Thứ năm, 25/4/2024
Thứ ba, 16/7/2013, 10:36 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam 2013 qua góc nhìn của Ngân hàng Thế giới

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố ngày 12/7, World Bank đánh giá môi trường vĩ mô nhìn chung tương đối ổn định, song tăng trưởng chậm kéo dài là một thách thức cần chú ý.

Môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định là nét tích cực về Việt Nam theo cách nhìn của World Bank. Lạm phát nửa đầu năm ở mức vừa phải, 6,7%.

Các cán cân đối ngoại được cải thiện. Xuất khẩu tăng ở mức cao nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng hơn, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn nhất (9,9 tỷ USD) và vượt qua các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như dầu thô, may mặc, giày dép… Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiểm chiếm gần một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 11,8% GDP (năm 2008) xuống khoảng 7,7% GDP trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là điạ chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai ở khu vực ASEAN, theo Điều tra Triển vọng kinh doanh ASEAN của Hiệp hội Kinh doanh Singapore và AmCham.

Năm 2012, Việt Nam đạt thặng dư thương mại – lần đầu tiên kể từ 1992. Thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm nay ở mức thấp – khoảng 1,4 tỷ đôla. Cũng trong năm này, Việt Nam đạt thặng dư cán cân thanh toán ở mức kỷ lục – đây là bước chuyển đáng ghi nhận từ mức thâm hụt 11% GDP (năm 2009) sang mức thặng dư 5,9% (năm 2012). Cán cân vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong năm nay tuy mức độ sẽ thấp hơn năm 2012.

Tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài, giúp dự trữ ngoại hối cải thiện từ mức 2,2 tháng nhập khẩu của quý một năm ngoái lên mức khoảng 2,8 tháng nhập khẩu trong quý một năm nay.

Tuy nhiên thách thức với Việt Nam lúc này là tình hình tăng trưởng ì ạch. Tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách kinh tế cuối những năm 80. Tăng trưởng GDP tăng 5,25 % trong năm 2012 (theo giá so sánh 2010),  mức thấp nhất kể từ năm 1998. Trong khi đó, quá trình cải cách mới bắt đầu nhưng tiến hành chậm và chưa được thực hiện quyết liệt.

Từ 2010 đến 2013, Việt Nam tăng trưởng chậm hơn Indonesia và Philippines — đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ vừa qua.

Tỷ lệ đầu tư giảm. Đến quý một năm nay, tổng đầu tư giảm còn 29,6 % GDP thay vì mức 38,5 % năm 2010. Tỷ lệ này khó cải thiện sớm khi tình hình ngân sách nhà nước không thuận lợi. Tổng thu ngân sách giảm từ 30% GDP giữa những năm 2000 xuống mức thấp nhất lịch sử 22,8 % GDP năm 2012. Chi đầu tư (kể cả các khoản ngoài ngân sách) dự kiến giảm từ 12,6% GDP năm 2010 xuống 7,8% năm 2012. Nợ nước ngoài vẫn bền vững vì thặng dư cán cân vãng lai ở mức cao, nhưng nợ trong nước đang gia tăng.

 

Sức khỏe của các doanh nghiệp chưa phục hồi. Chỉ số Mua hàng của Nhà quản trị (PMI) vẫn nằm dưới mức 50 cho phần lớn năm 2012 và 2013 (PMI dưới ngưỡng 50 biểu thị sản xuất giảm sút).

Tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ (tính giá trị danh nghĩa) đã giảm từ 24% năm 2011 xuống 16% năm 2012 và còn 11,9% trong nửa đầu năm 2013.

Nhập khẩu của khu vực trong nước giảm 7% trong năm 2012, cho thấy nhu cầu thấp đối với máy móc thiết bị và hàng hóa trung gian, cũng như tiêu dùng cá nhân yếu.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước tính ở mức 5,3%  trong năm nay và khoảng 5,4% vào năm sau. Lạm phát dự kiến 8,2% vào cuối năm 2013. Tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa từ đó sẽ tạo áp lực lạm phát  và làm xói mòn các thành quả mong manh của ổn định kinh tế vĩ mô. Việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu sẽ làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng.

(Nguồn: Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Việt Nam ngày 12/7 - World Bank)