Hủy
Ý tưởng mới Chủ nhật, 10/7/2016, 14:18 (GMT+7)

Nông dân nghèo có tiền tỷ nhờ nuôi tôm vùng ngập mặn

Từ hộ nông dân trồng lúa, làm thuê luôn túng thiếu, ông Thạch Lương ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) chuyển sang nuôi tôm, cua rồi mở rộng cơ ngơi, đến nay lợi tức hàng năm lên đến bạc tỷ đồng.

Sinh năm 1964 ở xã Long Vĩnh, ông Thương cùng gia đình sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, mỗi năm một vụ, năng suất rất thấp. Cả gia đình sống chen chúc trong một căn nhà nhỏ ven rừng ngập mặn, trong cảnh túng thiếu, vợ chồng phải buôn bán nhỏ và làm thuê.

Năm 2008, thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa, đất bỏ hoang sang nuôi trồng thủy sản, ông Thương mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất hiện có của gia đình sang nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến (thả lan). Vụ nuôi đầu thành công, ông Thương tích lũy thêm một số vốn và mua thêm đất, tiếp tục mở rộng ao tôm.

Hiện ông Thương sở hữu 20 ha đất nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Theo ông, mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn vừa đảm bảo thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn phát triển theo hướng bền vững. Tôm sú nuôi theo hình thức thả lan với mật độ thưa không sử dụng kháng sinh, lớn nhanh, sạch bệnh, bán được giá. Trung bình mỗi năm gia đình ông thả 300.000 con tôm sú kết hợp với 30 - 40kg cua biển giống (chia làm 3 đến 4 đợt mỗi năm). Chỉ riêng tôm thâm canh và bán thâm canh, gia đình ông có nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng và lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng một năm.

nong-dan-ngheo-co-tien-ty-nho-nuoi-tom-vung-ngap-man

Những đầm tôm mênh mông mang lại lợi tức tiền tỷ của gia đình ông Thạch Lương. Ảnh: Tiền Phong

Ngoài diện tích nuôi tôm trong rừng ngập mặn, những năm gần đây, ông Thương chuyển một số diện tích sang nuôi tôm công nghiệp. Ông Thương cho biết, năm 2009, khi quyết định chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, nhiều người lo ngại cho ông, vì nếu thất bại ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Thương vẫn quyết tâm làm và đã liên tục thành công. Hiện ông Thương sở hữu 19 ao nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích gần 10 ha.

Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, phải quản lý nghiêm từ khâu nạo vét ao hồ cho đến môi trường nước. Ao nuôi phải đảm bảo thông thoáng, khu nuôi tôm có dành diện tích làm ao lắng xử lý môi trường nước khi cung cấp vào ao nuôi, giữ độ sâu mức nước từ 1,4-1,5m. Hàng ngày theo dõi chế độ ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh do lượng thức ăn thừa tồn dư trong ao nuôi.

Hàng năm, gia đình ông Thương đều lãi lớn từ nghề tôm, thu lợi trung bình trên một tỷ đồng. Riêng năm 2015, ông lãi trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn thu nhập từ việc nuôi thủy sản, ông Thương còn có nguồn thu từ đàn bò sinh sản, bò thịt.. Nhờ vượt khó để làm ăn, tích cực lao động sản xuất, nhiều năm liền ông Thương được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Trà Vinh.

Sau khi thoát nghèo thành tỷ phú, ông Thương hiến 2.500 m2 đất gần trục lộ chính, dân cư đông đúc để địa phương xây trường học. Ông Thương còn hỗ trợ kinh phí xây dựng kênh thủy lợi nội đồng và cống thoát nước phục vụ cho 15 hộ dân nuôi thủy sản trong ấp và nhiệt tình tư vấn kỹ thuật nuôi tôm cho nhiều nông dân tại địa phương vượt khó.

Đầu năm 2016, ông Thương được UBND tỉnh tặng bằng khen vì “đã phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh”. Gia đình ông Thương đang bảo đảm việc làm cho 5 lao động nghèo trong vùng với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi thu hoạch tôm, ông Thương còn thưởng thêm mỗi lao động một tháng lương. Ông là người nuôi tôm hiếm hoi ở vùng đất này hay thưởng cho người lao động.

Theo Tiền Phong