Theo một báo cáo mới nhất từ Ngân hàng HSBC với tên gọi: “Navigator hiện tại, tương lai và ý nghĩa đối với doanh nghiệp”, các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của các chính sách bảo hộ ngày càng tăng nhưng vẫn khá lạc quan về triển vọng giao thương quốc tế của họ.
Theo các chuyên gia, trong số hơn 6.000 doanh nghiệp được khảo sát trên toàn cầu, có trên ba phần tư (77%) lạc quan về triển vọng kinh doanh quốc tế của mình, và kỳ vọng khối lượng thương mại sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới. Tại Việt Nam, con số này là 90% - cao hơn đáng kể so với trung bình trên thế giới.

Giao thương quốc tế đang được các doanh nghiệp Việt Ngày càng chú trọng. Ảnh minh họa.
Lý do mà các doanh nghiệp Việt Nam lạc quan được cho là xuất phát từ ba yếu tố. Thứ nhất, các doanh nghiệp tin vào nhu cầu từ người tiêu dùng đối với hàng hóa của họ ngày càng tăng (33%). Kế tiếp là điều kiện kinh tế thuận lợi (31%). Cuối cùng là việc giảm chi phí vận chuyển, hậu cần và kho bãi. "Việt Nam không nằm trong 10 thị trường với tỷ lệ cao doanh nghiệp cho rằng việc ứng dụng công nghệ sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh doanh", báo cáo đánh giá.
Liên quan đến kế hoạch tăng trưởng trong tương lai, 88% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng nhu cầu cho tài trợ thương mại tăng đồng thời khả năng tiếp cận nguồn vốn sẽ tăng theo. Tuy nhiên, hầu hết cũng chỉ ra những thách thức chính để đạt được nhu cầu về tài trợ vốn là chi phí giao dịch cao, bất ổn tỷ giá.
Liên quan đến vấn đề bảo hộ, 67% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho rằng các chính phủ đang ngày càng trở nên bảo hộ đối với các nền kinh tế trong nước
Để vượt qua thử thách này, phần lớn các doanh nghiệp đang tìm kiếm các đối tác thương mại trong khu vực để phát triển các cơ hội kinh doanh. Xu hướng này sẽ được tiếp tục khi các hoạt động giao thương trong khu vực được ưu tiên trong các kế hoạch mở rộng kinh doanh trong ba đến 5 năm tới. Việt Nam sẽ tập trung vào các đối tác thương mại chính tại châu Á và Mỹ. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam xem ASEAN 2025 và CPTPP là hai chính sách thương mại hàng đầu có tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng, Việt Nam phát triển ổn định qua các thời kỳ khó khăn và tiếp tục duy trì là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp tin rằng môi trường kinh tế thuận lợi và nhu cầu về sản phẩm tăng là những yếu tố chính giúp tăng trưởng giao thương với các thị trường.
"Nhân công chi phí thấp, môi trường kinh doanh cải thiện và việc áp dụng các thỏa thuận thương mại như EVFTA và CPTPP được xem là những điểm mạnh tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Với tất cả những thuận lợi này, theo ông Hải, Việt Nam đang ở vị thế khá thuận lợi để nắm bắt các cơ hội đến từ tăng trưởng về thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh đó các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược để nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng, áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước và dần giảm sự phụ thuộc vào thế mạnh nhân công chi phí thấp để có thể nắm bắt được các lợi ích đến từ xu hướng này một cách bền vững nhất.
Lệ Chi