Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 8/9/2013, 14:21 (GMT+7)

10 thương hiệu lọt top Sao vàng Đất Việt



FPT, Ôtô Trường Hải, VietinBank và Tập đoàn Cao su từng vào Top 10 giải thưởng Sao vàng Đất Việt ba năm liên tiếp và có lợi nhuận khả quan.

FPT

Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT) thành lập từ năm 1988 và hiện là một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo báo cáo tài chính năm 2012, doanh thu tập đoàn vượt mốc một tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường gần 10.000 tỷ đồng (tương đương 480 triệu USD).

Một số lĩnh vực kinh doanh chính của FPT gồm cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Nửa đầu năm 2013, lợi nhuận sau thuế FPT đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tập đoàn cũng tăng 9%, đạt trên 12.300 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu FPT hiện là một trong những blue-chip được chọn vào rổ VN30, giao dịch tại sàn TP HCM. Khối lượng khớp lệnh 6 tháng đầu năm đạt trên 30 triệu cổ phiếu. Hiện FPT có giá quanh ngưỡng 44.300 đồng.

PVEP

Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được thành lập từ tháng 5/2007 dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 100% vốn điều lệ. 6 tháng đầu năm 2013, PVEP đạt tổng doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 8.818 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư thực hiện là 537,2 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỷ đồng.

Vietinbank

Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank, Mã CK: CTG) thành lập từ năm 1988 sau khi tách từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện vốn điều lệ của Vietinbank trên 32.000 tỷ đồng, trong đó 80,3% là sở hữu Nhà nước.

4 năm qua, lợi nhuận Vietinbank tăng từ hơn 1.200 tỷ vào năm 2009 lên trên 6.100 tỷ đồng năm 2012. Nửa đầu 2013, lãi sau thuế Vietinbank là 3.117 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng nhà băng chỉ đạt gần 0,4% so với hồi đầu năm trong khi đó tốc dộ huy động vốn tăng hơn 6% sau 6 tháng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu CTG của Vietinbank cũng là blue-chip thuộc rổ VN30 và là một trong những mã thanh khoản cao nhất sàn. Khối lượng giao dịch nửa đầu 2013 của CTG vượt 140 triệu cổ phiếu.

Vissan

Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) là đơn vị thành viên của Tổng công Thương mại Sài Gòn, được thành lập từ năm 1975. Lĩnh vực cạnh tranh chính của doanh nghiệp là chế biến thực phẩm, rau quả, chăn nuôi, đầu tư tài chính. Năm 2012, doanh thu của Visan đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 150 tỷ đồng.

Hiện tại, trên thị trường, Vissan nổi tiếng với một số sản phẩm ăn liền như xúc xích, giò lụa, thịt hộp. Công ty chưa cổ phần hóa nên thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hầu như không có nhiều.

Ôtô Trường Hải

Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) được thành lập năm 1997, chuyên sản xuất và lắp ráp các sản phẩm ôtô tại khu phức hợp ôtô Chu Lai – Trường Hải (Quảng Nam), chủ yếu là dòng xe tải, xe bus, xe du lịch Kia và Mazda. Hiện Trường Hải đang đứng thứ hai về thị phần tiêu thụ xe trong nước (chiếm 25%), xếp sau Toyota, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

Tuy nhiên, mới đây Trường Hải đã lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, thể hiện tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành đa nghề. Để cụ thể hóa, ông Trần Bá Dương - người sáng lập Trường Hải và nắm 8,6% sổ phần công ty vừa qua đã từ chức Tổng giám đốc để tập trung điều hành công ty địa ốc Đại Quang Minh, đơn vị Trường Hải đã chi hơn 900 tỷ đồng để sở hữu 30% vốn. Đại Quang Minh hiện có dự án khu dân cư rộng 37,15 hécta tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM.

Năm 2012, do thị trường ôtô ảm đạm, lợi nhuận sau thuế của Trường Hải chỉ đạt 242 tỷ đồng, giảm 64% so với năm trước.

Tuy nhiên, đến 6 tháng đầu năm nay, công ty lãi tới 361,5 tỷ đồng, gấp 1,5 lần lợi nhuận cả năm trước. Cuối năm 2012, tổng vợ vay ngắn hạn và dài hạn của Thaco lên tới gần 6.400 tỷ đồng, chủ yếu để đầu tư vào các dự án địa ốc, tổ hợp showroom, trung tâm thương mại.

Tập đoàn Hoa Sen

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam tháng 6/2012, Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) chiếm trên 40% thị phần sản xuất kinh doanh tôn - thép cả nước.

