Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 20/8/2013, 02:00 (GMT+7)

Những đại gia 'ngã ngựa' vì khủng hoảng kinh tế 2008

5 năm sau cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới, nhiều thương hiệu vượt qua khủng hoảng để tiếp tục phát triển, nhưng không ít đã biến mất trên thương trường.

1. Northern Rock

Cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng đã diễn ra sáng 15/9/2007 tại 72 chi nhánh của Northern Rock, nhà cho vay thế chấp lớn thứ 5 tại Anh. Ngân hàng này đã mất thanh khoản nghiêm trọng do thua lỗ từ cho vay thế chấp bất động sản, và phải cầu cứu Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

Sự việc bắt đầu từ những thông tin cho rằng Northern Rock cho vay thế chấp tràn lan và đang khan hiếm tiền mặt. Hàng nghìn người gửi tiền tiết kiệm tại nhà băng này đã xếp hàng từ sáng đến tối tại toàn bộ 76 chi nhánh để rút ra bằng được tất cả tiền gửi của mình.

BoE đã bơm 1 tỷ bảng để ngân hàng chi trả cho người gửi. Hỗ trợ này đã giúp Northern Rock thoát khỏi tình trạng thiếu tiền mặt, nhưng không giúp giảm số người đến rút tiền. Chính phủ Anh phải tiếp quản tập đoàn ngân hàng này và tiến hành quốc hữu hóa vào 17/2/2008.

Đến tháng 6/2011, Northern Rock chính thức được rao bán cho lĩnh vực tư nhân. Tỷ phú Richard Brandson, chủ công ty tài chính Virgin Money đã mua lại với giá 1,2 tỷ USD vào tháng 1/2012. Đến tháng 10/2012, địa chỉ website www.northernrock.co.uk chỉ còn vai trò là đường dẫn phụ đến trang web của Virgin Money.

2. Countrywide Financial

Khi bong bóng chứng khoán Mỹ vỡ trong những năm 2000 – 2002, nhà đầu tư mất lòng tin và hàng triệu người quay sang chọn nhà đất như một kênh an toàn, đẩy bong bóng địa ốc phình to thêm, tác động đáng kể đến nguồn cung, xây dựng tăng ào ạt.

Bong bóng địa ốc bắt đầu vỡ vào năm 2007, khi tỷ lệ tịch thu nhà thế chấp tăng cao. Tài sản giảm giá nặng nề khiến bảng cân đối của các nhà cho vay xấu đi và bị các tổ chức đánh giá hạ bậc tín nhiệm. Tập đoàn tài chính Coutrywide Financial của Mỹ là một trong những nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng. Cổ phiếu của hãng trong ngày 15/8/2007 đã giảm giá 13% trên sàn chứng khoán New York do các nhà đầu tư lo ngại công ty có thể đối mặt với rủi ro phá sản. Đây là mức giảm giá theo ngày lớn nhất kể từ khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1987. Các khoản xiết nợ và nợ quá hạn của công ty đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu 2002.

Bank of America (BofA) chính thức thông báo kế hoạch mua lại Countrywide Financial vào tháng 1/2008 và được FED thông qua vào tháng 5. Với 69% số cổ đông của Countrywide Financial đồng ý, thương vụ sáp nhập này chính thức hoàn thành vào 1/7/2008. Hiện nay, Countrywide Financial được biết đến với cái tên Bank of America Home Loans, một công ty con của BofA, hoạt động trong lĩnh vực cho vay nhà ở.

Sự kiện Nothern Rock và Countrywide Financial được coi là dấu hiệu báo trước cơn bão sắp đổ xuống thị trường tài chính toàn cầu cũng như làn sóng sáp nhập, phá sản, và bị Chính phủ tiếp quản của các định chế tài chính.

3. Bear Sterns

Bear Sterns, tập đoàn môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư hàng đầu của Phố Wall, là nạn nhân tiếp theo trong cơn bão nợ dưới chuẩn hoành hành năm 2008. Những khoản đầu tư vào lĩnh vực cho vay mua nhà “một đi không trở lại” đã khiến Bear Stearns thua lỗ tới 3,2 tỷ USD. Trước đó, hai quỹ phòng hộ dưới sự quản lý của Bear Stearns đã sụp đổ vào giữa năm 2007, càng đẩy tập đoàn có lịch sử gần trăm năm này tới bờ vực phá sản và dễ dàng bị JPMorgan Chase thâu tóm với mức giá rẻ như bèo, chỉ 2 USD một cổ phiếu.

Đến tháng 1/2010, JPMorgan Chase chính thức xóa bỏ thương hiệu Bear Sterns. Địa chỉ www.bear.com giờ chỉ là đường dẫn đến công ty chứng khoán của JP Morgan Chase.

