Thứ ba, 19/3/2024
Thứ sáu, 11/10/2013, 14:27 (GMT+7)

Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn 'ngoài ngành' của EVN

Theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, từ nay đến năm 2015, EVN phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, hiện ‘nhà đèn’ vẫn đang gặp khó khi rút chân khỏi những đơn vị như ABBank, EVN Finance hay EVN Land Central.

Ngân hàng An Bình

Ngân hàng An Bình hiện có vốn điều lệ gần 4.800 tỷ đồng, trong đó EVN được xem là một trong những cổ đông lớn nhất. Theo báo cáo quản trị bán niên 2013, EVN nắm hơn 21% vốn điều lệ nhà băng này, tương đương trên 100 triệu cổ phiếu. Ngoài EVN, các đơn vị thành viên cũng sở hữu một phần nhỏ Ngân hàng An Bình, trong đó EVN Hà Nội nắm 4,7 triệu cổ phiếu (0,99%), EVN Finance giữ gần 140.000 cổ phiếu (0,03%) trong khi Cổ phần Cơ điện Thủ Đức có hơn 1 triệu cổ phiếu (0,23%).

6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận trước thuế nhà băng đạt hơn 214 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng gần 32.000 tỷ đồng, huy động đạt trên 38.000 tỷ đồng và đều hoàn thành vượt chỉ tiêu trong quý II.

Năm 2012, Ngân hàng An Bình dự kiến trả cổ tức với tỷ lệ 7%. Như vậy, số tiền EVN được nhận từ khoản đầu tư vào nhà băng này có thể lên tới hơn 70 tỷ đồng.

Hồi tháng 7, EVN từng đăng ký bán 25,2 triệu cổ phần khỏi Ngân hàng An Bình theo lộ trình tái cơ cấu được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, đến hết năm 2015, EVN phải rút chân xong khỏi các lĩnh vực “nóng” như ngân hàng, bất động sản. Tuy nhiên, cuộc thoái vốn trên đã bất thành do quy định bên mua phải mua hết toàn bộ số vốn, không bán lẻ.

Chứng khoán An Bình

Chứng khoán An Bình (ABS) được thành lập từ năm 2006 và nhận sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cổ đông chiến lược, trong đó có EVN và Ngân hàng An Bình. Trải qua hai lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ công ty gần 400 tỷ đồng.

Theo báo cáo quản trị bán niên 2013, EVN hiện là cổ đông lớn nhất tại ABS với hơn 11,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu gần 30%. Ngoài ra, Ngân hàng An Bình cũng đang nắm hơn 2 triệu cổ phần, tương đương 5,2%.

6 tháng đầu năm 2013, doanh thu Chứng khoán An Bình giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt xấp xỉ 24 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn giảm mạnh nhất trên 10 lần, xuống còn 207 triệu đồng. Kết quả này dẫn đến lãi sau thuế công ty rớt xuống 2,7 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty tài chính cổ phần Điện lực

Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) chính thức thành lập và hoạt động từ tháng 9/2008 với mục đích thu xếp, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các đơn vị thành viên. Ngoài ra, EVN Finance còn cung cấp thêm các sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đơn vị trong và ngoài ngành điện. Vốn điều lệ hiện thời của EVN Finance là 2.500 tỷ đồng, 40% số này do EVN sở hữu và 8,4% là của Ngân hàng An Bình.

Theo thông tin tài chính gần đây nhất cập nhật trên website của EVN Finance, năm 2012, công ty đạt doanh thu gần 2.000 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với năm 2011. Lợi nhuận sau thuế theo đó co lại còn xấp xỉ 124 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2012, số vốn EVN góp tại đây vẫn chiếm tỷ lệ 40%, tương đương 1.000 tỷ đồng.

EVN Land Central

Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (EVN Land Central) được thành lập bởi 4 cổ đông chính là EVN, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng và Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa. Theo thông tin trên website EVN Land Central, công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Trong số này, tỷ lệ sở hữu của EVN chiếm 36,7% vốn điều lệ, tương đương trị giá 76,81 tỷ đồng. Số vốn trên được duy trì từ năm 2011 đến nay.

Tổng doanh thu công ty trong năm 2012 đạt hơn 62 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng tăng đột biến nên lợi nhuận sau thuế của EVN Land Central co lại còn 2,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2011.

EVN Land Saigon

Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Sài Gòn Vina (EVN Land Saigon) thành lập từ năm 2007 với 4 cổ đông sáng lập chính, trong đó có EVN. Theo báo cáo thường niên 2012, EVN nắm 2,7 triệu cổ phần doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ sở hữu 5,21%. Ngoài ra, hai công ty con của EVN là Điện lực TP HCM và Điện lực Miền Nam cũng nắm lần lượt 13,5 triệu (tỷ lệ 26,05%) và  4,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,68%).

Cả năm 2012, tổng doanh thu của EVN Land Saigon chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí cơ bản, lợi nhuận trước thuế còn gần 27 tỷ đồng và chưa hoàn thành đến một nửa kế hoạch sản xuất kinh doanh năm. Tỷ lệ cổ tức của EVN Land Saigon trong năm 2012 là 4%, như vậy khoản cổ tức EVN có thể nhận được từ doanh nghiệp này lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Công ty Bảo hiểm Toàn cầu

Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) thành lập từ tháng 6/2006, vốn điều lệ ban đầu hơn 400 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hơn 125 tỷ đồng là của EVN góp vốn, tương đương tỷ lệ sở hữu 22,5%. Bên cạnh đó, EVN cũng đang là cổ đông chiến lược của Bảo hiểm Toàn cầu.

Năm 2012, tổng lợi nhuận sau thuế công ty đạt hơn 34 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần kinh doanh bảo hiểm là 3,2 tỷ đồng, trong khi năm 2011 doanh nghiệp lỗ hơn 23 tỷ đồng cho hạng mục này.

EVN Telecom

Đây là đơn vị đã được EVN chuyển giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) từ cuối năm 2011. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm bàn giao tài sản, EVN đã đầu tư vào EVN Telecom số tiền 2.425 tỷ đồng nhưng đơn vị này lại kinh doanh lỗ tới 2.996 tỷ đồng. Thanh tra kết luận, Tập đoàn Điện lực đã mất toàn bộ vốn đầu tư vào EVN Telecom.

Nguyên nhân chính được cơ quan thanh tra chỉ ra là lãnh đạo EVN, EVN Telecom có khuyết điểm trong việc tổ chức nghiên cứu đánh giá, lựa chọn công nghệ, cộng thêm việc mô hình tổ chức kinh doanh chưa phù hợp. Trong khi đó, EVN lại không chuyên nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh viễn thông, theo đánh giá từ báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Thủ tướng sau đó đã có ý kiến chỉ đạo về việc bàn giao nguyên trạng tài sản viễn thông của EVN cho Viettel với tổng trị giá 12.339 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 11.408 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (tháng  7/2012), Viettel chưa thanh toán cho EVN theo các cam kết đã ký trước đó.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đến ngày 31/12/2011, Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, mua trái phiếu và cho 23 đơn vị thành viên vay vốn với tổng số tiền lên tới 121.790 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ là 76.742 tỷ đồng.

Đến trước thời điểm có quyết định tăng vốn thêm 63.633 tỷ đồng, EVN đã đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế thu được từ các khoản đầu tư này tính đến 31/12/2011 lại âm 2.195 tỷ đồng. Theo thanh tra, các lĩnh vực EVN đầu tư cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...

Tường Vi