Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 14/12/2016, 08:04 (GMT+7)

Ông Đặng Văn Thành: 'Thương hiệu không phải của mình, mà của đất nước Việt Nam'

Sau những thành công trong lĩnh vực tài chính, ông Đặng Văn Thành tiếp tục chứng minh bản lĩnh khác biệt của mình bằng một loạt kết quả ấn tượng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh mới: nông nghiệp, bất động sản, năng lượng, giáo dục, du lịch.

Xây dựng thương hiệu là niềm tự hào quốc gia

Ông Đặng Văn Thành từng chia sẻ: “Những doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia không được ăn xổi ở thì. Lợi nhuận là nhất thời, thị phần là vĩnh cửu. Mất tiền chưa là gì, mất tình mới mất một nửa, mất uy tín là mất hết. Nhận diện thương hiệu đòi hỏi giá trị thương hiệu. Dục tốc bất đạt, phải tự tin nuôi dưỡng, vun đắp cho thương hiệu. Thương hiệu không phải của mình đâu, mà của đất nước Việt Nam”.

Xuất phát từ tâm niệm này, gần 2 năm im ắng sau khi rời Sacombank, năm 2014 ông Thành quay trở lại thương trường trong cương vị Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, với mục tiêu đưa ngành mía đường Việt Nam vươn tầm khu vực.  

Ông cho biết, quá trình phát triển của Thành Thành Công suốt gần 35 năm qua luôn được biết đến với lĩnh vực mía đường. Gia đình ông khởi nghiệp từ đây và nay vẫn luôn gắn bó. Và trong suốt 20 năm trực tiếp tham gia lĩnh vực tài chính, ông vẫn quan tâm ngành mía đường, cố vấn và sát cánh cùng sự phát triển của Thành Thành Công.

Nói về khoảng thời gian chính thức quay lại điều hành mảng kinh tế từng gắn bó thời kỳ đầu, ông Thành khẳng định vẫn còn nguyên niềm đam mê như khi ông chuyển qua xây dựng nên một Sacombank hùng mạnh trước đây. Ông trực tiếp đến khảo sát từng vùng nguyên liệu trong nước, rồi qua Thái Lan tìm hiểu quy mô và cách làm mía đường nơi đây. Cũng chính thời gian này, thông tin về việc Thành Thành Công mua lại một phần mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai để gia tăng vị thế cũng rộ lên.

Dù mía đường vẫn là lĩnh vực chủ chốt của tập đoàn, nhưng Thành Thành Công hiện có hơn 20 đơn vị thành viên, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: bất động sản, năng lượng, giáo dục, du lịch và nông nghiệp. Mới đây, Tập đoàn TTC đã chi gần 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược, sở hữu 35% vốn (tương đương 54,5 triệu cổ phiếu) của Tổng công ty Tín Nghĩa (TinNghiaCorp).

Sau ngành mía đường, mục tiêu kế tiếp của ông chủ Thành Thành Công là lĩnh vực trồng, chế biến cà phê khu vực Đông Dương. Hiện Tín Nghĩa có 700ha cà phê chất lượng cao Arabica tại Lào. Doanh nghiệp này có kế hoạch trồng 3.000ha cà phê và xây dựng nhà máy chế biến tại Lào.

Ngoài ra, Tập đoàn TTC đang muốn tìm chỗ đứng ở lĩnh vực bất động sản công nghiệp khi Tín Nghĩa cùng với Tổng công ty Sonadezi hiện quản lý hầu hết các khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, như Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 6D, Tam Phước, Bàu Xéo, Tân Phú,...

Phát triển khu đô thị cũng là điều mà cả Thanh Thành Công và Tín Nghĩa đang hướng tới như: Khu đô thị Đông Sài Gòn hơn 940ha (Nhơn Trạch, Đồng Nai) với tổng đầu tư 6 tỷ USD, Bàu Trúc Resort (Ninh Thuận), Cù lao Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai),... bên cạnh đó còn là du lịch. Một loạt các công ty du lịch, khách sạn đã được quy về một mối là Thành Thành Công.

ong-dang-van-thanh-thuong-hieu-khong-phai-cua-minh-ma-cua-dat-nuoc-viet-nam

Ông Thành đang tập trung phát triển ngành mía đường và nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, du lịch...

Với những diễn biến gần đây của các doanh nghiệp thành viên Thành Thành Công cho thấy, ngoài vị trí thống trị ngành mía đường, trong thời gian tới có thể Tập đoàn TTC sẽ chiếm vị thế trong nhiều lĩnh vực như du lịch, bất động sản, năng lượng...

Riêng mảng tài chính, ông Thành cho biết đến một thời điểm mà ông thấy mọi thứ đều thuận lợi và bản thân thích thú thì sẽ quay lại.

Đóng góp cho xã hội và đất nước

Ông Thành bộc bạch: "Tôi luôn quan niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì tôi sẵn sàng làm", Với tâm niệm này, dù ở thời điểm nào, ông Thành vẫn luôn dành nhiều thời gian tiếp xúc, gặp gỡ, chia sẻ và hỗ trợ kinh nghiệm cho rất nhiều doanh nhân khác và các bạn trẻ khởi nghiệp.

Tại sự kiện “Chiến lược đến thực thi và trải nghiệm thương trường" được tổ chức mới đây tại TP HCM, ông Thành đã đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm về quản trị. Theo ông, lãnh đạo không nên làm việc một mình, phải tin vào bộ máy, phải có nghệ thuật tạo sinh khí làm việc thân thiện, hiệu quả, đoàn kết nội bộ. Là chủ doanh nghiệp thì phải truyền đạt đến toàn thể cán bộ công nhân viên biết về chiến lược của công ty.

Theo ông Thành, người lãnh đạo giỏi phải là hạt nhân của những người tài, biết khơi gợi tinh thần trách nhiệm của cán bộ công nhân viên. Trau dồi khả năng hùng biện qua việc đọc sách. "Chiến sĩ thời bình không được phép thất bại, còn nếu để rơi vào thất bại thì sẽ đối diện với thân bại, danh liệt. Dù khó khăn đến mấy thì người doanh nhân vẫn phải đứng lên và đi tiếp chứ không được cho phép mình kiệt sức hay dừng lại", ông đúc kết.

Nhận định về cơ hội cho người trẻ, Đặng Văn Thành cho rằng, thế hệ của ông không có nhiều cơ hội học tập cao nhưng có cơ hội nhiều hơn trên thương trường. Hiện tại thế hệ trẻ có điều kiện tốt, tuy nhiên cần phải có phương pháp làm việc, có tinh thần cầu tiến với hoài bão lớn thì mới thành công.

"Kinh tế thị trường sẽ đào thải những người có lối sống thiển cận, kinh doanh chộp giật. Với tôi, nếu như lúc trẻ mình đầy nhiệt huyết, hào hứng bao nhiêu trong việc làm giàu thì bây giờ tôi muốn làm những việc mang tính cống hiến cho xã hội bấy nhiêu", ông chia sẻ.

VnExpress đang tổ chức chương trình bình chọn "Startup Việt - Sải bước thành công" nhằm tìm ra 18 Startup Việt Nam nổi bật trong năm để góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội.

Hiện danh sách 30 startup triển vọng nhất được công bố trên website của chương trình tại https://startup.vnexpress.net/ để độc giả bình chọn trực tuyến.

Thanh Lê