Hủy
Ý tưởng mới Thứ tư, 23/7/2014, 14:45 (GMT+7)

Quán chay của cựu ca sĩ nhóm F5

Gần 10 năm gắn bó cùng nhóm nhạc F5 ở Sài Gòn, rồi đoàn tụ với gia đình ở nước ngoài, Dao Vỹ Chí trở về Việt Nam gây dựng nhà hàng chay.

Là người ăn chay, lại nhận thấy xu hướng ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến phong cách ẩm thực này, năm 2013 chàng cựu ca sĩ Dao Vỹ Chí đã cùng người bạn kiến trúc sư của mình hợp tác mở nhà hàng chay Rôu.

Rôu – phát âm là “Rau” ra đời vào tháng 6/2013. Giữa xu thế có rất nhiều nhà hàng chay từ tầm trung đến cao cấp cạnh tranh, Dao Vỹ Chí nhận định để tạo ấn tượng, yếu tố đầu tiên mà anh coi trọng là thiết kế. Thiết kế kiểu công nghiệp của quán không giống với các nhà hàng chay cùng phân khúc. Vì người ăn chay có xu hướng trẻ hóa, nên anh muốn tạo một không gian gần như một quán cà phê, vừa ấm cúng, tinh tế mà lại không thiên về trường phái hay tôn giáo nào.

Quán gồm có hai tầng, với tầng trên chuyên tổ chức các buổi tiệc và sự kiện. Hàng tháng, tại quán đều diễn ra các sự kiện cộng đồng như hát acoustic, thi hát nhạc Phật, hội thảo sống xanh, diễn kịch… và những bữa tiệc do khách hàng đặt. Chí đã đầu tư một tỷ đồng vào nhà hàng này, riêng giá thuê mặt bằng mỗi tháng 2.500 USD.

F5-JPG-9691-1406097725.jpg

Cựu ca sĩ Dao Vỹ Chí đang dự tính mở nhà hàng chay thứ hai chỉ sau một năm kinh doanh

Món chay của nhà hàng được anh lựa chọn và đầu tư kỹ càng để thực khách không cảm thấy khó khăn khi tiếp nhận. Hơn 70% các món ăn được chế biến từ rau củ theo phong cách Veggie. Thức ăn phải chế biến sao cho thực khách cảm thấy không ngán, phong phú không thua kém món mặn mà vẫn đảm bảo sức khỏe và không hề kham khổ như mọi người vẫn nghĩ.

Nhiều thực khách khi lần đầu trải nghiệm đã ồ lên ngạc nhiên, hóa ra ăn chay cũng ngon hơn người ta tưởng. Nhiều người trong số họ dần thay đổi quan điểm chuyển sang ăn chay nhiều hơn từ ý thức được việc giữ gìn sức khỏe, tránh sát sinh. Cao điểm, có lúc quán của anh Chí phục vụ hơn 50 lượt khách mỗi ngày, dù là ngày thường.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, hiện anh Chí đã cho bổ sung thêm hơn 100 món với giá trung bình từ 50.000 đồng để khách có cơ hội được thử nhiều món. Ngoài ra, với mỗi suất cơm khoảng 35.000 đồng, anh đã duy trì được lượng khách ổn định là giới văn phòng.

Quán nằm ngay trung tâm quận 1, sát chợ đầu mối, hàng ngày anh Chí và nhân viên đều đích thân lựa chọn những mặt hàng mới nhập để chế biến và đổi trả nếu không đạt yêu cầu.

Những khó khăn ban đầu của kinh doanh quán chay, theo anh Chí là duy trì được lượng khách ăn hàng ngày. Theo quan niệm cố hữu thường chỉ ăn chay vào ngày Rằm hay mùng Một, nên khách ăn dồn vào một thời gian cố định, những ngày còn lại thì thưa thớt. Vì vậy, để giữ chân khách hoặc mang lại cho khách cảm giác thiện cảm với món chay để quay lại quán, anh Chí phải cải tiến theo yêu cầu của khách hàng hằng ngày và sắp xếp thực đơn sao cho bất cứ tầng lớp nào, người theo tôn giáo nào cũng có thể tìm đến món chay. Anh chia sẻ: “Độ tuổi trung bình của khách đến quán đang trẻ hóa, ngày càng nhiều thực khách là trẻ em thích ăn chay và được cha mẹ quan tâm dành nhiều món chay cho khẩu phần ăn của con em mình”.

Tận dụng không gian kinh doanh, ngoài tầng trệt và tầng một rộng khoảng 200 m2 dành cho khu vực nhà hàng, hai tầng trên cùng còn được anh Chí trưng dụng làm hostel (một dạng như ký túc xá cho thuê ở lâu với giá rẻ) cho du khách nước ngoài. Với hơn 18 giường chia đều ba phòng, giá tầm 6 USD cho một khách mỗi ngày và luôn duy trì được lượng khách ở  khu trung tâm, doanh thu của hostel hàng tháng đủ để chi trả chi phí mặt bằng.

Anh Chí cho biết muốn ngày càng có nhiều người đón nhận việc ăn chay hơn và trên đà phát triển, anh đang lên kế hoạch mở chi nhánh thứ hai trong năm nay.

Thanh Viên