Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” do ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức diễn ra ngày 5/12. Tại đây các chuyên gia đã "mổ xẻ" những chiến lược, chính sách ứng phó tại một số quốc gia trước Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời chỉ ra cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam trong những lĩnh vực gồm chế biến - chế tạo, năng lượng, nông nghiệp, ngân hàng, du lịch, y tế, giáo dục, thương mại.
Theo Ban Kinh tế trung ương, về mặt kinh tế, Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có tác động đến tiêu dùng, sản xuất và giá cả. Từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ có chất lượng với chi phí thấp hơn. Ví dụ, những chiếc điện thoại thông minh rẻ nhất với mức giá 10 USD đã có mặt ở châu Phi và châu Á. Dự báo đến năm 2020, 70% nhân loại sẽ sở hữu điện thoại thông minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự sự kiện ngày 5/12. Ảnh: Thống Nhất
Cơ quan này cũng trích dẫn số liệu của Michaelhaupt cho thấy, những sản phẩm công nghệ có chi phí giảm với tốc độ như vũ bão trong thời gian qua. Cụ thể, chi phí sản xuất robot công nghiệp chỉ còn một phần 23 tổng chi phí làm ra mặt hàng này cách đây 5 năm. Máy bay không người lái rẻ hơn 143 lần so với năm 2010. Việc sắp xếp bộ gen của con người có chi phí giảm 10.000 lần so với năm 2009.
“Cuộc cách mạng 4.0 cũng đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Ban kinh tế Trung ương nhận định, đồng thời cho rằng bản đồ sức mạnh của các doanh nghiệp cũng đang được vẽ lại. Các tập đoàn lớn vang bóng một thời và thống lĩnh thị trường trong một giai đoạn dài đang bị các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp trong những năm gần đây ở lĩnh vực công nghệ vượt mặt.
Các chuyên gia thuộc cơ quan này cũng nhận định, đó chính là cơ hội của Việt Nam. Những năm qua, công nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, trong khi công nghiệp chế biến - chế tạo tăng. Tổng số lao động ngành chế biến chế tạo là 6,6 triệu người vào năm 2010 đã tăng lên 8 triệu tính đến cuối năm 2015.
Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho rằng, đặc điểm chủ đạo của cách mạng công nghiệp 4.0 là kết nối, tốc độ, tái tạo mô hình kinh doanh. Theo đó, những mô hình cũ được tái tạo trong hệ sinh thái công nghệ thông minh. Những mô hình kinh doanh mới sinh ra với tốc độ nhanh, dựa trên kết nối số đã và đang hủy diệt những cách làm cũ.
Do đó, ông cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối hạ tầng, Việt Nam cần triển khai nhanh hơn những chính sách nhằm khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Môi trường kinh doanh của Việt Nam những năm qua có những cải tiến vượt bậc. Tuy nhiên, số doanh nghiệp phá sản vẫn tụt 4 bậc. Trong khi theo ông những doanh nghiệp công nghệ có thể thất bại vài lần trước khi thành công. Do đó, việc cho phép doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hoặc tái cơ cấu cũng là vấn đề rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ngoài ra, một điều cần làm nữa, theo ông Trung, Việt Nam cần hạn chế những mặt trái của cuộc cách mạng số. Bởi, dù không thể nằm ngoài dòng chảy của cuộc cách mạng số, mỗi thay đổi dù tích cực đều tạo ra rủi ro.
"Dù lỡ cả ba cuộc cách mạng công trước đây, Việt nam hoàn toàn có cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng công nghệ lần này. Chúng ta cần chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm với trọng tâm là hệ sinh thái công nghệ thông minh dựa trên kết nối số. Đã đến thời điểm đòi hỏi sự nhập cuộc, dấn thân của cả cộng đồng để thay đổi và tự đẩy mình về phía trước", ông Trung nói.
Một trong những vấn đề cũng được nhiều chuyên gia đặt ra là nguy cơ mất việc của lực lượng lao động do tác động của cách mạng 4.0. Về vấn đề này, ông Lê Hồng Việt – Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT thừa nhận công việc của người lao động sẽ có sự ảnh hưởng nhưng không theo hướng tiêu cực.
Tại sự kiện, FPT đã giới thiệu việc ứng dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Học sâu (Deep Learning)… để thông minh hóa các hệ thống ứng dụng cho các ngành, lĩnh vực như giao thông, y tế, bảo mật… Bằng những thông tin đó, lãnh đạo FPT nhấn mạnh trên thực tế, trí tuệ nhân tạo đang đem đến trải nghiệm và năng lực mới để doanh nghiệp đạt được hiệu quả hơn nhiều.
"Robot có thể thực hiện 15.000 cuộc gọi một lúc, mỗi cuộc gọi 2 phút. Trong khi để làm được việc đó trong một giờ cần 500 người. Tại Mỹ hiện đang có khoảng 2,4 tỷ cuộc gọi bằng robot mỗi tháng", ông Việt cho hay, đồng thời cho rằng trí tuệ nhân tạo không làm mất việc của người lao động mà còn hay tăng hơn bởi có sự kết nối tốt hơn giữa cung và cầu.
Báo cáo của ILO năm 2016 cũng đánh giá trong số các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, ngành dệt may và điện tử sẽ chịu tác động mạnh nhất của quá trình tự động hóa. Do đó, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ cần có sự thúc đẩy sự phát triển của ngành phụ trợ và cung ứng linh kiện như một giải pháp quan trọng làm giảm tác động tiêu cực của tự động hóa đến lao động, việc làm những ngành này.
Nguyễn Hà