Câu hỏi này được đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quy hoạch sáng 25/10.
Một điểm mới tại dự thảo Luật quy hoạch sau chỉnh lý, tiếp thu là bổ sung Điều 30 quy định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Đa số đại biểu đề nghị nên bỏ điều này.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng Nhà nước không nên tham gia quy hoạch ngành. Bởi thực tế ngành nông nghiệp cho thấy mặc dù có quy hoạch rồi nhưng nông dân vẫn phải chặt tiêu, chặt điều, cả nước vẫn phải giải cứu đàn lợn... “Trường hợp phải giải cứu thịt lợn, nông sản vừa qua ai đền bù, gánh chịu thiệt hại cho dân?”, ông Hạ đặt vấn đề. Vị đại biểu Bạc Liêu cũng đề xuất, cần bổ sung điều về phân loại để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, quy hoạch không thống nhất, dẫn đến tình trạng vừa làm đường xong lại đào lên làm nước, cáp điện lực... như đã diễn ra.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng giải cứu thịt lợn vừa qua là một bài học kinh nghiệm về công tác quy hoạch. Hiện nay đang có tình trạng Đồng Nai giải cứu cây chuối trong khi tại Bình Dương, nhiều nhà đầu tư lại muốn đổ vốn sản xuất loại sản phẩm này. “Như vậy yếu tố quy hoạch có hợp lý hay không?”, ông Hồng hỏi.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt câu hỏi về lợi ích của người dân trước những quy hoạch ngành mà Nhà nước lập.
Trong khi đó đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) lại đề nghị giữ lại Điều 30 vừa được bổ sung vào dự luật. “Nên giữ quy định này vì địa phương rất cần do đang vướng", ông nói. Tuy nhiên ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng hơn quy định này để đảm bảo đây là luật khung, tránh chồng chéo với luật chuyên ngành.
Điểm lo ngại nữa được các đại biểu nêu về vai trò "siêu Hội đồng thẩm định" của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong lập, thẩm định các quy hoạch. Cho rằng dự thảo luật chưa thấy có hơi thở của kinh tế thị trường, chưa xử lý được các vấn đề còn hạn chế hiện nay, đại biểu Hồng băn khoăn, “chúng ta phấn đấu nền kinh tế thị trường mà làm thế này tức là quy hoạch kinh tế thị trường. Luật vẫn mang tính kế hoạch tập trung, đều do Bộ Kế hoạch & Đầu tư làm tổng quản”.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cũng lo ngại về “siêu Hội đồng” khi luật có hiệu lực. Vị này nhấn mạnh, chỉ nên giao trọng trách này cho một cơ quan và thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương. “Một quy hoạch cấp tỉnh mà Bộ Kế hoạch thẩm định tới 2 lần thì vô lý. Nên đơn giản hoá thủ tục càng nhiều càng tốt”, ông nói.
Giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự luật chỉnh lý lần này đã bỏ quy hoạch sản phẩm như quy hoạch cá tra, nuôi lợn, gà... mà sẽ do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ làm dự báo, phân tích, tuyên truyền chứ không lập quy hoạch này. Luật sẽ chỉ giữ lại quy hoạch sản phẩm liên quan tới kết cấu hạ tầng để đảm bảo “đi trước một bước” và sử dụng tài nguyên để tránh lãng phí.
Trước lo ngại của các đại biểu việc Bộ Kế hoạch được trao nhiều quyền “quản” khi vừa giữ vai trò lập, thẩm định quy hoạch... Bộ trưởng Dũng lý giải, đề xuất ban đầu Chính phủ lập, nhưng nếu quy hoạch nào cũng đưa lên Chính phủ thì rất nhiều nên uỷ quyền cho Bộ Kế hoạch tổ chức thẩm định các quy hoạch.
“Tất cả quy hoạch ngành nào, bộ nào trước lập thế nào thì nay vẫn thế, không có chuyện đưa tất cả quy hoạch về Bộ Kế hoạch & Đầu tư lập như đại biểu đề cập”, Bộ trưởng nói thêm.
Dự thảo Luật quy hoạch gồm 6 Chương, 72 Điều và 2 phụ lục, dự kiến được thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Để phù hợp với Luật quy hoạch, dự kiến có gần 30 luật khác sẽ được sửa đổi, bổ sung trong một luật mới.
Anh Minh