Thứ tư, 24/4/2024
Thứ năm, 11/7/2013, 06:38 (GMT+7)

Nhiều công ty chứng khoán rời bỏ thị trường

Sau Delta, Hà Nội và Trường Sơn, một loạt các công ty chứng khoán đang có nguy cơ bị chấm dứt hoạt động kinh doanh trong thời gian tới nếu không khắc phục được tình trạng thua lỗ.

Công ty cổ phần Chứng khoán Chợ Lớn lỗ đã chính thức giải thể sau khi thua lỗ 3 năm liên tiếp (tính từ 2010) và trước ngày đóng cửa chỉ còn có 7 nhân sự. Trước đó, công ty cắt bộ phận tự doanh, rút tư cách thành viên tại hai Sở giao dịch Hà Nội và TP HCM.

Quý I, công ty có tổng doanh thu một tỷ đồng, giảm 67% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ được hoàn nhập dự phòng 848 triệu đồng nên ba tháng đầu năm, Chứng khoán Chợ Lãi lãi sau thuế sau thuế 986 triệu đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán Đông Dương đã chính thức rút lui khỏi sàn giao dịch từ đầu năm 2012, đồng thời chuyển hết khách hàng sang đơn vị khác. Hoạt động sau đó của Chứng khoán Đông Dương ra sao, tới nay vẫn là dấu hỏi lớn khi báo cáo tài chính quý gần nhất theo công bố cũng cách đây đã một năm rưỡi.

Theo báo cáo quý III/2011, Chứng khoán Đông Dương lỗ hơn 6,7 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế 9 tháng lên 23 tỷ đồng. Trước đó, năm 2010, công ty cũng chỉ lãi 6,2 triệu đồng trong khi vốn chủ sở hữu lên tới 125 tỷ đồng.

Chứng khoán Golden Bridge (Mã CK: GBS) cũng đang trong giai đoạn giai nan thử thách. Công ty mới chỉ đưa ra báo cáo tài chính cập nhật đến quý IV/2012 với khoản lỗ sau thuế gần 11 tỷ đồng. Tiền mặt còn gần 34 tỷ đồng vào ngày 31/12/2012. Tính chung cả năm ngoái, Chứng khoán Golden Bridge gánh lỗ khoảng 6,7 tỷ đồng.

Mới đây, cổ phiếu GBS của công ty còn bị đưa vào diện kiểm soát và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần do vi phạm nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin. Nếu đến 31/7, tình trạng này chưa khắc phục, GBS có khả năng sẽ bị tạm ngừng giao dịch.

Trước đó, Chứng khoán Golden Bridge từng bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đình chỉ hoạt động thanh toán tới 3 lần. Nguyên nhân là công ty vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán dẫn đến hủy giao dịch, gây tổn thất cho khách hàng và ảnh hưởng đến hệ thống của Trung tâm Lưu ký.

Công ty Chứng khoán Tràng An (Mã CK: TAS), dính “án” đình chỉ hoạt động và đối mặt với mối lo rút giấy phép sau hàng loạt bê bối lừa đảo nhà đầu tư, kinh doanh thua lỗ và thay đổi nhân sự cấp cao.

Đầu tháng 7, cổ phiếu TAS của công ty bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội yêu cầu tạm ngừng giao dịch do vi phạm quy định về công bố thông. Hiện tại, Chứng khoán Tràng An mới chỉ cập nhật báo cáo tài chính quý III/2012 với khoản lỗ lũy kế 7,4 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mê Kông (MSC), từ tháng 11 năm 2012 đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt lần 2 do vi phạm quy định về tỷ lệ an toàn tài chính. Theo Ủy ban Chứng khoán thời gian kiểm soát diễn ra trong vòng 6 tháng và nếu quá thời hạn MSC vẫn chưa khắc phục được tỷ lệ an toàn tài chính sẽ việc bị đình chỉ hoạt động.

Theo báo cáo tài chính năm 2012, MSC lãi hơn 1,4 tỷ đồng, nhưng lũy kế, công ty vẫn có khoản lợi nhuận chưa phân phối âm gần 44 tỷ đồng.

Công ty cổ phần chứng khoán SME, từ 3/6 đã bị tạm ngưng hoạt động do không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và chưa kéo được tỷ lệ lỗ gộp trên vốn điều lệ xuống dưới 50%. Trước đó, SME đã hủy niêm yết trên sàn chứng khoán từ 26/10/2012. Theo báo cáo tài chính từ quý III năm 2011, SME có lợi nhuận âm gần 23 tỷ đồng.

Ủy ban Chứng khoán vừa ra quyết định “khai tử” ba công ty chứng khoán sau thời gian dài hoạt động chìm nổi, tìm cách tồn tại nhưng bất thành. Danh sách này gồm Chứng khoán Trường Sơn, Chứng khoán Hà Nội và Chứng khoán Delta.

Trước đó, các công ty này đã nổi lên hàng loạt lùm xùm về chuyện thua lỗ, hay vấp phải bê bối lừa đảo nhà đầu tư. Các công ty được Ủy ban gia hạn thêm 6 tháng hoạt động để khắc phục lỗ, nhưng vẫn không ăn thua.

Ngoài ba đơn vị trên, thị trường hiện nay còn xuất hiện hàng loạt công ty cũng trong trạng thái lui về ở ẩn hoặc xếp hàng chờ “chết”.

Tường Vi - Hàn Phi