Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 16/10/2013, 18:51 (GMT+7)

Tài chính thế giới sẽ ra sao nếu Mỹ vỡ nợ

Nếu không thể nâng trần nợ vào ngày 17/10, Mỹ sẽ khiến chứng khoán thế giới lao dốc, nhiều tổ chức tài chính nguy cơ sụp đổ và có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu.

1. Chứng khoán thế giới đỏ lửa

Gần như tất cả nhà phân tích và nhà đầu tư được hỏi đều cho rằng nếu Mỹ không thể trả lãi các khoản nợ, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ lao dốc. Một số người còn cho rằng chỉ số Dow Jones sẽ nhanh chóng mất tới 1.000 điểm. Các thị trường châu Á và châu Âu cũng sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng.

2. Suy thoái toàn cầu

Chứng khoán tuột dốc không đủ sức gây ra suy thoái toàn cầu. Nhưng nếu Mỹ vỡ nợ, cú sốc với các thị trường trên thế giới cũng đủ lớn đến mức nhiều người lo ngại sẽ có suy thoái.

“Nếu chỉ là một ngày giảm điểm bình thường của thị trường, chúng ta hoàn toàn có thể lật ngược tình thế. Nhưng nếu chứng khoán thế giới đỏ lửa vì lý do Mỹ vỡ nợ, chúng ta sẽ không thể làm được gì. Tăng trưởng toàn cầu sẽ bị đình trệ”, Komal Sri-Kumar - Chủ tịch hãng tư vấn Sri-Kumar Global Strategies cho biết.

3. Các quỹ thị trường tiền tệ (Money market fund - MMF) sụp đổ

Những quỹ này chỉ đầu tư vào tài sản ngắn hạn như tín phiếu kho bạc Mỹ (T-bill) hay thương phiếu. Các nhà đầu tư từng coi tài sản của quỹ này an toàn như gửi tiền trong ngân hàng. Tuy nhiên, khủng hoảng 2008 đã khiến họ phải nghĩ lại.

Sau khi Lehman Brother sụp đổ, quỹ thị trường tiền tệ Reserve Fund - từng đầu tư lớn vào các khoản nợ của Lehman đột ngột không còn đủ tiền để trả cho nhà đầu tư. Quỹ này đã bị liệt vào tình trạng “phá sản” khi không có nổi 1 USD tài sản cho mỗi USD đầu tư.

Việc này hoàn toàn có thể lặp lại nếu Mỹ vỡ nợ. Andrew Lo – giáo sư tài chính tại Đại học Công nghệ Massachusetts cho biết. Nếu Mỹ vỡ nợ và giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư sẽ đổ xô rút tiền ra khỏi các quỹ MMF, khiến rất nhiều quỹ cạn kiệt vốn. “Hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng với nhiều ngân hàng nếu tiền mặt rời các quỹ MMF và ra khỏi hệ thống tài chính, kể cả trong ngắn hạn”, Sri-Kumar nhận định.

4. Nhà băng bị rút tiền hàng loạt

Nếu các quỹ MMF thông báo với khách hàng rằng họ không thể rút tiền vì đang cân đối danh mục, nhà đầu tư sẽ ngay lập tức đi rút ở tất cả những nơi có thể. Chính phủ Mỹ bảo đảm an toàn cho những khoản tiền gửi từ 250.000 USD trở xuống thông qua Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC). Tuy nhiên, trong tình cảnh khủng hoảng tài chính, sự bảo vệ này cũng sẽ chẳng thấm vào đâu.

5. Một số tổ chức tài chính sẽ sụp đổ

Chỉ những ngân hàng mạnh nhất có thể trụ lại được. Năm 2008,  Washington Mutual đã phải bán mình cho JPMorgan Chase. Wachovia tồn tại được, nhưng phải cần Wells Fargo giải cứu. Còn Lehman thì sụp đổ hoàn toàn.

Nếu Mỹ vỡ nợ và gây ảnh hưởng dây chuyền trên toàn cầu, số tổ chức tài chính vỡ nợ sẽ còn nhiều hơn nữa. Phần lớn các ngân hàng đã chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng này, nhưng hiệu quả của kế hoạch này cũng có thể rất hạn chế.

6. Tín dụng bị đóng băng

Người dân sẽ khó có thể vay mua nhà, mua ôtô hay vay kinh doanh, kể cả khi có điểm tín dụng tốt, nếu Mỹ vỡ nợ. Trong trường hợp các nhà đầu tư và doanh nghiệp muốn rút tiền, ngân hàng sẽ phải gom góp toàn bộ tiền họ có và dè dặt khi cho vay.

Lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn có thể giảm nếu Mỹ vỡ nợ. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa người dân được vay tiền với lãi suất thấp hơn. Năm 2008, nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, vốn được coi là tài sản an toàn duy nhất. Điều kỳ lạ là, giới phân tích và đầu tư trái phiếu dự đoán xu hướng tương tự sẽ xảy ra sau vỡ nợ, do cũng chẳng còn công cụ nào an toàn hơn.

Lãnh đạo các nhà băng hàng đầu tại Mỹ đều cho biết vỡ nợ là việc họ không hề nghĩ đến và có lẽ sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức tài chính cũng thừa nhận đã chuẩn bị cho kịch bản Mỹ vỡ nợ.

CNN cho biết hậu quả khi tình huống này xảy ra là không thể dự đoán trước. Dù vậy, họ vẫn đưa ra các phản ứng có thể của thị trường tài chính nếu Mỹ ngừng thanh toán, kể cả trong ngắn hạn.

Thùy Linh