫn không thể vào các siêu thị.

Vài tháng sau, đúng lúc sản phẩm rau mầm của tôi cũng bắt đầu có chỗ đứng tại miền Bắc, thì gia đình trong Nam lại gặp trục trặc. Tôi phải bỏ dở hết để quay vào Nam. Không thể tìm được đối tác tin cậy, am hiểu sản phẩm để giao phó, tôi đành để dự án rau sạch phá sản. Mất vốn, thất nghiệp, gia đình trước nguy cơ ly tán... thú thật khi đó tôi đã triền miên trong bia rượu, tuyệt vọng suốt mấy tháng liền.

Một thời gian sau, tôi quyết định  thay đổi môi trường sống và chuyển hẳn về Hà Nội khi xin được việc tại một công ty FDI với vị trí trưởng phòng nhân sự. Kinh nghiệm từ nhiều năm làm lĩnh vực này cho thấy áp lực lớn nhất của các đơn vị tuyển dụng là tính toán, cân nhắc trả chi phí cho các website hoặc dịch vụ hunting (săn đầu người). Cùng đó, dù mất tiền đăng tin tuyển dụng trong một khoảng thời gian ngắn nhưng rất khó để nhà tuyển dụng tìm ngay được ứng viên phù hợp. Rõ ràng, chi phí tuyển dụng bị đội lên, nhất là đối với các công ty có quy mô lớn và có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên với số lượng lớn

Bên cạnh đó, việc bản thân các ứng viên có năng lực song không có ý định nhảy việc, nhưng thường xuyên bị các hunter gọi điện mời chào phỏng vấn mà không được trả bất kỳ khoản tiền nào cho việc bị làm phiền này.

Từ những bất cập trên, tôi nghĩ tại sao không lập ra một web cung cấp dịch vụ tuyển dụng thay vì đăng tin miễn phí thì yêu cầu nhà tuyển dụng nạp một khoản tiền vào tài khoản trên web tuyển dụng. Khi tìm kiếm bất kỳ hồ sơ xin việc nào, nếu thấy ứng viên nào đạt chất lượng, phù hợp công ty đó mới phải trả  tiền để xem thông tin của ứng viên. Nhà tuyển dụng sẽ không bị giới hạn về thời gian trả phí, như vậy sẽ đỡ tốn kém và nhân viên tuyển dụng không mất nhiều thời gian sàng lọc hồ sơ.

Với mô hình này, những ứng viên có hồ sơ xin việc (CV) trong ngân hàng hồ sơ ứng tuyển cũng được hưởng số phần tiền nhất định. Có thể xem đó là "phí làm phiền" khi phải trả lời điện thoại không mong muốn từ các nhà tuyển dụng hoặc các hunter. Như vậy, cả nhà tuyển dụng, web cung cấp dịch vụ và ứng viên đều có lợi.

Có ý tưởng, song do khó khăn về tài chính, khi các khoản nợ của lần thất bại đầu tiên vẫn chưa được trả hết nên tôi ấp ủ trong lòng. Hơn nữa, thời điểm đó, tôi cũng không tìm được những người cùng chung chí hướng, vì bạn bè đều làm khác ngành nghề khó hình dung mô hình. Giấc mơ về một CVbank được tôi nuôi dưỡng trong 5 năm, mỗi ngày khát khao lập nghiệp lại càng thôi thúc tôi nhiều hơn.

Tháng 10/2014, sau khi hoàn thành số nợ cũ và tiết kiệm được một khoản vốn tôi quyết định khởi nghiệp lần thứ hai. Do mô hình liên quan đến vấn đề công nghệ nên tôi gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc cộng trừ tiền trực tiếp của nhà tuyển dụng với ứng viên khi nạp tiền, thanh toán, rút tiền,...đội ngũ kỹ thuật viết code lập trình khá vất vả trong việc lập trình và test. Yêu cầu của web về độ chính xác và an toàn bảo mật không khác gì một hệ thống của internet banking.

Ngoài ra, việc thuyết phục khách hàng là các đơn vị tuyển dụng và ứng viên đăng tin miễn phí lên trang cũng không dễ dàng. Vì đây là  hình thức kinh doanh mới, trong khi tư duy của các nhà tuyển dụng lại quen với việc đóng phí cho mỗi lần đăng tin. Cho dù, với tất cả khách hàng, trong lần đăng tin đầu tiên tôi đều dành tặng một khoản tiền vào tài khoản của họ, song thậm chí rất nhiều đơn vị còn nghi ngờ mô hình của tôi có dấu hiệu lừa đảo.

Điều may mắn nhất của tôi khi tái khởi nghiệp là dự án liên quan đến lĩnh vực tôi làm từ khi ra trường, không mạo hiểm như khi làm rau sạch. Ngoài ra, để có đủ tiền thực hiện dự án, tôi đã chủ động đi gõ cửa khá nhiều nơi tìm kiếm thuyết phục nhà đầu tư. 8 tháng sau khi ngân hàng hồ sơ trực tuyến được vận hành và tiêu tốn gần 500 triệu thì tôi có một tổ chức đồng ý cấp vốn 10.000 USD cho mô hình.Và hiện tôi vẫn tiếp tục gửi dự án đến một số quỹ đầu tư mạo hiểm để kêu gọi vốn.

Sau gần một năm hoạt động, ngân hàng CV của tôi đã thu hút  45.000 hồ sơ ứng viên chất lượng cao, đa số có  kinh nghiệm làm việc từ 2 năm trở lên, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề và gần 10.000 nhà tuyển dụng. Công ty cũng đã có gần 20 nhân viên. Hai tháng gần đây, công ty của tôi bắt đầu có doanh thu và lợi nhuận dù không đáng kể nhưng đã vượt kế hoạch ban đầu.

Mục tiêu của ngân hàng hồ sơ ứng tuyển mà tôi đặt ra là sẽ đạt 1.000.000 CV trong hai năm tới. Và tôi cũng tin về khả năng thực hiện được kế hoạch này. Bởi ngoài tiềm năng của lĩnh vực tuyển dụng, kinh nghiệm làm nhân sự hơn 10 năm của tôi cho thấy việc chia sẻ quyền lợi cho 3 bên là nhà tuyển dụng-đơn vị cung cấp dịch vụ - ứng viên sẽ giúp thời gian tuyển dụng sẽ rút ngắn hơn và ứng viên luôn được tôn trọng với kinh nghiệm và năng lực sẵn có.

Lúc này, mô hình khởi nghiệp của tôi đang bắt đầu vào guồng hoạt động, việc thành công hay thất bại vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà tôi không thể dự tính. Song, phần nào, tôi cảm thấy hài lòng vì ít nhất tôi đã không để ý tưởng ấp ủ mãi trong đầu.

Khi tôi từ bỏ vị trí giám đốc nhân sự để chạy theo đam mê, rất nhiều người cho rằng 37 tuổi đã muộn để làm giàu. Đúng là thực tế, với độ tuổi của tôi, hiện rất nhiều người đã thành đạt, có vị trí nhất định trong xã hội. Với tôi, dù mọi việc đang ở vạch xuất phát, song tôi thấy không hối tiếc bởi nếu không dám nghĩ, không dám làm và không dám chịu thất bại thì không nên start-up. Khởi nghiệp ở tuổi nào cũng không muộn, chỉ muộn khi bạn không dám hoặc không có gì để lập nghiệp.

Nguyễn Trung Thành