Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 2/11/2013, 06:11 (GMT+7)

Thuế truy thu trăm tỷ làm nóng chứng khoán tháng 10

Khép lại tháng 10, câu chuyện về truy thu thuế vẫn là chủ đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất khi Công ty Nhựa Bình Minh phải nộp tới 117 tỷ đồng, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp này có tỷ lệ cổ tức cao và ổn định.

Nhựa Bình Minh bị truy thu thuế cả trăm tỷ

Sau khi hàng loạt doanh nghiệp phải nhận quyết định truy thu thuế hồi tháng 9, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh tiếp tục rơi vào vòng xoáy này. Giá cổ phiếu BMP ngay sau đó giảm sàn và xuống còn 69.000 đồng.

Theo các chuyên gia và giới đầu tư, cổ phiếu BMP là mã có cơ bản tốt, thích hợp đầu tư trung và dài hạn do hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tỷ lệ cổ tức thường đứng ở mức cao, dao động 10-30% mỗi năm. Vì vậy chuyện doanh nghiệp này bị truy thu khoản thuế tiền tỷ khiến không ít cổ đông bất ngờ và lo ngại.

Theo đó, hàng loạt vụ truy thu thuế tiền tỷ đối với các doanh nghiệp khác từ những tháng trước cũng được dư luận quan tâm trở lại, đặc biệt trong bối cảnh các văn bản hướng dẫn luật còn nhiều điểm mâu thuẫn. Mới đây, tại buổi đối thoại giữa cơ quan thuế và hơn 500 doanh nghiệp, nhiều công ty cũng kêu cứu trước nguy cơ bị truy thu hàng tỷ đông mà nguyên nhân chính là hướng dẫn không rõ ràng từ các đơn vị thuế.

HNX-Index sắp bị khai tử

Từ tháng 12, một chỉ số mới có tên HNX-FF-Index sẽ được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào chạy song song với HNX-Index. Dự kiến sau một năm, HNX-Index sẽ bị loại khỏi bộ chỉ số của Sở.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, HNX-FF-Index có đặc tính ưu việt hơn, trong đó đã bao gồm tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch với tỷ lệ tự do chuyển nhượng tối thiểu 5%. Đây cũng là phương pháp tính toán theo thông lệ quốc tế, nhằm loại bỏ ảnh hưởng diễn biến chỉ số giá của những mã có khối lượng niêm yết lớn nhưng lượng tự do chuyển nhượng thấp.

CTG thỏa thuận khủng

Trong 5 phiên cuối tháng 10, cổ phiếu CTG của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank, Mã CK: CTG) liên tiếp xuất hiện giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn tại giá trần, với tổng khối lượng 24 triệu cổ phiếu, trị giá gần 447 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công lại không hỗ trợ được thị giá CTG. Đóng cửa phiên ngày 31/10, CTG đạt 17.400 đồng một cổ phiếu, giảm 100 đồng so với một tuần trước đó.

Trao đổi với VnExpress.net về những cuộc thỏa thuận trên, Tổng giám đốc Vietinbank – ông Nguyễn Văn Thắng cho biết đây là giao dịch bình thường giữa các nhà đầu tư và không liên quan đến cổ đông thuộc ban lãnh đạo hay thành viên hội đồng quản trị nhà băng.

Cuộc chuyển nhượng cổ phiếu CTG diễn ra trong bối cảnh Vietinbank vừa bổ nhiệm hai phó tổng mới, trong đó có một người nước ngoài là ông Hiroyuki Nagata. Đây cũng là lần đầu tiên ban điều hành Vietinbank có thành viên ngoại quốc. Gần cuối tháng 10, nhà băng này cũng vừa phát hành thêm hơn 160 triệu cổ phiếu CTG cho cổ đông Nhà nước.

