Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 24/6/2013, 03:00 (GMT+7)

Cái chết của dự án nuôi tôm công nghiệp lớn nhất miền Tây

Từng là đại gia thủy sản với dự án nuôi tôm công nghiệp lớn nhất miền Tây, Công ty Duyên Hải của Việt kiều Trần Kia đã "bỏ hoang" khu đất rộng 777 ha và gần như mất vốn đã đầu tư trên 10 triệu USD.

Tháng 9/1994 Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư cấp phép cho Công ty South China Seafood Co (trụ sở đặt tại Los Angeles, Mỹ, do ông Trần Kia làm giám đốc) thành lập Công ty Nam Hải, nay là Công ty Duyên Hải Bạc Liêu. Hiện công ty đã ngưng hoạt động, xung quanh trụ sở cây mọc um tùm.

Công ty Duyên Hải Bạc Liêu có vốn đầu tư 100% nước ngoài, ông Trần Kia làm Tổng giám đốc, chuyên sản xuất tôm thẻ giống, nuôi tôm sú và tôm thẻ, trụ sở đặt tại xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải (nay là TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Theo ông Trần Kia, tổng vốn đầu tư vào dự án nuôi tôm công nghiệp lớn nhất miền Tây với 777 ha đã lên đến trên 10 triệu USD.

Sau 10 năm hoạt động, khoảng năm 2004 Công ty Duyên Hải Bạc Liêu lâm vào cảnh khốn khó khi cơ quan chức năng không cho nuôi tôm thẻ chân trắng vì sợ dịch bệnh. Từ đó, trụ sở và tài sản trong công ty xuống cấp dần nhưng không được sửa chữa dù doanh nghiệp có thời gian thuê đất đến 50 năm.

Thiết bị làm việc trong trụ sở Công ty Duyên Hải Bạc Liêu "trùm mền" dần nhiều năm nay.

Hàng ngày có 2 người là công an xã Hiệp Thành, một cán bộ của Công an TP Bạc Liêu và 4 cảnh sát cơ động tuần tra, canh giữ tài sản của đại gia Trần Kia.

Lực lượng làm nhiệm vụ mang ngư cụ vào công ty để tự đánh bắt cá cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Dự án 777 ha đất của Công ty Duyên Hải nằm ở 2 xã Vĩnh Trạch Đông và xã Hiệp Thành của TP Bạc Liêu. Ông Ngô Hiếu Dân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu cho biết 3 năm nay dự án này bị "bỏ hoang".

Do đất quá rộng nên người dân địa phương vào bao chiếm nuôi tôm, cá và thỏa thuận ngầm việc sang bán đất. Cuối năm 2011 chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, buộc hàng chục hộ phải trả đất lại cho dự án dù không thấy ông Trần Kia tái sản xuất.

Xe của Công ty Duyên Hải nằm phơi mưa phơi nắng nhiều năm nay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của Công ty Duyên Hải. Ban đầu công ty đăng ký và đã được chính quyền địa phương với ngành chức năng cho phép chuyên sản xuất con giống tôm thẻ chân trắng để cung cấp cho các nơi trong cả nước, đồng thời nuôi loại tôm này xuất khẩu sang thị trường Mỹ và một số nước. Công ty đã huy động đầu tư hàng triệu USD cho việc xây dựng hàng loạt trang trại, ao đầm để chuyên sản xuất giống và thả nuôi giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích rộng lớn. Thế nhưng vài năm sau Bộ Thủy sản (cũ) ra quyết định cấm sản xuất giống và thả nuôi tôm thẻ chân trắng vì giống tôm này chưa được xem xét, kiểm nghiệm kỹ từ thực tế ở Việt Nam.

Đầu tư với số tiền quá lớn vào dự án nhưng bị cấm sản xuất tôm thẻ chân trắng và nuôi loại tôm này nên tài sản của đại gia Trần Kia thành sắt vụn. Một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết cơ quan chức năng tỉnh này từng nghĩ đến phương án thu hồi trước thời hạn đối với dự án của đại gia Trần Kia nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Vì vậy, những khối "sắt vụn" cứ nằm bất động và xuống cấp nhanh theo thời gian.

Trong quá trình làm ăn, thông qua hình thức bán hàng ký gửi của Cadovimex (Cà Mau), Công ty South China Seafood của ông Kia bị cho là chiếm dụng của đối tác từ tháng 5/2005 đến nay chưa thanh toán. Vì vậy, tài sản của đại gia Trần Kia đang bị nhà chức trách kê biên.

Ngày 25/2/2009 Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam có quyết định buộc Công ty South China Seafood phải trả cho Công ty Cadovimex 4,653 triệu USD, 6.036 thùng và 8 túi tôm đông lạnh tồn kho. Trần Kia phải chịu lãi quá hạn trên số tiền chậm trả cho đến khi thanh toán xong toàn bộ khoản nợ cho Công ty Cadovimex. Như vậy, tổng số tiền mà Công ty South China Seafood Co phải trả cho Cadovimex lên đến gần 5 triệu USD. 

Cuối năm 2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7601/VPCP-KNTN gửi UBND tỉnh bạc Liêu, Bộ Tư pháp, Bộ Công an thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Thủ tướng Chính phủ về vụ thi hành án dân sự ở Công ty Duyên Hải. Qua xem xét báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu tại Văn bản số 2743/UBND-HCTH ngày 15/8/2012 và Báo cáo số 103/BC-BTP ngày 12/6/2012 của Bộ Tư pháp về việc thi hành án đối với Công ty Duyên Hải do ông Trần Kia làm chủ đầu tư. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. 
Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Bạc Liêu cho biết nếu thi hành án thì chỉ áp dụng đối với tài sản đại gia Trần Kia đầu tư vào dự án, còn đất thì của tỉnh Bạc Liêu cho thuê nên không thể lấy đất giao cho Cadovimex. Và tài sản của ông Kia tại Công ty Duyên Hải giờ chỉ còn là những khối sắt vụn và "kho rác" như thế này.

Hàng ngày, dân nghèo Bạc Liêu băng qua dự án của Công ty Duyên Hải để ra biển bắt cá, tôm chớ không được khai thác thủy sản tự nhiên trong khu đất "bỏ hoang" rộng 777 ha dù đời sống rất nghèo.

Theo lãnh đạo UBND xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản ở địa phương này chỉ có 662 ha nên bình quân 1 hộ chỉ có khoảng 4.000-5.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản. Trong đi đại gia Trần Kia "bỏ hoang" 777 ha đất làm ai cũng đau sót.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Kia cho biết đang tìm đối tác đầu tư vốn giúp ông tái sản xuất vì thời gian thuê đất còn đến 30 năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Hoàng Bê cho biết việc cho ông Kia thuê tiếp hay thu hồi thì phải chờ ý kiến của Chính phủ.

Từng là đại gia thủy sản với dự án nuôi tôm công nghiệp lớn nhất miền Tây, Công ty Duyên Hải của Việt kiều Trần Kia đã "bỏ hoang" khu đất rộng 777 ha và gần như mất vốn đã đầu tư trên 10 triệu USD.

Duy Khang