Năm 2012, Hoa Sen đạt gần 10.170 tỷ đồng doanh thu và 411,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 23% và 145% so với năm trước. Trong 9 tháng đầu niên độ, tập đoàn báo lãi hợp nhất 538 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước.

Tại 30/6/2012, vay và nợ dài hạn, ngắn hạn của công ty đat 3.670 tỷ đồng, tăng 1.022,2 tỷ đồng so với cuối năm trước.

Đạm Phú Mỹ

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã CK: DPM) hiện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu hơn 61% vốn. Nửa đầu 2013, lãi sau thuế hợp nhất công ty đạt 1.626 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước 17%. Tổng doanh thu công ty cũng giảm 14%, xuống còn 6.135 tỷ đồng. Trong đó, gần 72% là doanh thu bán sản phẩm trong nước.

Đạm Phú Mỹ cho biết, lãi suất ngân hàng hạ trong thời gian qua, đồng thời sản lượng công ty bán ra cũng giảm 10% đã khiến tổng doanh thu thấp hơn.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là tập đoàn đa sở hữu, trong đó Nhà nước chi phối về vốn, trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Cao su Việt Nam.

Ngoài đầu tư ở Việt Nam, hiện VRG còn làm chủ các dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia với hàng chục nghìn hecta, tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Mới đây, đơn vị này vướng phải vụ lình xình khi bị tổ chức phi chính phủ Global Witness cáo buộc chiếm đất phá từng trái phép tại Lào và Campuchia. Tuy nhiên, phía VRG cũng như Chính phủ Lào đã khẳng định những cáo buộc này là phi lý.

Năm 2012, VRG đạt tổng lợi nhuận 9.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.000 tỷ đồng. Dù chưa niêm yết trên sàn nhưng hiện nay tập đoàn là cổ đông lớn của nhiều công ty cao su trên sàn như Đồng Phú (nắm 55,8%), Hòa Bình (55,06%), Phước Hòa (69%).

Thiên Long

Công ty Cổ phần Thiên Long (MCK: TLG) được thành lập năm 1981, chuyên kinh doanh lĩnh vực văn phòng phẩm, trong đó mặt hàng phổ biến nhất là bút bi.

Năm 2012, Thiên Long đạt 1.232,2 tỷ đồng doanh thu và 135,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 25% và 21% so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2013, công ty đạt 640 tỷ đồng doanh thu và lãi 62 tỷ đồng, hoàn thành trên 45% kế hoạch cả năm.

Traphaco

Nửa đầu 2013, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Traphaco (Mã CK: TRA) gần 90 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. 3 năm qua, kết quả kinh doanh công ty cũng lạc quan khi lãi sau thuế tăng đều đặn từ 66 tỷ đồng (năm 2010) lên 128 tỷ đồng (năm 2012).

Theo giới thiệu từ doanh nghiệp, Traphaco tiền thân là một tổ sản xuất thuốc với 15 cán bộ, thành lập từ năm 1972. Trải qua nhiều lần tái cơ cấu, đến năm 2000, Traphaco cổ phần hóa thành công và niêm yết cổ phiếu TRA lên sàn chứng khoán vào năm 2008.

Hiện công ty có vốn điều lệ trên 120 tỷ đồng, 35% số này thuộc sở hữu Nhà nước. Ngành nghề kinh doanh chính của Traphaco là sản xuất kinh doanh dược phẩm, hóa chất và thiết bị y tế. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất, buôn bán thêm nhiều sản phẩm đồ uống.

Giải thưởng Sao Vàng đất Việt do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đến nay đã vinh danh hơn 1.500 doanh nghiệp. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất đánh giá doanh nghiệp ở giải thưởng này là độ hấp dẫn về thương hiệu công ty.

Trong đó, năm nhóm tiêu chí đánh giá để Ban Tổ chức xếp hạng trao giải gồm Năng lực cạnh tranh, vị thế thị trường; Công nghệ, môi trường và quản lý chất lượng; Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu; Công tác quản lý điều hành doanh nghiệp; Thành tích trong sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội.

Năm 2013, 200 thương hiệu tiêu biểu được trao giải thưởng. Những doanh nghiệp nắm các thương hiệu trên đã tạo ra hơn 743.000 tỷ đồng doanh thu năm 2012, lợi nhuận sau thuế đạt trên 71.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 46.000 tỷ đồng. Đây là các số liệu đạt mức cao nhất trong 10 năm bình chọn vừa qua.

Tường Vi - Huyền Thư