Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 8/1/2014, 06:36 (GMT+7)

Những vụ lừa đảo gửi tiền nổi tiếng thế giới

Với cùng một cách thức huy động vốn, cam kết trả lãi suất hàng chục phần trăm, dùng tiền của người sau trả cho người trước, các trùm tài chính như Allan Stanford hay Bernard Madoff đã gây ra những vụ lừa đảo quy mô hàng chục tỷ USD.

1. Charles Ponzi

Ponzi được đặt tên theo Charles Ponzi - kẻ lừa đảo nổi tiếng nước Mỹ thập niên 20. Năm 1919, Ponzi đã lừa hàng nghìn người đổ tiền vào chương trình đầu cơ tem thư của mình với cam kết trả lãi 50% trong 90 ngày. Thời đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ là 5% mỗi năm, tài liệu của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết.

Ban đầu, Ponzi có mua một lượng nhỏ tem thư quốc tế để phục vụ cho chương trình của mình. Nhưng sau đó, ông ta nhanh chóng chuyển sang dùng tiền của nhà đầu tư mới để trả cho những người cũ. Nhờ việc này, Ponzi đút túi được hàng triệu USD. Dù vậy, chẳng được bao lâu, hoạt động của Ponzi bắt đầu bị nghi ngờ và cuối cùng sụp đổ, kéo theo 6 ngân hàng phá sản. Tổng cộng, các nhà đầu tư mất khoảng 20 triệu USD trong vụ lừa đảo nổi tiếng này. Ponzi bị kết án năm 1920 và trục xuất về Italy năm 1934.

2. Lou Pearlman

Lou Pearlman (ảnh trái) là người đã tạo ra hai nhóm nhạc đình đám thập niên 90 - Backstreet Boys và ‘NSync. Tuy nhiên, ông ta cũng là kẻ lừa đảo nổi tiếng theo mô hình Ponzi. Pearlman đã thành lập một công ty ảo có tên Dịch vụ Du lịch xuyên lục địa. Sau đó, ông ta mồi chài các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của mua cổ phiếu công ty khi trưng ra các tờ khai thuế, số liệu tài chính giả mạo, thậm chí là cả vé VIP đến các buổi biểu diễn của hai nhóm nhạc.

Vụ lừa đảo của Pearlman kéo dài tới hơn 20 năm. Tổng cộng, Pearlman đã lừa được 300 triệu USD từ 1.000 nhà đầu tư cá nhân, rất nhiều trong số đó là bạn bè và họ hàng của ông ta. Nhiều ngân hàng như Bank of America hay Washington Mutual cũng rót vào công ty này 150 triệu USD. Trong tất cả phi vụ, ông ta đều cam kết trả lãi cao hơn các khoản đầu tư truyền thống. Dĩ nhiên, lợi nhuận trả cho người đi trước đều lấy từ người đến sau.

Các công tố viên cho biết từ năm 2003 đến 2006, Pearlman nhận 118 triệu USD tiền đầu tư. Trong đó, ông ta trả 43 triệu USD cho nhà đầu tư, rồi chi 38 triệu USD cho bản thân và một công ty có tên Pearlman Enterprises.

Pearlman tạo ra mạng lưới lừa đảo rất tinh vi. Ông ta lấy tên một công ty dịch vụ tư vấn qua điện thoại có tên Cohen & Siegel để làm hãng kiểm toán bảo đảm cho các văn bản tài chính. Trùm lừa đảo này còn dùng tờ khai thuế giả nộp cho ngân hàng và tạo ra một chi nhánh nhà băng giả tại Đức để tăng uy tín. Năm 2007, Pearlman bị bắt và sau đó nhận án 25 năm tù.

3. Allan Stanford

Năm 2012, tỷ phú tài chính Mỹ - Allan Stanford bị kết tội chiếm đoạt 7 tỷ USD của 30.000 nhà đầu tư để ăn chơi xa xỉ. Ông ta phải chịu mức án lên tới 110 năm tù và đã bị bắt giam từ năm 2009.

Theo tài liệu của SEC, các quỹ đầu tư của Stanford đã làm lóa mắt các nhà đầu tư bởi khoản lợi nhuận khổng lồ. Họ cũng chỉnh sửa báo cáo tài chính để công bố các khoản lợi nhuận đầu tư mà ngân hàng không thể có.

