Thứ tư, 24/4/2024
Thứ năm, 11/6/2015, 11:35 (GMT+7)

Vùng vải Lục Ngạn tất bật vào vụ

Thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang) bắt đầu náo nhiệt bởi hoạt động thu mua vải thiều tại hàng trăm điểm cân của thương lái.

Tuần sau mới là chính vụ, song thời điểm này, một số xã như Phượng Sơn, Quý Sơn (Lục Ngạn) vải chín sớm, nhiều hộ đã bắt đầu thu hoạch. Với gần 2ha chị Vi Thị Quyên (thôn Tân Thành, Quý Sơn) dự tính sản lượng đạt được khoảng 16 tấn. "Do vải chín nhanh không hái kịp sẽ rụng nên ngoài 4 thành viên trong gia đình, tôi phải thuê thêm 2 nhân công", chị cho biết.

Việc thu hoạch vải thường diễn ra vào đầu sáng cho đến gần trưa để kịp bán cho điểm cân. Cụ Trần Thị Na (79 tuổi) - mẹ chồng chị Quyên dậy từ 4h sáng để phụ giúp các con gom và bó vải. Trung bình một ngày, mỗi hộ trồng thu hoạch được từ 4-5 tạ vải.

Sau khi bó, cắt tỉa cành lá, vải được chất lên thùng sau xe máy...

...để chở đến các điểm cân cách vườn vài km. Anh Ngô Duy Phương (xã Quý Sơn) cho biết: "Một chuyến mình chở khoảng 1-1,7 tạ quả. Lô này quả to đẹp hơn so với trước đó, nên hy vọng được giá 18.000-20.000 đồng mỗi kg".

Tại thị trấn Chũ có đến hàng trăm điểm cân của cả thương lái trong nước và Trung Quốc, song vải có bán được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào một số người làm nghề "chỉ vải". Do vậy, người dân mất không ít thời gian để chờ đợi.

Không cần ăn thử chỉ cần nhìn màu sắc, gai và kích cỡ quả vải, những người "chỉ vải" sẽ định giá và chỉ vào điểm thu mua.

Niềm vui của một nông dân khi vải được giá cao.

Tại các điểm cân, ngoài 1-2 người chuyên đứng "chỉ vải", một người ghi số cân, thanh toán tiền, thì đội "cửu vạn" bốc vác chủ yếu là nam giới số lượng có khi lên đến 15-20 người.

Thời điểm này, ngoài các xe chở vải thì xe kéo thùng xốp cũng nườm nượp trên đường. Với giá 40.000-50.000 đồng mỗi thùng tùy kích cỡ, mỗi ngày có điểm thu mua tiêu thụ đến vài trăm thùng để đóng hàng.

Ngoài thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc, vải còn được vận chuyển tới các tỉnh, thành phía Nam như: Đà Nẵng, TP HCM, Phú Yên, Bình Định... Cách giữ độ tươi ngon duy nhất được người dân Lục Ngạn sử dụng là dùng đá lạnh để ngâm ướp.

Sau khi nhúng vải vào thùng nước đá, vải được đóng trong thùng xốp có lót đá đáy thùng và một lớp đá bào phủ phía trên. "Đây là cách bảo quản truyền thống, kể cả vận chuyển vài ngày quả vải vẫn tươi, ngon", anh Đoàn Doãn Hồng-chủ cơ sở thu mua Hồng Tuyết (Cầu Cao, Quý Sơn) cho hay.

Các thùng vải được xếp lên ôtô để vận chuyển ngay trong ngày. Trung bình mỗi ngày các điểm cân đóng được 10-15 tấn vải tươi để tiêu thụ tại thị trường nội địa và Trung Quốc.

Thành Tâm
Ảnh: Giang Huy