Thứ năm, 28/3/2024
Thứ tư, 11/4/2018, 02:49 (GMT+7)

Những đối thủ mới của Grab khi không còn Uber

Nhiều dịch vụ gọi xe đang tích cực vươn lên để cạnh tranh với Grab ở Việt Nam.

Vato là ứng dụng do nhà lập trình Trần Thành Nam sáng lập. Hoạt động trên thị trường vào tháng 3/2016 với tên gọi ban đầu là FaceCar, ứng dụng sau đó đổi tên thành Vivu. Gần đây, ứng dụng đổi tên lần nữa thành Vato, sau khi được Phương Trang đầu tư 100 triệu USD.

Hãng xe định hướng Vato thành một sàn giao dịch thương mại điện tử về vận tải, dịch vụ, hàng hoá trong tương lai chứ không dừng lại ở việc gọi xe.

Theo tuyên bố của nhà sáng lập, số tài xế gia nhập đã tăng mạnh sau khi Uber dừng hoạt động hôm 9/4. Giá cước của Vato ở mức 8.500 đồng mỗi km, tương tự GrabCar nhưng phần chiết khấu với lái xe là 20%, thấp hơn 25% của Grab.

Giữa tháng 11/2017, Mai Linh ra mắt dịch vụ gọi xe ôm công nghệ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Sau gần 5 tháng triển khai, Mai Linh đã phát triển hơn 10.000 xe và mục tiêu là đạt một triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020.

Giá của Mai Linh bike là 11.000 đồng cho hai km đầu và 3.700 đồng cho mỗi km tiếp theo, không tăng giá vào giờ cao điểm. Tỷ lệ chiết khấu doanh thu là 15%, thấp hơn Grab.

Trong tháng 4/2018, Mai Linh Bike sẽ có tại Lâm Đồng, Thái Nguyên, Nha Trang, Cần Thơ, Quảng Ninh. Tương lai, thương hiệu này còn dự định mở dịch vụ xe ôm cao cấp, vận chuyển hàng và đưa đón trẻ đến trường.

Go-ixe là một startup của kỹ sư công nghệ thông tin Hàng Bá Trí. Đầu năm 2016, chàng trai 8x từ bỏ vị trí trưởng bộ phận phát triển sản phẩm để thành lập Công ty Công nghệ Go-ixe. Ứng dụng này từng vào đến Top 18 của cuộc thi Startup Viet 2016 do VnExpress tổ chức.

Hiện tại, Go-ixe có 4 dịch vụ là Go Bike, Go Car, Go Taxi và Go Travel. Trí cho biết, hình thức hoạt động của ứng dụng trong thời gian đầu không khác gì Grab, tuy nhiên, mục tiêu lâu dài của anh sẽ không đơn giản vậy.

 

DiDi Việt Nam là sản phẩm của một công ty công nghệ cùng tên ở Hà Nội. Ứng dụng này được phát triển từ năm 2014 và bắt đầu vận hành từ tháng 4/2017.

Ứng dụng cung cấp dịch vụ DiDi Motor, DiDi Car và DiDi Plus. Giao diện và cách sử dụng tương tự phần mềm đặt xe khác trên điện thoại, bao gồm bản đồ, đặt lộ trình, hồ sơ lái xe, giá cước, chấm điểm lái xe...
 

Xelo là ứng dụng gọi xe của công ty Skysoft và chỉ mới được ra mắt khoảng 2 tháng. Ứng dụng này thực tế là một sàn gọi xe cho taxi truyền thống lẫn công nghệ.

Đối với taxi công nghệ, tài xế sẽ được tham gia vào hệ thống tương tự Uber, Grab. Tuy nhiên, Xelo không quy định giá cước mà để tài xế tự thiết lập mức giá dựa vào chất lượng xe và mong muốn của họ.

Vì mới thành lập nên ứng dụng này miễn phí hoa hồng với lái xe năm nay và dự kiến bắt đầu lấy chiết khấu từ năm sau, nhưng không quá 15%.

Ngoài các ứng dụng đã vận hành với quy mô khác nhau, một số nguồn tin cho hay, thị trường dịch vụ gọi xe chuẩn bị có thêm một gương mặt mới, có tên là Go-Viet. 

Theo nhiều suy đoán, Go-Viet là sản phẩm của một công ty Việt Nam nhưng được sự tư vấn và đầu tư chiến lược bởi Go-Jek, một "kỳ lân" của Indonesia và là đối thủ xứng tầm nhất của Grab hiện tại ở thị trường Đông Nam Á.

Thông tin chiêu mộ tài xế Go-Viet đang xuất hiện trên một số diễn đàn và hội nhóm của giới lái xe. Lời chiêu mộ đưa ra các mức thu nhập và tỷ lệ chiết khấu được đánh giá là hấp dẫn và cạnh tranh.

Viễn Thông