4. Freddie Mac và Fannie Mae

Cơn địa chấn tài chính thực sự nổ ra vào ngày 7/9 khi hai nhà cho vay cầm cố khổng lồ của Mỹ - Freddie Mac và FannieMae lâm vào tình trạng tồi tệ. Vai trò cho vay tín dụng mua nhà ở Mỹ của Freddie Mac và Fannie Mae lúc đó rất lớn, họ sở hữu hoặc bảo đảm cho vay thế chấp tổng trị giá lên tới hơn 5.000 tỷ USD, bằng gần một nửa tổng số tiền vay thế chấp mua nhà ở Mỹ.

Ngày 15/7/2008, Chính phủ Mỹ thông qua kế hoạch cấp cứu khẩn cấp 2 tập đoàn này. Nhiều biện pháp được đưa ra như việc bơm hàng chục tỷ USD thông qua các khoản đầu tư, cho vay, trong đó có cả việc mua lại cổ phiếu để ổn định giá, đồng thời nắm giữ vai trò nhất định ở cả 2 định chế này. FED tạo mọi điều kiện thuận lợi để cả Freddie Mac lẫn Fannie Mae có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn nhằm tăng khả năng chi trả.

Freddie Mac và Fannie Mae chính thức nằm dưới sự tiếp quản của Cơ quan tài chính nhà ở liên bang (Federal Housing Finance Agency) vào tháng 9/2008. Sau nhiều nỗ lực của chính phủ, phải đến tháng 3/2011, Freddie Mac và Fannie Mae mới bắt đầu hoạt động có lãi, và báo lãi kỷ lục vào đầu năm nay. Nhưng chính phủ Mỹ vẫn dự định giải thể cả 2 định chế này vào năm 2018. Tổng cộng số tiền cứu trợ Fredie Mac và Fannie Mae nhận từ chính phủ lên đến hơn 100 tỷ USD.

5. Merill Lynch

Merrill Lynch là tập đoàn tài chính lớn thứ 4 tại nước Mỹ, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng, tư vấn tài chính, quản lý tài sản, bảo hiểm, cung cấp dịch vụ cho thị trường vốn, ngân hàng và dịch vụ tài chính liên quan....

Thua lỗ lớn nhất trong lịch sử tại tập đoàn này cũng bắt nguồn từ mảng cho vay bất động sản dưới chuẩn và bành trướng quy mô. Đến tháng 4/2008, hãng phải cắt giảm 4.000 việc làm khi kết quả kinh doanh thua lỗ hơn 6 tỷ USD và không gượng nổi.

Ngày 14/9/2008, BofA đề nghị mua lại Merill Lynch với giá 50 tỷ USD. Merrill Lynch đã đồng ý với thương vụ này, tuyên bố phá sản ngay ngày hôm sau. Thương vụ hoàn thành vào quý I năm 2009 đã cứu Merrill Lynch và đưa BofA thành tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, để tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng, Merrill Lynch có thể sẽ sáp nhập hoàn toàn vào BofA, trở thành một bộ phận của ngân hàng lớn thứ 2 tại Mỹ này vào đầu quý IV/2013.

6. Lehman Brothers

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính và địa ốc, Lehman Brothers tuyên bố phá sản vào ngày 15/9/2008 sau nỗ lực bất thành về việc tìm kiếm đối tác vực đỡ ngân hàng, đánh dấu trường hợp sụp đổ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu.

Việc xin bảo hộ phá sản (theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ) của Lehman không bao gồm các hoạt động mua bán – môi giới và các bộ phận khác như công ty quản lý tài sản Neuberger Berman. Những mảng kinh doanh này sẽ tiếp tục hoạt động mặc dù Lehman có thể sẽ thanh lý chúng. Số phận công ty tài chính lớn nhất nước Mỹ với hơn 150 năm hoạt động cuối cùng đã rơi vào tay ngân hàng Barclays của Anh với giá 1,75 tỷ USD.

7. Washington Mutual

Do tin đồn Washington Mutual sắp bị vỡ nợ trong vòng 9 ngày làm việc, hàng loạt khách hàng đã ồ ạt đi rút 16,7 tỷ USD tiền gửi (tương đương 9% tổng số tiền gửi tính đến tháng 6/2008) đẩy ngân hàng này rơi vào thảm cảnh. Chính phủ Mỹ buộc phải giao ngân hàng này cho Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản vào ngày 25/9/2008.

Ngay khi thông tin trên được đưa ra, JPMorgan Chase đã tuyên bố sẽ mua lại Washington Mutual với giá 1,9 tỷ đôla và được FDIC chấp thuận. Toàn bộ chi nhánh của Washington Mutual hoạt động với thương hiệu mới JPMorgan Chase vào cuối năm 2009.

