Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 19/11/2013, 01:00 (GMT+7)

Những vụ M&A bất thành của đại gia công nghệ

Từ chối những đề nghị mua lại cả chục tỷ USD, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã phải hối hận khi giá trị công ty đi xuống. Tuy nhiên, cũng có những người chứng minh được đây là quyết định đúng đắn.

Năm 2008, Google trên đà phát triển rực rỡ và gần như không có ai để ngăn chặn bước tiến của "gã khổng lồ tìm kiếm". Một trong những đối thủ là Microsoft tìm cách kìm hãm sự bành trướng của Google ra toàn cầu bằng việc đề nghị mua lại Yahoo! với giá 44,6 tỷ USD. Đồng sáng lập Yahoo! Jerry Yang đã cho rằng giá này là quá thấp và từ chối số tiền của Microsoft. Không may cho hãng, ngay sau đó giá cổ phiếu đi xuống, Yang phải rời công ty còn Microsoft cũng bỏ qua luôn thương vụ này.

Groupon là công ty bán hàng theo nhóm hình thành từ năm 2008 và nhanh chóng đạt được thành công trên thị trường. Năm 2010, hãng có khoảng 35 triệu khách hàng ở nhiều quốc gia khác nhau, doanh thu hàng năm đạt một tỷ USD. Cũng trong năm này, Google để mắt tới Groupon nhờ độ phủ của hãng tại Bắc Mỹ, Mỹ Lantin và châu Âu.

Google đã đề nghị trả 6 tỷ USD để mua lại Groupon nhưng CEO Andrew Mason đã từ chối. Chẳng bao lâu sau đó Groupon vào giai đoạn suy yếu, thậm chí không có được lợi nhuận. Đầu năm 2013 Mason đã bị sa thải.

Nhắc đến Rovio Entertainment Oy (Rovio), nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tựa game cho di động nổi tiếng Angry Birds. Năm 2012, công ty chuyên game trên nền web Zynga (nổi tiếng với FarmVille, CityVille...) đã tìm cách tiến sâu hơn vào thị trường game xã hội và quyết định chi 2 tỷ USD để mua lại Rovio. Tuy nhiên, hãng đã từ chối đề nghị này để tiếp tục phát triển độc lập, còn Zynga cũng từ bỏ và bắt đầu xâm nhập vào làng game cho di động.

Vào những ngày đầu tiên của Facebook, sáng lập viên Mark Zuckerberg đã sớm nhận được các đề nghị mua lại. Năm 2005, Zuckerberg đã đàm phán với CEO MySpace Chris DeWolfe về việc mua lại công ty với giá 75 triệu USD nhưng Chris lờ đi. Đến đầu năm 2006, một công ty khác là Viacom đưa giá 750 triệu USD nhưng lúc này Mark muốn 2 tỷ USD và Viacom đã phải rút lui.

Cuối năm đó, tiếp tục đến Yahoo! ngó ngàng, sẵn lòng chi một tỷ USD cho mạng xã hội Facebook. Lúc này Yahoo! đang mất dần lượng khách trẻ tuổi và xem sản phẩm của Mark như cứu cánh cuối cùng. Thế nhưng cũng chỉ nhận lại cái lắc đầu từ vị CEO trẻ tuổi.

Năm 2008 Twitter trở nên khá nổi tiếng và gần như lập tức Facebook nhảy vào tìm cơ hội mua lại với 500 triệu USD. Twitter đã từ chối vì một số lý do như đề nghị của Facebook mua lại chỉ bằng cổ phiếu trong khi hãng cần tiền mặt. Lãnh đạo Twitter cũng cho rằng Mark đang "thổi giá" công ty của mình.

Tháng 11/2013, Twitter chính thức niêm yết tại sàn New York với giá khởi điểm 26 USD mỗi cổ phiếu và nhanh chóng tăng lên thành 45,1 USD do nhu cầu mạnh của các nhà đầu tư. Hiện công ty được định giá hơn 24 tỷ USD.

Foursquare gia nhập lĩnh vực mạng xã hội năm 2010 và là đơn vị đầu tiên chỉ có ứng dụng trên nền tảng di động. Cả Facebook lẫn Yahoo! đều muốn mua lại công ty non trẻ với 200 triệu USD nhưng CEO Dennis Crowley từ chối vì muốn giá cao hơn. Nhưng có vẻ Dennis đã mắc sai lầm. Theo các chuyên gia, đến cuối năm nay Foursquare sẽ thất bại và giá công ty bị ép xuống dưới 50 triệu USD.

Qwiki là công ty cung cấp ứng dụng video trên di động, bắt đầu được "đại gia" như Google chú ý đến từ năm 2010. Google sau đó phát giá 150 triệu USD để sở hữu Qwiki và nhận được lời từ chối vì công ty cho rằng mình đáng giá hơn thế rất nhiều. Nhưng không may cho Qwiki, ứng dụng tên Vine ra đời đã "đánh gục" hãng và sau đó phải chấp nhận bán lại cho Yahoo! với giá 50 triệu USD.

Friendster thành lập năm 2002 và được xem là kẻ tiên phong trong lĩnh vực mạng xã hội, đồng thời được kỳ vọng sẽ tạo nên hiện tượng trên thị trường. Google nhanh tay nhất trong số các công ty công nghệ, đề xuất giá mua lại 30 triệu USD vào năm 2003. Đã có rất nhiều lời khuyên Friendster từ chối đề nghị trên và đợi thời cơ. Nhưng cơ hội đó không bao giờ đến, nhất là khi MySpace và Facebook xuất hiện, biến Friendster trở thành điển hình của thất bại. Năm 2009 công ty đã phải bán lại cho MOL Global với giá 26,4 triệu USD. Theo Mentalfloss, nếu chấp nhận về với Google, cổ phiếu của Friendster ít nhất cũng đáng 180 triệu USD.

Snapchat không phải là điển hình duy nhất trong việc từ chối những lời đề nghị tiền tỷ của các công ty lớn hơn. Trước đó Yahoo!, Facebook, Twitter đều khước từ núi tiền để tiếp tục hoạt động độc lập.

Khánh Linh