Vì thế, Stanford đã rất thuận lợi bán ra các chứng chỉ tiền gửi (CD) mà ông cam kết được bảo đảm bằng các khoản đầu tư an toàn. Sau đó, ông ta dùng tiền bán CD mới để trả cho các nhà đầu tư cũ, thậm chí đổ tiền vào bất động sản và công ty riêng.

4. Bernard Madoff

Được xem là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới, vụ Ponzi bắt đầu được Bernard Madoff thực hiện sau Ngày thứ Hai đen tối năm 1987 của chứng khoán thế giới. Thủ đoạn tuy không mới (lấy tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ), nhưng đến thời điểm bị bắt năm 2008, quy mô của vụ lừa đã lên tới 65 tỷ USD.

Madoff lừa được nhiều người đổ tiền vào các quỹ đầu tư của mình nhờ uy tín cá nhân và vai vế tại Wall Street. Ông ta từng là Chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Bên cạnh đó, lợi nhuận cam kết cũng không cao đến mức đáng ngờ - trung bình 10,5% mỗi năm. Và bất kỳ khi nào khách hàng cần rút tiền, Madoff đều có thể đáp ứng.

Vì thế, việc này tiếp diễn đến gần hai thập kỷ. Năm 2008, sự việc mới dần hé lộ khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhà đầu tư tới rút tiền còn nhanh hơn tốc độ huy động của Madoff. Cuối năm đó, chính Madoff đã thừa nhận đây là trò lừa đảo và bị bắt giữ. Ông trùm tài chính một thời hiện chịu án 150 năm tù.

Nạn nhân của Madoff không chỉ có cá nhân mà còn cả các tổ chức từ thiện, trường đại học, thậm chí là ngân hàng, như HSBC, Ngân hàng Hoàng gia Scotland và Ngân hàng Nomura. Tổng cộng, số nạn nhân trực tiếp và gián tiếp trong vụ này lên đến 3 triệu người.

5. Norman Hsu

Năm 2009, cựu nhân viên huy động vốn cho đảng Dân chủ - Norman Hsu đã bị buộc tội điều hành đường dây lừa đảo 60 triệu USD. Hsu thuyết phục nhà đầu tư đổ tiền vào công ty Next Components của ông ta, cam kết trả lợi nhuận 14-24% cứ mỗi 70-130 ngày. Tuy nhiên, ông ta sau đó lại dùng số tiền này trả cho nhà đầu tư trước, trả lương nhân viên, đóng góp cho các chiến dịch chính trị và ăn chơi xa xỉ.

Khi vụ việc bị phát hiện, các chính trị gia từng nhận tiền đóng góp từ Hsu như  Hillary Clinton, Eliot Spitzer, Andrew Cuomo, Barack Obama hay Al Franken đều quyên hết tiền cho từ thiện. Hsu sau đó bị kết án 24 năm tù.

6. Tom Petters

Năm 2010, doanh nhân bang Minnesota - Tom Petters đã bị kết án 50 năm tù vì lừa đảo và rửa tiền trong một vụ Ponzi lên tới 3,65 tỷ USD. Petters từng là CEO kiêm Chủ tịch Tập đoàn Petters Group Worldwide. Ông ta cùng những kẻ đồng lõa đã thuyết phục nhà đầu tư rót tiền cho họ mua thiết bị điện máy, rồi bán cho các hãng bán lẻ như Costco hay Sam’s Club.

Tuy nhiên, thay vào đó, Petters lại dùng số tiền này để kinh doanh công ty riêng, ăn tiêu xa xỉ và trả cho các nhà đầu tư khác. Cuộc sống xa hoa của Petters chỉ kết thúc khi năm 2008, Deanna Coleman – Phó chủ tịch đã giúp Petters lừa đảo suốt 10 năm qua bị tố cáo và điều tra.

Theo New York Times, hình thức lừa đảo bằng cách vay tiền của người này để trả cho người khác đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và được gọi là mô hình Ponzi. Trong đó, các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi cam kết có siêu lợi nhuận. Họ thường được giải thích đó là do quỹ đầu tư có kinh nghiệm, kỹ năng vượt trội hoặc vũ khí bí mật.

Tuy nhiên, trong Ponzi, lãi được trả cho những người này lại được lấy từ tiền vốn của các nhà đầu tư mới hơn, chứ không phải từ lợi nhuận hoạt động. Vì vậy, việc này sẽ còn tiếp diễn, chừng nào kẻ lừa đảo vẫn tìm được nạn nhân mới và nhà đầu tư cũ không đồng loạt rút vốn.

Hà Thu