Ngày 26/9/2008, Washington Mutual nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đánh dấu vụ sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 6 nước Mỹ. Washington Mutual từng đi kiện lại chính quyền Mỹ, cho rằng FDIC đã thiếu trách nhiệm khi ra lệnh phong tỏa tài sản và bán cho JPMorgan Chase với cái giá "rẻ mạt". Trong đơn đệ trình lên tòa án liên bang, Washington Mutual đòi FDIC phải bồi thường thiệt hại 13 tỷ USD.

8. AIG

AIG, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới, cũng trở thành nạn nhân trong cơn bão khủng hoảng năm 2008. Ngay lập tức, chính phủ Mỹ phải đưa ra kế hoạch giải cứu. Theo đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cho AIG vay khẩn cấp khoản tiền 85 tỷ USD trong 2 năm. Đổi lại, chính phủ sẽ sở hữu 80% cổ phần và có quyền thay đổi ban lãnh đạo của tập đoàn. Một số tài sản của AIG cũng sẽ được bán.

Sau khi bỏ mặc Lehman Brothers, FED đã quyết định cứu nguy cho AIG donhận thấy rằng sự sụp đổ của AIG sẽ có tác động lớn hơn đối với nền kinh tế nước này nên họ đã dùng giải pháp cứu hộ. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, Chính phủ Mỹ vung tiền ra để cứu các công ty tư nhân sau vụ tiếp quản hai đại gia cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac.

Tiếp sau khủng hoảng tại Mỹ, chi nhánh AIG trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Khách hàng lo lắng kéo nhau tới công ty đòi rút tiền đã mua bảo hiểm. 

9. Citigroup

Citigroup là định chế tài chính đa quốc gia của Mỹ (trụ sở Manhattan, New York), được thành lập tháng 10/1998 sau một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất thế giới giữa tập đoàn ngân hàng Citicorp và tập đoàn tài chính Travelers Group. Thương vụ này dọn đường cho sự bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall năm 1933, đạo luật tách riêng những ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.

Chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng khiến Citigroup bị thua lỗ nặng trong năm 2008 và phải tìm đến sự trợ giúp của chính phủ. Cuối tháng 2/2009, Citigroup thông báo chính phủ sẽ nắm giữ 36% cổ phần tập đoàn để đổi lấy 25 tỷ USD cứu trợ và được hưởng hạn mức tín dụng 45 tỷ USD. CEO của Citibank chỉ nhận được mức lương 1 USD một năm còn nhân viên không được nhận 500.000 USD tiền mặt. Số tiền ngoài mức 500.000 USD được trả dưới dạng cổ phiếu hạn chế, không thể giao dịch cho đến khi Citibank thanh toán lại cho chính phủ.Chính phủ Mỹ được kiểm soát một nửa số ghế trong Hội đồng quản trị, và quản lý cấp cao sẽ bị loại bỏ nếu có hiệu suất kém.

Tháng 12/2010, Citigroup đã hoàn thành việc trả nợ chính phủ đồng thời còn thu được 12 tỷ USD lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu hạn chế lúc trước. Mọi hoạt động kiểm soát được gỡ bỏ khi chính phủ bán lại toàn bộ số cổ phần trong cùng thời điểm.

10. General Motors

General Motors Corporation (GM) là hãng sản xuất ôtô có trụ sở ở Detroit, Michigan, Mỹ. Đây đã là hãng sản xuất ôtô lớn thứ nhì thế giới, sau Toyota theo xếp hạng doanh thu toàn cầu năm 2008.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế năm 2008, số nợ của GM tính đến cuối tháng 5/2009 lên tới 172,81 tỷ USD trong khi tổng tài sản chỉ có 82,29 USD. Điều này buộc GM phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở khu Hạ Manhattan, New York vào ngày 1/6/2009, trở thành vụ phá sản lớn nhất từng có của một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Mỹ.

Theo bản kế hoạch bảo hộ phá sản và tái cơ cấu mà GM vừa nộp lên tòa án, chính phủ liên bang Mỹ sẽ nắm giữ 60% cổ phần GM mới, chính phủ Canada giữ 12,5% (với 9,5 tỷ USD hỗ trợ GM), Nghiệp đoàn ôtô Mỹ (UAW) giữ 17,5%, và các trái chủ giữ 10%. GM mới sẽ chỉ còn 4 thương hiệu cốt lõi là Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC. Bốn thương hiệu sẽ bị bán hoặc đóng cửa là Hummer, Pontiac, Saab và Saturn. Đây được xem là vụ can thiệp lớn bất thường của Chính phủ Mỹ vào ngành công nghiệp nước này.

Nguyễn Tâm (tổng hợp)