Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 1/3/2016, 14:54 (GMT+7)

Những tỷ phú đến 30 tuổi vẫn chưa giàu

Đừng nản chí nếu bạn chưa thành công khi còn trẻ, vì CEO Alibaba, PayPal hay nhà sáng lập Ford cũng vẫn chỉ là những người vô danh khi bước sang tuổi 30.

1. Jack Dorsey - CEO Twitter

Jack Dorsey khởi nghiệp khi vẫn còn là sinh viên Đại học New York. Công ty đầu tiên của Dorsey chuyên về chuyển thư từ, điều động taxi và các dịch vụ khẩn cấp khác qua một trang web. Khi dự án này thất bại, Dorsey đã đến gặp Ev Williams - CEO dịch vụ podcast Odeo. Rồi ông đề xuất với Williams ý tưởng về dịch vụ gửi tin nhắn nhanh.

Hứng thú với ý tưởng này, Williams đã hợp tác với Dorsey, Biz Stone và Noah Glass để theo đuổi dự án. Dorsey sau đó được bổ nhiệm làm CEO của Twitter đúng vào năm 30 tuổi.

2. Peter Thiel - CEO PayPal

Dù tốt nghiệp ngành luật, Peter Thiel lại là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong lĩnh vực công nghệ. Trước khi sáng lập PayPal, ông chỉ là một luật sư bình thường, chán ghét cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp khoa luật trường Đại học Stanford năm 1992, Thiel làm việc cho một công ty luật ở Manhattan, mà ông mô tả là “trong chán, ngoài thèm”.

7 tháng sau, ông xin nghỉ và làm việc cho Credit Suisse với tư cách nhân viên giao dịch phái sinh. Thiel thành lập PayPal năm 31 tuổi. Bốn năm sau, eBay mua lại công ty của ông với giá 1,5 tỷ USD.

3. Reed Hastings - CEO Netflix

Năm 1991, khi sang tuổi 31, Hastings lập hãng phần mềm Pure - một công cụ chuyên sửa lỗi cho các kỹ sư phần mềm. Pure là một thành công lớn đối với ông khi doanh thu tăng đều mỗi năm. Đến năm 1997, Rational Software mua lại Pure Software với giá 750 triệu USD. Và với số tiền này, Hastings mới bắt đầu mở hãng cho thuê băng đĩa và dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix.

4. Mark Cuban - CEO Broadcast.com

Sau khi tốt nghiệp Đại học Indiana, Mark Cuban chuyển về Dallas sống và làm nghề pha chế rượu. Sau đó, ông bán máy tính với mức lương 18.000 USD một năm. Tuy nhiên, Cuban sau đó bị sa thải vì không nghe lời cấp trên.

Năm 25 tuổi, ông thành lập công ty tư vấn phần mềm MicroSolutions. Sau 7 năm, Cuban bán công ty với giá 6 triệu USD và dùng số tiền này để thực hiện dự án thứ 2 là Broadcast.com. Công ty này sau đó cũng được bán với giá 5,7 tỷ USD.

5. Jan Koum - CEO WhatsApp

Koum từng là sinh viên trường cao đẳng San Jose State, nhưng rồi lại bỏ học. Sau đó, Koum trúng tuyển vào Yahoo - nơi ông gặp Brian Acton - nhà đồng sáng lập WhatsApp với ông sau này. Sau 9 năm làm việc tại Yahoo, Koum ứng tuyển vào Facebook nhưng bị từ chối. Đến năm ông 33 tuổi, ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí - WhatsApp mới ra đời. Năm 2014, Facebook mua lại WhatsApp, biến Koum và Acton thành tỷ phú.

6. Jack Ma - Chủ tịch Alibaba

Dù nằm trong top những người giàu nhất thế giới hiện nay, đến tận năm 30 tuổi, Jack Ma vẫn nghĩ mình là một kẻ thất bại. Trong một bài phỏng vấn với Charlie Rose, ông tiết lộ rằng mình đã trượt đại học 3 lần. Sau đó, ông ứng tuyển vào hơn 30 công ty nhưng đều bị từ chối.

Đến năm 31 tuổi, Jack Ma thành lập công ty đầu tiên với tên gọi là “China Yellow Pages”. Công ty này kiếm được khoảng 800.000 USD trong vòng 3 năm hoạt động. Năm 35 tuổi, ông mới sáng lập ra Alibaba. Cũng như Amazon, Alibaba làm ăn không có lãi trong 3 năm đầu, nhưng giờ lại rất thành công.

Điều thú vị là, Jack Ma chưa bao giờ viết một đoạn mã lập trình nào và lần đầu tiên ông sử dụng máy tính là khi đã 30 tuổi.

7. Henry Ford - nhà sáng lập hãng xe Ford

Henry Ford thành lập Ford khi đã 40 tuổi. Trước đó, sự cầu toàn của Ford luôn là nguyên nhân khiến ông thất bại, khi cả hai công ty đầu tiên đều phá sản.

Sau nhiều năm thất bại, các nhà đầu tư vào Ford thuyết phục ông Henry gọi James Couzen về làm giám đốc kinh doanh. Couzen khuyên Ford thử bán một chiếc xe không hoàn hảo ra thị trường và xây dựng nhiều xưởng trên khắp đất nước để sửa chữa xe bị hỏng. Và chiến lược đó đã thành công.

8. Sam Walton - nhà sáng lập Wal-Mart

Trước khi thành lập chuỗi siêu thị giá rẻ Wal-Mart, Sam Walton chỉ là chủ một cửa hàng giảm giá nhỏ, mở cùng bố vợ. Năm 1945, trước khi sáng lập Wal-Mart, Walton vay bố vợ 20.000 USD để mua nhượng quyền cửa hàng tạp hóa Ben Franklin. Ba năm sau đó, ông mua thêm một cửa hàng Ben Franklin, cách cửa hàng đầu tiên hơn 350 km.

Dù quản lý 2 cửa hàng, ông vẫn gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên. Sau nhiều năm kinh nghiệm, đến năm 1945, ông khai trương cửa hàng Wal-Mart đầu tiên khi bước sang tuổi 44.

Kim Dung (theo Fortune)