Thứ sáu, 19/4/2024
Chủ nhật, 12/4/2015, 00:18 (GMT+7)

Những vườn cây 'tỷ đô' trên đất Tây Nguyên

Mắc ca đang gây tranh cãi về hiệu quả kinh tế cũng như hướng phát triển, nhưng tại Tây Nguyên loại cây này đã được trồng từ 10 năm qua với tổng diện tích khoảng 2.000 ha.

Hoa mắc ca tại một trang trại gần thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Nhờ ong bướm thụ phấn, cây ra hoa vào khoảng tháng 2-3 hằng năm và cần 6-8 tháng để cho thu hoạch. Cây có thể trồng xen với cà phê hoặc trồng thuần, bắt đầu cho quả sau khoảng 2-3 tuổi, càng lâu năm năng suất quả càng cao.

GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký các Hội Sinh học Việt Nam, bên một cây mắc ca. 10 loại giống mắc ca đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức. Nhiều loại giống khác - trong đó có một số loại cho năng suất cao khi trồng thí điểm - vẫn đang được tiếp tục thẩm định để cấp phép.

Khâu chọn giống sẽ quyết định thành công khi trồng mắc ca, tốt nhất là giống ghép đúng kỹ thuật, ghép ẩu, ghép giả cho năng suất kém. Người dân được khuyến cáo nên mua cây giống tại các doanh nghiệp lớn, có uy tín hoặc các viện nghiên cứu để giảm thiểu rủi ro. Khoảng cách trồng giữa 2 cây mắc ca 6-7 m là hợp lý.

Ông Đinh Kim Thu (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) trong vườn mắc ca gần 100 cây của gia đình, trên diện tích một ha. Năm ngoái, gia đình ông thu hoạch 1,8 tấn quả, giá bán từ 120.000 đến 150.000 đồng một kg, tổng thu khoảng 300 triệu đồng, chi phí chiếm 10%, hiệu quả gấp nhiều lần so với cà phê trên cùng một diện tích.

Giá bán mắc ca phân biệt theo loại nguyên quả, hạt đã tách vỏ hoặc loại chỉ còn nhân. Giá mắc ca trên thị trường đang khá "loạn". Nếu năm trước chỉ vài chục nghìn một kg quả tươi thì nay nhiều nhà vườn đòi 180.000-200.000 đồng, có nơi hét tới 300.000 đồng, thậm chí tới 500.000 đồng một kg loại hàng chọn… Loại quả có vỏ đã khứa có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng một kg, nhưng cũng có đầu mối áp tới 400.000 - 500.000 đồng. Loại nhân hạt có giá 800.000 - 900.000 đồng…

Thực tế đây là giá ảo, bởi nếu mua với giá trên, sau khi trừ chi phí sơ chế, chế biến thì bán ra thị trường cũng 500.000 đồng một kg. Theo công thức chế biến, tỷ lệ nhân trên hạt của mắc ca khoảng một phần ba, tức cứ 3 kg hạt thì cho một kg nhân.

Nhiều nông dân cho hay, mắc ca là cây dễ trồng. Có trường hợp bỏ không cây nhiều năm, cây vẫn sống tốt. Tuy nhiên, nếu muốn có sản lượng cao, phải có giống tốt, đất, khí hậu, cách thức chăm bón phù hợp. Từ lúc mắc ca ra hoa đến khi cho thu hoạch khoảng 6 tháng.

Là một trong những cây trồng được thuần hóa muộn nhất, khoảng 150 năm trở lại đây, cây mắc ca còn giữ nhiều nét hoang dã. Rễ mắc ca là rễ chùm, ăn vào đất sâu nên có tác dụng chống xói mòn đất. Rễ sâu hơn nên cũng có thể hút nước ở độ sâu lớn hơn, chịu hạn tốt, thích hợp với điều kiện khan hiếm nước tại Tây Nguyên. Nếu trồng mắc ca xen canh với cà phê thì hầu như không cần tưới riêng nước cho mắc ca.

Anh Y The trông coi vườn giống mắc ca của Công ty Vinamacca tại huyện M’Drak (Đăk Lăk) cho biết anh làm việc ở đây đã 3 năm, nhưng hiếm khi phải tưới cây. Khu vườn 8 ha trồng mắc ca chỉ cần 2 công nhân coi sóc. Mắc ca thu hoạch quả trái vụ so với cà phê, nên cũng thuận lợi về phân bố nhân công.

Cây mắc ca này tròn 10 tuổi. Cây càng lâu năm thì cho sản lượng càng cao. Tại vườn nhà ông Đinh Kim Thu có 100 cây mắc ca 10 năm tuổi, có loại cho bình quân 17 kg quả mỗi cây, có loại năng suất lên tới khoảng 50 kg.

Nhật Anh