Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 21/5/2013, 15:43 (GMT+7)

Tem phiếu - loại tiền kỳ lạ bậc nhất thế giới

Ngoài tem phiếu của Việt Nam, danh sách này còn có xu phát ra tiếng, da sóc, đá tảng nặng 8 tấn hay tiền mệnh giá 100 triệu tỷ.

1. Tiền đá tảng

Đảo Yap thuộc Quần đảo Solomon là nơi có loại tiền lớn và kỳ lạ nhất thế giới: Đá Rai. Đây là một loại đá vôi dẹt có lỗ ở giữa, đường kính 3,6m và có thể nặng tới 8 tấn. Đây có lẽ là loại tiền duy nhất trên thế giới chẳng vừa với một loại ví nào. Tuy nhiên, đá Rai không được lưu thông. Chủ nhân của chúng sẽ thay đổi theo thời gian và dân đảo đều biết ai đang sở hữu hòn đá nào.

2. Tiền nước thánh

Đảo Palau đã phát hành xu đôla bạc năm 2007 với hình ảnh Đức mẹ Đồng trinh và chai nước thánh nhỏ lấy từ hang đá Grotto ở Lourdes, Pháp. Sau năm đó, nước này lại phát hành đồng xu khác để kỷ niệm lần thứ 150 Đức mẹ xuất hiện tại Lourdes.

3. Da sóc

Da sóc là loại tiền tệ phổ biến tại Nga thời trung cổ. Dĩ nhiên, các bộ phận khác của động vật như mõm, móng vuốt, tai cũng được sử dụng như công cụ trao đổi.

4. Tiền "mất đầu"

Chế độ độc tài của Joseph Mobutu tại Congo đã bị lật đổ năm 1997. Sau đó, trong khi chờ tiền mới được thiết kế và in lại, chính phủ nước này đành cắt bỏ mặt Mobutu trên các tờ tiền cũ để tạm thời sử dụng.

5. Tiền phát ra tiếng

Năm 2007, Mông Cổ phát hành xu 500 Tugrik với hình cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ở mặt sau. Điều ấn tượng nhất là khi ấn vào một nút nhỏ trên đó, người ta có thể nghe thấy bài phát biểu nổi tiếng “Ich bin ein Berliner” (Tôi là người Berlin) của ông. Khi phát hành, số xu  này đã được các nhà sưu tầm vét sạch ngay lập tức.

6. Tiền mệnh giá trăm triệu tỷ

Năm 1946, Hungary rơi vào cơn bão lạm phát trầm trọng nhất lịch sử. Chính phủ nước này khi ấy còn phát hành tờ 100 triệu tỷ pengo. Trên thực tế, tờ tiền này chỉ có giá như 20 cent.

7. Tiền ăn được

Muối được coi là một trong những loại tiền cổ nhất thế giới. Trên thực tế, từ "lương" trong tiếng Anh (salary) bắt nguồn từ chữ Latin "salarium" - loại tiền trả cho binh lính La Mã để mua muối. Thời Trung cổ, muối là tiền tệ chính ở khu vực sa mạc Sahara và Đông Phi. Mọi người thường mang đến cả tảng để người mua nếm thử, sau đó mới xẻ thành khối nhỏ để trao đổi.

Các loại tiền ăn được còn có nghệ bọc trong xơ dừa ở Quần đảo Solomon, cacao ở Mexico - Trung Mỹ và pho mát Parma ở Italy.

8. Tem phiếu

Mọi người vẫn luôn cho rằng tiền được dùng để trao đổi lấy sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, ở một số nước, tiền chỉ có thể mua được vài thứ nhất định, như quần áo hay thức ăn. Tem phiếu được dùng rất phổ biến ở Việt Nam thời kỳ bao cấp. Trong ảnh là loại tem để mua vải.

9. Tiền tử hình

Thời kỳ đầu, USD bị làm giả rất nhiều do số lượng máy in trong nước lớn và công nghệ chống tiền giả chưa tiên tiến. Vì thế, chính phủ Mỹ yêu cầu tất cả 13 tiểu bang thời đó phải in dòng chữ "Làm giả sẽ bị tử hình" lên tiền. Sau này, dòng chữ trên được thay bằng "Chúng ta tin vào thượng đế" (In God we trust).

10. Tiền gỗ

Đây từng là cách Đức phục hồi nền kinh tế sau Đại chiến Thế giới I (1914 - 1918). Tình trạng suy thoái buộc chính quyền địa phương sử dụng gần như mọi nguyên liệu tìm được để in tiền, từ gỗ, lá nhôm, vải lanh đến quân bài. Việc này kéo dài cho đến khi Ngân hàng trung ương Reichsbank hồi phục.

Các đồ vật kỳ lạ và hiếm có, đặc biệt là tiền, luôn thu hút các nhà sưu tập. Một số loại còn chẳng hề giống tiền con người sử dụng ngày nay, nhưng vẫn là công cụ giao dịch tại một thời điểm nhất định trong lịch sử.

Thùy Linh (theo China Daily)