Thứ ba, 16/4/2024
Thứ năm, 14/7/2016, 11:23 (GMT+7)

Nhà máy dệt 'lớn nhất Đông Dương' trước ngày di dời

Sau gần 120 năm tồn tại, Nhà máy Dệt Nam định đang trong giai đoạn chuyển đổi, di dời, để lại nhiều kỷ niệm với người dân thành Nam.

Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa do Toàn quyền Đông Dương - De Lanessan sáng lập. Đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer cho phép lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước với 6 lò hơi đặt ngay tại trung tâm thành phố Nam Định. 

Sau hơn trăm năm hoạt động với bề dày lịch sử, trải qua 2 cuộc chiến tranh, đến năm 2003, nhà máy được xác định là cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nên buộc phải di dời ra khỏi thành phố. Nhà máy Nhuộm - bộ phận gây ô nhiễm nhất - đã được di dời trước sang khu công nghiệp Hòa Xá cách đó 5 km từ năm 2014. Đến nay, khâu phá dỡ cơ sở này mới gần hoàn tất.

Nhiều nhân viên tại đây vẫn mong muốn được giữ lại một phần nhà máy ở những bộ phận không gây ô nhiễm thay vì phải chuyển toàn bộ ra khu công nghiệp. 

Sau khi di dời toàn bộ khu Nhuộm và một phần nhà máy Dệt ở phía bắc đường Trần Phú (thành phố Nam Định), khu vực nhà máy Sợi vẫn tiếp tục hoạt động ở phía Nam đến năm 2020. 

Bên cạnh khu công trường phá dỡ, công nhân vẫn làm việc ở khu nhà xưởng đã xuống cấp trong khi chờ chuyển sang khu công nghiệp mới.

Trên nền đất cũ, nhiều công trình, kỷ vật gắn với sự tồn tại và phát triển lịch sử của nhà máy sẽ được giữ lại. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Miêng, cây bàng lịch sử - nơi treo lá cờ của Chi bộ Đảng đầu tiên ở TP Nam Định - sẽ được giữ lại vĩnh viễn.

Guồng máy sợi được in trên tờ tiền 2.000 đồng hiện nay cũng đang trưng bày trong nhà truyền thống của ngành dệt bên cạnh nhà máy.

Những khẩu hiệu, biểu ngữ gắn bó với công nhân nhà máy dệt nhiều thời kỳ vẫn được giữ đến ngày nay.

Sau khi di dời toàn bộ nhà máy Nhuộm và Dệt, nơi đây sẽ được bàn giao để xây khu đô thị với quy mô 24,8 ha, tổng mức đầu tư trên 410 tỷ đồng. Số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất này sẽ được sử dụng để Dệt Nam Định đầu tư phát triển mở rộng nhà máy. 

Toàn cảnh Nhà máy Dệt may Nam Định trước đây. 

Trần Huấn - Thanh Lan