Vn-Index trở lại mốc 500 điểm

Sau thời gian lình xình quanh vùng 470-480 điểm từ cuối tháng 8, đến tháng 10, Vn-Index liên tiếp vượt 500 điểm với khối lượng giao dịch tăng đột biến. Tổng cộng hơn 1.400 tỷ cổ phiếu trên sàn TP HCM được sang tên đổi chủ trong tháng 10, bao gồm thỏa thuận và khớp lệnh, đạt mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, trị giá hơn 18.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng phiên 21/10, lượng giao dịch tại sàn TP HCM lên tới hơn 112 triệu cổ phiếu và cũng đạt mức cao nhất kể từ hồi tháng 6. Thị trường trở nên sôi động, thanh khoản tăng cao khi các nhà đầu tư đua nhau lướt theo sóng cổ phiếu bất động sản.

Xét theo từng mã, sàn TP HCM cũng xuất hiện nhiều giao dịch khủng, chủ yếu liên quan đến cổ phiếu bất động sản. Chẳng hạn ITA từng “gây bão” trong hai ngày giao dịch liên tiếp với hơn 11 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên, cao nhất kể từ hồi đầu cuối tháng 1. Bên cạnh đó, PVX cũng có phiên tăng mạnh thanh khoản khi khớp lệnh gần 12 triệu cổ phiếu hôm 8/10, cao nhất kể từ hồi tháng 6 năm nay với trị giá giao dịch hơn 255 tỷ đồng.

BIDV nộp hồ sơ niêm yết lần đầu

Hơn 2,8 tỷ cổ phiếu vừa được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng ký niêm yết lên sàn TP HCM với mã chứng khoán BID. Nếu niêm yết thành công, BIDV sẽ là ngân hàng thứ 6 giao dịch tại sàn. Trước đó, nhà băng này cũng từng đăng ký niêm yết nhưng lại hoãn với lý do diễn biến thị trường không thuận lợi, thanh khoản kém.

Nửa đầu 2013, BIDV đạt hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng nhà băng khoảng 7,5%, tỷ lệ nợ xấu là 2,78% trên tổng dư nợ, đạt 9.400 tỷ đồng. Hiện ngân hàng chưa công bố báo cáo quý III và 9 tháng đầu năm.

Công ty chứng khoán lần đầu được sáp nhập

Ngày 25/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức công bố quyết định phê duyệt phương án sáp nhập hai đơn vị là Chứng khoán MB và Chứng khoán VIT, đánh dấu thương vụ hợp nhất đầu tiên trên thị trường. Theo nhận định từ các chuyên gia và nhà đầu tư, động thái này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán có cơ hội phát triển trong bối cảnh hàng loạt công ty thua lỗ thời gian dài hoặc phải phá sản.

Navibank xin hủy niêm yết

Sau 3 năm niêm yết và giao dịch trên sàn, đầu tháng 10, một lãnh đạo tại Ngân hàng cổ phần Nam Việt (Navibank, Mã CK: NVB) xác nhận nhà băng đang xin ý kiến cổ đông để tiến hành rút cổ phiếu NVB khỏi sàn. Theo lý giải từ vị này, “thông thường niêm yết cổ phiếu là để đáp ứng một số mục tiêu như tăng cường vốn, ổn định thanh khoản, nhưng tất cả những điều này ngân hàng đều không đạt được. Vì vậy chuyện rời sàn trong bối cảnh hiện tại là quyết định đúng đắn”.

Cũng trong tháng 10, Navibank công bố báo cáo tài chính với khoản lãi sau thuế hơn 2 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của nhà băng âm 8,95% trong khi tăng trưởng huy động giảm trên 20%. Đến 30/9, nợ xấu của Navibank chiếm 8,7% tổng dư nợ, tăng hơn 3% so với hồi đầu năm.

Thị trường chứng khoán tháng 10 kết thúc với hàng loạt biến động như truy thu thuế trăm tỷ, khối lượng giao dịch khủng, sóng chứng khoán xuất hiện khiến Vn-Index liên tiếp vượt 500 điểm. 

Tường Vi